Chào các bạn, tôi đã từng là một giám đốc kinh doanh nhiều dòng sản phẩm khác nhau khá thành công. Từ lúc còn là một nam sinh, sau mỗi buổi học, tôi đã phụ giúp mẹ trông coi cửa hàng ngoài chợ. Tới khi đi làm, tôi cũng đi lên từ vị trí nhân viên bán hàng như bao nhân viên khác, rồi thăng tiến lên trường nhóm. Với kinh nghiệm thị trường hơn 20 năm, tôi đã từng tự vỗ ngực và tự hào rằng tôi có thể bán được bất cứ những gì mình muốn. Thế nhưng, chuyện không phải như vậy…
Đó là khi tôi thử sức với nghề môi giới bất động sản, với suy nghĩ giản đơn "chỉ là một công việc tư vấn bán hàng, việc này mình đã làm hơn 20 năm rồi còn gì!"
Nghĩ là làm. Tôi bàn giao phần lớn công việc tại xưởng may của gia đình cho bà xã, và bắt đầu tham gia các khoá học bất động sản: Từ việc học pháp lý bất động sản, học cách lướt sóng, cách tiếp thị, cách bán hàng, học chứng chỉ môi giới bất động sản, học cách thành lập sàn… Và quyết tâm gây dựng cơ đồ với nghề môi giới bất động sản.
Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy rằng đa phần anh chị em môi giới thường là manh mún và đã có rất nhiều câu chuyện về việc lừa lọc lẫn nhau, tư vấn giả dối để có được thương vụ. Đăng tin ảo bất động sản hay giấu những thông tin bất lợi của dự án bất động sản nhằm thu lợi cá nhân, thôi thì đủ mánh khóe. Tôi tự nhủ, mình phải làm khác và sẽ chắc thắng. Từ kinh nghiệm bản thân hơn 20 năm bán hàn, một lần nữa, tôi đã tự tin "sải bước" trên thương trường.
Tự tin với vốn kiến thức về bất động sản đã học được, cộng với những kỹ năng về bán hàng đã được tích luỹ và cùng với chiến lược "nghĩ khác làm khác", tôi bước vào nghề với vị trí là một chuyên viên bất động sản cho một công ty tầm cỡ tại Tp.HCM. Đó là một công ty chuyên về bất động sản thổ cư mà nếu nhắc tới, chắc ai trong ngành cũng sẽ biết.
Chỉ trong một thời gian ngắn đăng tin, nhiều cuộc gọi đã tìm đến với tôi. "Thú vị nhỉ, mọi việc thật suôn sẻ", tôi thầm nghĩ. Tôi hí hửng trả lời và nhận lời dẫn khách xem nhà mà không biết cần phải sàng lọc thông tin yêu cầu. Kết quả là tôi đón tiếp toàn môi giới, hoặc toàn nhà đầu tư "sỏi".
Dưới đây là những tình huống mà tôi đã thu hoạch được:
Chuyện thứ nhất
"Ký gì? Làm gì mà ký, sao phải ký…không, không ký gì hết". Vẻ mặt bặm trợn của một vị khách như muốn tự vệ trước một mánh khoé của môi giới, chắc là họ nghĩ vậy. "Đi hay không?"
Tất nhiên, tôi cũng dẫn khách đi xem nhà… Họ xem xem, dòm dòm, ngó ngó rồi hỏi giá một lần nữa, rồi chê bai và rồi rồ ga phóng đi, không một lời từ biệt. Sau này tôi mới biết, họ là những nhà đầu tư cá nhân.
Chuyện thứ 2
- "Mình gửi anh, một bác sĩ trẻ, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và CCCD của mình. Và đây là "Phiếu yêu cầu miễn phí dịch vụ", anh xem trước và cho mình xin thông tin để bổ sung trước khi đi xem nhà nha anh", tôi hồ hởi.
