
Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Trần Hoàng Sơn (giữa). Ảnh: Huy Lê.
Tại Hội thảo "VPBankS Talk 5: Đầu tư thông minh cùng AI – Từ dữ liệu đến quyết định", Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Trần Hoàng Sơn cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn.
Thực tế, đồng USD mất giá khiến các tài sản nắm giữ bằng USD cũng trở nên kém hấp dẫn hơn các tài sản khác. Các thị trường chứng khoán mới nổi (Emerging Market) tăng khoảng 15%, cao hơn hẳn S&P 500 (khoảng 5%).
Ông Sơn tin rằng Việt Nam đang bám sát xu hướng tăng trưởng của thị trường mới nổi. VN-Index đã vượt qua sóng giảm tháng 4 rất nhanh, thậm chí vượt đỉnh ngắn hạn.
“Niềm tin nhà đầu tư đã trở lại với thanh khoản tăng lên rất cao. Số lượng tài khoản đã vượt con số 10 triệu cho thấy thị trường chứng khoán đang hút nhiều nhà đầu tư trở lại”, ông Sơn nhận định.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận năm nay sẽ đồng hành xu hướng chung của chính sách tiền tệ và tài khóa, có thể đạt 15-16%. Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục hồi phục như tài chính ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hay các ngành có tính chu kỳ như thép.
Về mặt định giá, P/E đang ở mức 13,9-14 lần, thấp hơn mức trung bình 10 năm gần đây khoảng 16,6 lần, cho thấy tiềm năng thị trường rất nhiều. P/E forward hiện khoảng 10-11 lần, cho thấy dư địa còn rất tốt.
Một động lực khác là cơ hội hút vốn từ các hoạt động niêm yết mới và IPO. Chuyên gia VPBankS ước tính tổng giá trị các thương vụ niêm yết và IPO khoảng 47,5 tỷ USD giai đoạn 2025-2027, trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin.
Thực tế, trong giai đoạn 2017 – 2018, thị trường có những câu chuyện như bán vốn của Vinamilk đã có nhịp tăng trưởng rất tốt.

Một số thương vụ niêm yết và IPO dự kiến. Nguồn: VPBankS.
Về yếu tố nâng hạng thị trường, Việt Nam đang đáp ứng 7/9 tiêu chí liên quan đến thị trường mới nổi của FTSE, triển khai thành công NPF và đưa vào vận hành KRX, đơn giá hóa quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài…
Việt Nam sẽ từng bước xây dựng hệ thống OTA, CCP vào cuối năm 2025 hoặc đầu 2026; đồng thời, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi nghiêng về kịch bản Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9 với xác xuất kỳ vọng 70%. Tuy nhiên, cũng có 30% khả năng được nâng hạng vào tháng 3/2026", ông Sơn nói một số cần đề cần thêm thời gian xử lý.
Nếu được nâng hạng, chuyên gia VPBankS dự báo thị trường sẽ đón dòng vốn ước tính 3-7 tỷ USD (bao gồm cả dòng vốn thụ động và chủ động).
Từ dữ liệu thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại 6.000 tỷ đồng từ đầu tháng 7 đến nay, chính là yếu tố điểm tựa cho thấy niềm tin nhà đầu tư nước ngoài trở lại.
Xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ giống các quốc gia khác từng được nâng hạng, do đó ông Sơn cho rằng "nếu giải ngân 3-7 tỷ USD trong thời gian ngắn thì sẽ là cú hích rất lớn đối với thị trường Việt Nam".
Dựa trên các kịch bản độ nhạy thị trường, diễn biến thanh khoản, VPBankS kỳ vọng thanh khoản thị trường có thể đạt đến 28.000 tỷ đồng nhờ câu chuyện nâng hạng và triển khai các sản phẩm mới.
Theo đó, ông Sơn kỳ vọng có thể sớm chứng kiến VN-Index đạt 1.500 hoặc 1.550 điểm trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Tuy nhiên, ở những vùng kháng cự như 1.430 hay 1.450 điểm, thị trường có thể xuất hiện những đợt điều chỉnh kỹ thuật. Khi điều chỉnh xong, thị trường sẽ lấy đà và lên vùng cao mới trong 6 tháng tới.