Sáng 9/7, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo Kinh tế Việt Nam. Báo cáo nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,42%, vượt so với mức tiềm năng (quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% so với cùng kỳ năm trước). Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực.
Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Báo cáo cũng cho biết, năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng AI để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp,...
Cập nhật hai kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô
Báo cáo từ CIEM đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%, với giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm.
Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%.
Với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; chuỗi cung ứng phục hồi; đầu tư cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có chuyển biến tích cực).
Ngoài ra, Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng (kể cả chất lượng tín dụng), tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, dù kinh tế toàn cầu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro hiện hữu từ xung đột địa chính trị (Nga - Ucraina, Biển Đỏ, Trung Đông), gia tăng chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, xu hướng gia tăng các quy định về phát triển và phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu,...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về tài chính xanh và quy mô tài chính xanh còn khá khiêm tốn. Cụ thể, trong 2017 - 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Do đó, để cải thiện chất lượng tăng trưởng, ông Dương cho rằng, Chính phủ cùng bộ ban ngành cần hướng dẫn thực thi các Luật; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); và hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo).
Về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, ông Dương cho rằng nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Vì vậy, cần theo dõi diễn biến lạm phát, đặc biệt là tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Đặc biệt, cần giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai.
Về thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, ông Dương nhấn mạnh cần tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ.