Mới đây, trang Facebook của Tuổi Trẻ Công an Thủ đô đã đăng tải một đoạn clip với nội dung "Công an xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ giữa đêm lấy thân mình ngăn cho đoạn đê gia cố không bị vỡ" gây xúc động và nhận được nhiều sự cảm phục từ người dân.
Cụ thể, vào lúc 0h15 ngày 12/9, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, Thượng uý Vũ Tuấn Lực, cán bộ Công an xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã phát hiện đoạn đê được gia cố bằng bao tải đất và cát có dấu hiệu sắp vỡ.
Trong đêm tối và giữa dòng nước chảy siết, Thượng uý Vũ Tuấn Lực không ngại hiểm nguy, lấy thân mình đè lên các bao cát tại vị trí xung yếu để ngăn đoạn đê khỏi vỡ, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ người dân và đồng đội xung quanh.
Khi trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô, Thượng uý Vũ Tuấn Lực chia sẻ: Trong lúc tuần tra, tôi phát hiện một đoạn đê gia cố bị cong và có nguy cơ vỡ. Không chần chừ, tôi lao vào, dùng tay, vai và đùi để ghì chặt các bao cát, ngăn nước tràn vào. Đồng thời, tôi cũng hô hoán đồng đội và người dân gần đó hỗ trợ, đưa thêm các bao cát đè lên khu vực sắp vỡ. Sau gần 30 phút nỗ lực của nhiều lực lượng, đoạn đê đã được bảo vệ an toàn.
Để chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua huyện Chương Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng 11 xuồng máy, máy đẩy các loại, 4 bè cứu sinh, 115 nhà bạt, nhà dù các loại, 135 phao tròn cứu sinh, 815 áo cứu sinh...
Xí nghiệp đầu tư Phát triển thủy lợi huyện thường xuyên kiểm tra 22 trạm bơm tiêu, đảm bảo vận hành 91 máy, điều tiết giảm nước 3 hồ (Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu).
100% các xã, thị trấn tổ chức trực 24/24h, sẵn sàng huy động 5.063 lực lượng xung kích và 357 phương tiện tham gia; dự trữ đất, cát 16.640m3, 100.000 bao tải. Lực lượng chức năng đã và đang hỗ trợ người dân kê kích tài sản, di chuyển người, vật nuôi khu vực không an toàn đến nơi trú tránh.
UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng ứng phó với lũ rừng ngang theo phương án được phê duyệt. Sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó nguy cơ tràn toàn bộ đê chính Hữu Bùi theo phương châm “4 tại chỗ” (kê kích tải sản, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men…). Tổ chức cảnh báo nguy hiểm, không để người dân tắm, đánh bắt cá, vớt gỗ trên sông…