Tài chính

"Đột nhập" giới thượng lưu Trung Quốc: Một ly trà trị giá lên tới gần trăm triệu đồng, điều gì khiến các "đại gia" chịu chi đến vậy?

Tại bữa tối của Glassbelly Tea Lab, một nhà hàng cao cấp ở Hồng Kông, cả bào ngư hay thịt bò Nhật Wagyu A4 đều không phải là ngôi sao. Thay vào đó, tám ly trà mới là yếu tố thu hút khách hàng quen đến với không gian làm từ gỗ này trong khu phố Causeway Bay sầm uất của thành phố.

Ở bên trái là ba ly nhỏ chứa ba loại trà nóng khác nhau: trà Puerh hương mận, Gold Needle Dian Hong (một loại trà đen tương đối mới từ Vân Nam) và Rougui có mùi than bùn (một loại trà ô long từ Dãy núi Wuyi ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc).

Ở bên phải là trà Full Blossom Rougui được phục vụ trong năm ly rượu vang pha lê Riedel. Người phục vụ giới thiệu: "Nếu dùng ly Cognac, bạn có thể cảm nhận được nhiều mùi trái cây hơn. Còn với ly Burgundy, hương hoa sẽ ngào ngạt hơn".

Đột nhập giới thượng lưu Trung Quốc: Một ly trà trị giá lên tới gần trăm triệu đồng, điều gì khiến các đại gia chịu chi đến vậy? - Ảnh 1.

Tại Glassbelly, các loại trà Trung Quốc được phục vụ trong ly rượu

Kiểu phục vụ khác lạ đã thu hút rất nhiều người đến nhà hàng này nhưng điểm nổi bật lại là những lá trà Trung Quốc có giá hàng nghìn USD. Nhà hàng Glassbelly chuyên về trà đá ô lông từ Wuyi, một trong những giống trà đắt nhất hành tinh. Đó là loại trà ô long mọc trên đá ở dãy núi Wuyi phía đông Trung Quốc, nên được đặt tên là "trà đá".

Các giống trà đá nổi tiếng từ khu vực này bao gồm Rougui, Da Hong Pao và Shui Xian - tương ứng có nghĩa là Quế, Áo choàng đỏ lớn và Hoa Thủy tiên. Mặt hàng được đánh giá cao nhất của Glassbelly là Niu Lan Keng Rougui, một loại trà Rougui quý hiếm từ một con suối trong thung lũng cùng tên trên dãy núi Wuyi.

Giá bán lẻ của loại trà này là 4.560 USD (hơn 100 triệu đồng) cho 25 gram, hoặc 184.615 USD/kg (khoảng 4,2 tỷ đồng). Để thưởng thức một tách trà tại nhà hàng, khách hàng sẽ phải chi 3.577 USD (81 triệu đồng). Thông thường, một ấm trà nhỏ 150-200 ml thường được pha với khoảng 5 gam lá trà.

Đấu giá trà

Các loại trà quý hiếm từ lâu đã có giá cao ngất ngưởng ở Trung Quốc. Đây không phải là một xu hướng mới. Vào năm 2002, 20 gram trà Da Hong Pao - cũng là một loại trà của núi Wuyi, từng chỉ dành riêng cho hoàng đế - đã được bán đấu giá với giá 28.000 USD ở Quảng Châu.

Vào năm 2009, 100 gram Taiping Houkui (trà xanh từ An Huy) đã được bán đấu giá với giá 31.300 USD ở Tế Nam. Gần đây hơn, vào tháng 12/2021, Sotheby's Hong Kong đã chủ trì cuộc đấu giá trà lần đầu tiên, tập trung vào trà Puerh cổ điển. Một bánh trà nặng 330 gram (lá trà nén dưới dạng bánh) được bán với giá 72.150 USD.

Kiến thức về trà Trung Quốc

Trung Quốc có sáu loại trà chính: trà xanh, trà trắng, trà vàng, trà ô long, trà đen và trà đậm. Mỗi loại được phân loại theo cách chế biến lá và thời gian lên men. Ví dụ, trà xanh chưa lên men trong khi trà đậm được lên men kép.

Ý nghĩa tên của các loại trà rất đa dạng, có thể là do vị trí mà nó được thu hoạch. Ví dụ, trà Puerh chỉ có thể đến từ một số nơi nhất định ở Vân Nam. Những chiếc lá cũng rất quan trọng. Lapsang Souchong sử dụng toàn bộ lá trà trong khi Jin Jun Mei chỉ sử dụng phần búp của lá.

"Để hiểu tại sao một số loại trà lại đắt, trước tiên, bạn phải hiểu thế nào là trà ngon", Wing Yeung, người sáng lập Glassbelly, giải thích. Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời mặc dù thực tế trà là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới.

