Nhung không biết chữ và chỉ bập bẹ nói được vài từ. Năm 10 tuổi, em theo mẹ ra chợ Long Biên làm cửu vạn, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Với những đứa trẻ như Nhung, đây là cách duy nhất để em cho mẹ biết rằng, em yêu mẹ.
Buổi tối, lối mòn dẫn từ khu nhà trọ ra cổng chợ Long Biên tấp nập những xe hàng và mấy người nối đuôi nhau đi làm, họ bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 19 giờ. Cùng với nhóm cửu vạn, hai mẹ con Nhung men theo ánh đèn đường, vừa nắm tay vừa chậm rãi đi vì sợ Nhung vấp té.
Bữa cơm chiều của 2 mẹ con trước khi ra chợ làm việc
Cô bé 16 tuổi lật đật theo mẹ không rời nửa bước, cả đoạn đường Nhung không nói câu gì nhưng thi thoảng, em quay ra nhìn mẹ rồi nở một nụ cười ngô nghê.
Nguyễn Thị Nhung (SN 2006) là một trong những cửu vạn nhỏ tuổi nhất ở chợ Long Biên. Nhung mắc chứng bệnh chậm phát triển trí tuệ nên nhận thức kém và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Năm 6 tuổi, cô Nguyễn Thị Dung (57 tuổi - mẹ của Nhung) cho em đến trường học 4 năm 2 lớp nhưng Nhung không theo được. Đến giờ, Nhung vẫn không biết chữ.
Tuy nhận thức chỉ như đứa trẻ ba tuổi nhưng Nhung làm việc chăm chỉ. Hai mẹ con vừa ra đến chợ thì được thuê chạy việc luôn, em khuân hết bao hàng này đến bao hàng khác lên xe rồi phụ mẹ đẩy hàng tới điểm cần giao.
Đến gần nửa đêm, Nhung ngồi sụp xuống bật khóc vì mệt.
Công việc của 2 mẹ con bắt đầu từ 7h tối với một xe chất đầy hoa quả.
Những bữa cơm thiếu thịt
Căn phòng lụp xụp cuối xóm trọ của mẹ con Nhung nồng nặc mùi mắm, ở trên bàn một đĩa cá khô vẫn còn nguyên đợi đến tối ăn tiếp. Cô Dung bảo không biết đây là ngày thứ bao nhiêu cô và con gái phải ăn những bữa ăn như vậy. Thịt lợn trở thành món ăn quá xa xỉ khi mỗi ngày, cô chỉ có thể để ra 40.000 đồng cho 3 bữa ăn, của cả hai mẹ con. "Cô gần như quên mất mùi thịt" – cô Dung ngậm mùi.
Nhà chỉ có hai mẹ con, sinh Nhung được hai tháng thì chồng mất nên cô đặt tên con theo họ của mình. Năm 2010, cô ôm đứa con 4 tuổi rời quê từ Hà Nam lên thành phố trong người còn đúng 100.000 đồng. Hồi đó đâu nghĩ được gì, chỉ biết là cô cần tìm một đường sống để nuôi con, thế là cô tha luôn cái Nhung ra chợ làm cửu vạn cùng mình, mẹ đi đâu thì con đi đấy.
Lên 4 tuổi Nhung vẫn phát triển bình thường về thể chất nhưng không biết nói, cả ngày chỉ ú ớ mấy câu. Cô Dung sốt ruột nhưng không có tiền đưa con đi viện, mãi đến năm Nhung 6 tuổi đi học bị người ta trả về cô mới biết con mình bị chậm phát triển trí tuệ do ảnh hưởng từ gene của bố.
"Tôi vừa thương con vừa thấy bất lực với chính mình. Tôi phải tự động viên là thôi thì con mình vẫn còn khoẻ mạnh, hai mẹ con cố được ngày nào hay ngày đó." – Cô Dung nhớ lại.
Thủ đô trong cô bé 16 tuổi này chỉ là đoạn đường từ nhà trọ ra chợ Long Biên
Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm trời, đến năm Nhung tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ cô công việc cửu vạn ở chợ. Thời gian này, cô vẫn là lao động chính nhưng nhờ có Nhung mọi việc diễn ra nhanh hơn, chở được nhiều hàng hơn và Nhung cũng không rảnh rỗi chân tay.
Hàng ngày cứ 7 giờ tối, hai mẹ con dắt nhau ra chợ, ai thuê việc gì thì làm việc đấy mà chủ yếu là bốc hàng từ nơi này qua nơi khác. Nhung đang ở độ tuổi đúng ra phải được ăn học đàng hoàng, cho con đi làm sớm rồi thức suốt đêm bốc hàng, cô thương con nhưng bất lực.
Cô bảo: "Nhà chỉ có hai mẹ con, để Nhung ở nhà một mình cô không yên tâm vì sợ có người xấu đến làm hại đời Nhung. Đời cô đã khổ rồi giờ chỉ mong cho Nhung được yên ổn sống qua ngày, với cô thế đã là quá đủ."