Một hồi lâu, anh chàng bác sĩ trẻ báo lại: "Các anh trong khoa bảo em kiên quyết không cho thông tin, không ký tá gì hết…anh thông cảm". Rồi xong, một khách hàng đã ra đi.
Chuyện thứ 3
"Anh ơi, dẫn em đi xem thêm một căn nữa thôi anh, em cần mua gấp lắm anh. Thấy thông tin anh gửi vậy là đúng ý em rồi. Vậy nha anh, 20g30 hẹn gặp anh nha". Vị khách này sau hơn 6 căn nhà đã xem, nhưng chưa một lần cảm ơn vì tôi nhiệt tinh bỏ công dẫn đi xem. Chưa một lần họ mời tôi ly nước. Lần nào cũng vậy, bạn ấy đến xem, cũng chằng buồn bước xuống xe, nhìn nhìn rồi rồ ga vọt đi. Chỉ trao đổi với môi giới (là tôi) qua điện thoại và chat Zalo.
Tôi tự nhủ: "Mình làm "dâu trăm họ" mà, làm gì có "họ" nào giống "họ" nào mà ý kiến".
Tối hôm ấy, trời mưa nhiều, tôi hỏi lại khách có đi không và họ vẫn kiên quyết đi xem. Tôi lội mưa, ướt như chuột lột nhưng cũng rất vui vì khách quá nhiệt tình. Và cũng có thể mình sẽ "chốt" được căn này. Vị khách vốn bấy lâu nay hờ hững, hôm đó lại rất nhiệt tình. Bạn ấy sờ vào tay cầu thang, bước ra ban công, bước vào toilet, chụp hình trong ngoài tứ tung… bàn bàn tính tính với bà xã.
Khỏi nói, lòng tôi như trẩy hội, căn này khách chốt chắc đây. Chúng tôi chia tay nhau về cùng một nụ cười và lời cảm ơn.
Sau buổi tối trời mưa hôm đó, tôi liên lạc lần đầu tiên, không thấy bạn hồi âm. Tiếp đến lần 2 và rồi lần 3, cũng bặt vô âm tin. Tôi lại sợ khách bận nên không dám gọi liên tục, mà để cách 2-3 hôm mới liên lạc. Đến lần thứ 5, tôi được trả lời: "Năm nay coi tuổi không hợp, hẹn anh sang năm vậy".
Chuyện thứ 4
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này tôi sàng lọc hỏi han kỹ lưỡng rồi mới gửi thông tin yêu cầu ký tá phiếu yêu cầu miễn phí dịch vụ. Tất nhiên, tôi cũng phải gửi cho họ chứng chỉ hành nghề môi giới, kèm theo đó là căn cước công dân và website.
"Em thông cảm, năm trước anh đã bị một lần rồi, họ gọi anh và làm phiền anh dữ lắm. Thôi, nếu được thì dẫn anh xem, còn không thì thôi vậy", khách nói.
Hơn 2 tuần lễ tìm và lọc nhà theo ý họ, giờ mà không dẫn đi thì tiếc quá. Suy nghĩ sao đây, vì nếu không có thông tin để báo cáo thì công ty sẽ quở trách, sẽ đánh giá là không tuân thủ quy định và sẽ hạn chế khu vực bán hàng…Tôi làm tới luôn, "ém" công ty để dẫn khách đi xem nhà vì công sức hơn 2 tuần tìm và sàng lọc, mất ăn mất ngủ. Thế là cũng có được một gia đình chịu đi xem, mặc dù là "nhà này chưa hợp hướng".
Sau khi trao đổi thêm, tôi biết được anh khách này muốn nhà ở khu vực đó, tầm tài chính nhiêu đó, hướng đó…Thương vụ sau 6 tháng cũng đã hoàn tất trong niềm hân hoan của một môi giới đã nhiều lần ăn quả đắng. Không chỉ nhận được hoa hồng từ công ty, tôi cũng được vợ chồng anh tặng một khoản hậu hĩnh vì "em quá nhiệt tình".