Đột nhập giới thượng lưu Trung Quốc: Một ly trà trị giá lên tới gần trăm triệu đồng, điều gì khiến các đại gia chịu chi đến vậy? - Ảnh 2.

Nước sôi trong ấm bạc giúp ion hóa, khiến trà trở nên mịn hơn

"Một vấn đề lớn của trà Trung Quốc là không có câu trả lời chủ quan cho việc trà ngon là gì. Có rất nhiều câu chuyện tình cảm và yếu tố nghệ thuật khi nói về việc bán trà, nhưng rất ít về hương vị thực sự của trà", bà Yeung, người cũng làm việc trong ngành công nghiệp rượu vang, chuyên về Burgundy, cho biết. "Nếu bạn nhìn vào rượu và cà phê, cả hai đều là đồ uống có nguồn gốc từ thực vật và nổi bật hơn rất nhiều so với trà Trung Quốc trên thị trường thương mại".

Chưa được công nhận rộng rãi

Việc thiếu một hệ thống tiêu chuẩn hóa được công nhận rõ ràng dẫn đến sự nhầm lẫn về giá cả. Thị trường của trà kém minh bạch hơn so với rượu vang hoặc cà phê, nên giá của một loại trà cụ thể vẫn còn là điều khá lạ lẫm với nhiều người. Bà Yeung cho biết bà và cộng sự đã bỏ ra khoảng 5 triệu USD để tìm câu trả lời cho câu hỏi đó trong suốt thập kỷ qua, và họ quyết định mở Glassbelly vào năm 2021.

Cái tên Glassbelly được lấy cảm hứng từ một nhân vật bán thần thoại cổ đại của Trung Quốc là Thần Nông. Theo truyền thuyết, Thần Nông có một cái bụng trong suốt như thủy tinh. Để giúp thế giới kiểm tra việc sử dụng và độc tính của thảm thực vật, Thần Nông sẽ thử mọi loại thảo mộc mà ngài gặp và ghi nhớ sự thay đổi của nó trong cơ thể ngài, bao gồm cả trà.

Đột nhập giới thượng lưu Trung Quốc: Một ly trà trị giá lên tới gần trăm triệu đồng, điều gì khiến các đại gia chịu chi đến vậy? - Ảnh 3.

Bà Yeung hy vọng rằng nhà hàng Glassbelly sẽ tỏa sáng trên thị trường, nhờ vào cách tiếp cận hiện đại và khoa học đối với trà. Bà cho biết: "Ngành công nghiệp trà có thể đã thay đổi nhưng kỹ thuật bán hàng vẫn còn bế tắc như 1.000 năm trước".

Nhận xét của bà là đúng sự thật. "Rất khó để phát hiện ra liệu trà có đúng như những gì người bán giới thiệu hay không", bà Yeung nói. "Chúng tôi đã chi một khoản tiền để mua những lá trà "cao cấp" độc quyền, điều này thật sự rất kinh khủng. Chúng tôi đã học được trong quá trình lập nghiệp".

Điều gì làm nên một loại trà ngon

Đối với những khách hàng muốn nếm thử những loại trà cao cấp này, bà Yeung có một lời nhắc quan trọng: "Hãy ăn một miếng, nếu không bạn sẽ say trà". Trà có tác dụng tương tự như rượu, nhưng ít tác dụng phụ hơn. Uống trà có thể khiến người ta thư giãn và cảm thấy nhẹ đầu, hiện tượng này được gọi là say trà.

Đột nhập giới thượng lưu Trung Quốc: Một ly trà trị giá lên tới gần trăm triệu đồng, điều gì khiến các đại gia chịu chi đến vậy? - Ảnh 4.

Bà Yeung nói: "Trà giúp bữa ăn của bạn thêm phong phú. Vì vậy, tôi cho rằng đây là thức uống thích hợp để kết hợp với đồ ăn hơn là cà phê và rượu. Lưỡi của bạn sẽ nhạy cảm hơn khi bạn uống trà". Hớp trà đầu tiên có thể làm tê đầu lưỡi. Sau đó, hương vị của trà sẽ đến từ từ, sau đó cô đọng và nhẹ nhàng hơn nhiều. Trà Trung Quốc thường có vị ngọt tươi cụ thể kèm theo một chút vị đắng.

Một loại trà có ngon hay không tùy thuộc vào cách bạn thưởng thức. Và đây cũng là câu trả lời cho việc tại sao trà lại có giá cao như vậy. Theo bà Yeung: "Nhiều loại trà tuyệt hảo vẫn rẻ hơn một chai rượu Burgundy hảo hạng. Giá như vậy có đắt không?"

Cùng chuyên mục

Đọc thêm