Trước đây thu nhập trung bình của hai mẹ con chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày nhưng từ khi "sắm" được thêm chiếc xe đẩy, thu nhập tăng lên từ 120.000 – 200.000 đồng/ngày. Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của Covid-19 nên công việc bấp bênh, có đêm ngồi từ 21 giờ đến tận rạng sáng vẫn không ai gọi đi làm.
Xe hàng về càng nhiều thì thu nhập của 2 mẹ con đêm hôm đó càng có thêm đồng ra đồng vào
Những ngày như thế, Nhung cứ ngồi tha thẩn quanh chợ, nhiều buổi đang ngồi bỗng nhiên em bật khóc nức nở đòi về, rồi có khi lại bật khóc vì mệt quá. Nhung chỉ có thể khóc vì khóc là ngôn ngữ duy nhất em "sử dụng thành thạo" được để diễn tả suy nghĩ của mình.
Trở về phòng trọ vào lúc rạng sáng, trong căn phòng khoảng 16m2 ở cuối xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên, cô Dung và Nhung nằm thượt ra giữa ngổn ngang nào quần áo, đồ đạc, những giỏ hàng khách gửi… nhưng không có món nào giá trị quá 100.000 đồng.
Có tháng thu nhập của hai mẹ còn chỉ vỏn vẹn 3 triệu, cô Dung trả tiền phòng hết 1.200.000 đồng; 480.000 đồng tiền bến bãi ở chợ Long Biên, số còn lại là tiền ăn cho cả tháng.
Phải chắt chiu dành dụm lắm cô Dung mới có thể lo cho Nhung ăn đủ hai bữa mỗi ngày, mà món ăn chính từ ngày này qua tháng nọ có thể mua được chỉ là trứng và cá mắm. Từ lâu rồi, Nhung không biết các món thịt ăn như thế nào, nhưng em không đòi hỏi, không bỏ ăn, cứ đến bữa là ngoan ngoãn ngồi xới cơm cho mẹ và cặm cụi nhai cá khô phỏng cả miệng.
Khi tình yêu thương gói gọn trong tiếng gọi "mẹ ơi"
Vào một trưa tháng 6 trời nắng như đổ lửa, cô Nhung nằm trong phòng trọ chỉ nghe thấy tiếng thở của mình và cảm nhận được hơi nóng ran phát ra từ cơ thể, cô sốt 39 độ sau buổi dầm mưa đi làm từ đêm trước đó. Khi tỉnh dậy cô rướn người thấy Nhung đang ngồi bần thần ngay trước mặt, Nhung vẫn không nói được câu gì hoàn chỉnh nhưng cứ gọi đi gọi lại: "Mẹ ơi".
Thấy mẹ nằm sốt li bì giữa phòng, Nhung bồn chồn không hiểu chuyện gì xảy ra, em chạy qua gọi hàng xóm rồi ú ớ chỉ tay về phía mẹ đang nằm. Cô Nguyệt – hàng xóm sát phòng Nhung giải thích cho em là mẹ đang bị ốm sau đó hướng dẫn em nấu cháo cho mẹ. Nhung cũng cặm cụi làm theo.
"Đấy là lần đầu tiên tôi thấy Nhung bất thần như thế cũng là lần đầu tiên tôi ăn cháo con bé nấu. Bình thường việc nhà tôi phải chỉ việc đặt tay Nhung mới biết làm nên hôm đó thấy con luống cuống bê bát cháo vào tôi xúc động lắm", Cô Dung kể lại.
"Mẹ ơi, ăn" – Nhung vụng về nói với mẹ, nhưng chỉ mình cô Dung hiểu được rằng, đây là câu nói dài nhất, rõ ràng nhất và tình cảm nhất mà đứa con gái bé bỏng cô chăm sóc yêu thương suốt 16 năm trời, lần đầu dành cho mẹ.
Nuôi con một mình ngần ấy năm, cô Dung chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày của con, tuy nhỏ nhặt nhưng vừa đủ để hiểu là con cần mình, và ngay chính bản thân cũng coi Nhung là nguồn sống của cuộc đời.
Đã 10 năm nay, Thủ đô với đối với cô bé cửu vạn 16 tuổi chỉ thu bé vừa bằng con đường từ phòng trọ đến cổng chợ Long Biên. Nhung không có ước ao gì nhưng ánh mắt của em lấp lánh khi được người lạ tặng một bó hoa, cho một hộp kẹo hay chỉ đơn giản là thấy đường phố đông đúc phía ngoài cánh cổng chợ.
Không nói được "tròn vành rõ chữ", nhưng những cử chỉ, ánh mắt của em cũng đủ khiến người ta cảm nhận: Em yêu và thương mẹ rất nhiều.
Vẫn là Nhung và mẹ với chiếc xe đẩy hàng, vẫn men theo ánh đèn đường từ ngõ nhỏ đi ra với nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng hôm nay Nhung thì thầm với mẹ là "không khóc", tức là Nhung hứa hôm nay đi làm sẽ ngoan.