Làm môi giới bất động sản, đã rất nhiều lần tôi cảm thấy chán nản, bực tức vì bị xem thường. Với tôi, hai chữ "môi giới" có lẽ là hai chữ bị coi thường nhất từ trước tới giờ. Vậy mà tôi đã gắn nó vào mình, gắn nó vào một hình ảnh của một giám đốc một doanh nghiệp đồng phục vốn rất được yêu quý.
Sau nhiều lần bị xem thường, tôi nghĩ giờ đây tôi đã "bình thường mới" với việc bị xem thường. Dưới đây là những gì mà tôi đúc rút từ "chuyện nghề" để có thể đứng vững và chia sẻ cùng anh chị mới vào nghề môi giới bất động sản:
1. Chân thật
Nếu may mắn tốt nghiệp từ chuyên ngành marketing, bán hàng thì đó là ưu thế của anh chị. Nếu may mắn trải qua nhiều công việc bán hàng với nhiều sản phẩm khác nhau, đối tượng khách hàng khác nhau thì lại thêm một lợi thế nữa. Nhưng nếu không có những may mắn nêu trên thì cũng không có nghĩa là anh chị không thể bước đến thành công trong nghề môi giới bất động sản. Anh chị có thể học để cải thiện bản thân từng ngày, học bằng nhiều cách.
Sau tất cả, nếu anh chị đang tìm cho mình một "bí quyết" thì tính chân thật là một bí quyết dành cho anh chị. Khách hàng, những người đã có thể tích luỹ với số tiền bạc tỷ để mua một bất động sản thì tôi tin rằng họ đủ tinh tế để nhận ra anh chị có đủ chân thật hay không.
Tất nhiên là cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng liệu là ta sẽ lừa được bao nhiêu người khi mà công nghệ ngày càng tiến bộ? Nếu muốn tồn tại lâu dài với nghề, đây sẽ là đức tính và là bí quyết đầu tiên, tiên quyết phải có. Còn nếu không, hãy quên đi nhé.
2. Chứng minh đi
Đã có quá nhiều bài báo nhắc tới những chuyện không hay của những môi giới "không hay". Đó là lý do tại sao khi nhắc tới hai chữ "môi giới" là ai cũng "ngán". Ban đầu, tôi cũng cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy "nản". Thế nhưng, khi hiểu ra vấn đề thì mới hiểu được khách hàng của mình đã "nghĩ đúng" một phần, nhưng lại là… phần lớn.
Nếu anh chị muốn nói với khách hàng rằng "tôi là một môi giới chuẩn mực, một môi giới đủ tốt, không làm phiền, không lừa lọc"…Hãy chứng minh đi. Không có một giao dịch bất động sản nào, đặc biệt là bất động sản thổ cư, lại diễn ra ngay lần đầu xem nhà. Nếu có thì đó là những trường hợp hy hữu mà có lẽ tôi vẫn chưa có cơ may "nếm trải". Ít ra thì cũng phải 3 đến 5 lần đi xem nhà, kiểm tra quy hoạch, thương lượng thì mới dẫn đến "chốt" giao dịch.
Anh chị có quá nhiều thời gian để chứng minh mình là một nhà môi giới đàng hoàng, chân chính, một nhà môi giới chuyên nghiệp. Để có thể thay đổi suy nghĩ về anh chị, cách tốt nhất là hãy chứng minh.
3. Kiên nhẫn và kiên định
May mắn thay là tôi đang sở hữu cho mình một đức tính kiên nhẫn bẩm sinh. Điều mà trước đây, có thể anh chị đã từng được đọc trên báo chí hoặc ngay bây giờ anh chị có thể search Google: "Tái khởi nghiệp với 17 triệu đồng" để thấy được nghị lực của một anh chàng "không còn một cắc bạc" với suy nghĩ: "Hãy đi, tuy lâu nhưng sẽ tới. Còn nếu bạn ngồi tại chỗ thì suốt cuộc đời này cũng sẽ không bao giờ tới được cái nơi mà bạn cần tới". Không riêng quản lý một xưởng may hay môi giới nhà đất như tôi đang làm, bất kì ngành nghề nào cũng cần một đức tính kiên nhẫn.
Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu ta bỏ đi hai chữ "kiên định". Anh chị biết không, bất động sản là một dòng sản phẩm "bạc tỷ". Đó cũng chính là lý do tại sao nó mang nhiều cám dỗ, nó khiến anh chị phải làm "bất chấp" để có được. Nào là đăng tin ảo, nào là phao tin ảo, nào là giấu đi lỗi pháp lý… đủ thứ chiêu trò. Đã nhiều lần tôi được mách rằng: "Mày làm thật quá thì có mà húp cháo" hay "Không đăng tin ảo thì có ma mà gọi"… Đứng giữa cái không có và cái có, anh chị phải cân não để giữ được tính kiên định. Nói đơn giản vậy thôi nhưng thực hiện được cũng khó lắm anh chị ạ.
Nghề nào cũng đẹp, cũng cao cả. Vấn đề chính là anh chị có thấy được cái đẹp của nghề không, anh chị có tôn vinh, có gìn giữ được hay không? Hãy dừng việc đi tìm những bí quyết hay "tuyệt chiêu", cùng những chiêu trò rẻ rốn ngay từ bây giờ. Và thay vào đó là thực hiện ngay ba yếu tố tôi đã nhắc đến. Tôi tin là anh chị sẽ thành công như những gì tôi đang tiến bước.
Ngay lúc kể lại câu chuyện này, tôi đang tiến hành thủ tục thành lập sàn giao dịch bất động sản, đang tiến hành tuyển nhiều nhân sự. Nhưng chắc chắn rằng, công thức của sự chân thật cộng với tính kiên nhẫn và lòng kiên định sẽ luôn luôn được áp dụng tại doanh nghiệp của tôi. Còn anh chị thì sao?
Bạn đọc thân mến!
Mỗi người chúng ta trong xã hội đều có một công việc.
Tôi là một biên tập viên ngày qua ngày làm việc với guồng quay của tin tức. Bạn là một bác sĩ phải chăm lo cho bệnh nhân, một kỹ sư ngày đêm dựng nên những công trình, một nhà giáo tâm huyết với lớp lớp thế hệ học trò, một người công nhân chăm chỉ trong nhà máy, một người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ bên một con phố nhỏ, một người bán cà phê, một trưởng phòng, một giám đốc công ty hay một người đang chập chững bước trên con đường khởi nghiệp…
Cuộc sống thật sinh động. Tôi và bạn đều có một công việc khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người đều có lý do riêng của mình để bắt đầu một thứ gì đó. Kể cả khi chúng ta có làm cùng một nghề, mỗi người đều nhận được những trải nghiệm rất khác nhau. Một lần nữa, không ai giống ai.
Có quá nhiều điều cần phải kể khi nhắc tới công việc của mình. Sao bạn không thử chia sẻ cho chúng tôi và mọi người cùng nghe?
Chủ đề: Cảm xúc, chia sẻ, trải nghiệm của bạn với nghề nghiệp của mình hoặc của bạn bè, người thân.
Hình thức: Thể hiện dưới dạng bài viết tối đa 2.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, phông chữ Unicode.
Tác giả bài viết gửi bài đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - [email protected] và Ms Linh Chi - [email protected]
Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên Nghề_Họ tên
Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Văn A
Bài viết thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu nói trên, không sao chép bất kỳ tác phẩm nào từng được công bố. Những bài viết đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn sử dụng. Chúng tôi xin phép thay đổi tiêu đề tiêu đề bài viết, biên tập nội dung cho phù hợp với tiêu chí của trang. Chúng tôi sẽ phản hồi và gửi nhuận bút với những bạn đọc có bài viết phù hợp đã được chọn đăng.
Ban biên tập trân trọng cảm ơn!