Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 23/10 đạt 11,5%, cao nhất kể từ năm 2018 cho tới nay, tương đương mức tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, nhu cầu tín dụng tăng cao sau đại dịch trong khi các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị tắc nghẽn nghiêm trọng dẫn đến tình trạng "khát vốn", không ít dự án bị đình trệ vì không thể tiếp cận vốn tín dụng, một số doanh nghiệp thậm chí phải tìm đến "tín dụng đen" để giải quyết vấn đề trước mắt.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thiếu vốn đối với các doanh nghệp thuỷ sản đã kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay và càng nghiên trọng ở thời điểm hiện tại.
Nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cắt giảm mạnh tín dụng với doanh nghiệp thủy sản mặc dù mới chỉ giải ngân được 60-80% hạn mức.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành, thậm chí, có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công, vì thiếu vốn.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, nhóm nào cũng khó.
Doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ, dệt may, da giày… thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến người lao động. Thị trường bất động sản thiếu vốn nên có tình trạng các dự án làm dang dở phải dừng lại. Các dự án có ngân hàng thương mại cam kết cho vay, đóng tiền từng đợt hiện nay cũng không vay được. Từ chỗ không có dòng tiền, doanh nghiệp không thể thi công, ảnh hưởng tới thanh toán cho các nhà cung cấp vật tư, nhà thầu…
Thực trạng đáng báo động trên cho thấy sự khó khăn về vốn lên tới đỉnh điểm của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và thanh khoản hệ thống tài chính rất căng thẳng nếu không có những tháo gỡ kịp thời.
Còn 2,5% hạn mức tín dụng chưa cấp
Theo báo cáo từ CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu so với mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở 14% cho cả năm 2022, vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng chưa cấp cho các ngân hàng thương mại, tương đương giá trị hơn 360.000 tỷ đồng.
Từ giữa tháng 9, NHNN đã thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM), và đầu tháng 10 vừa qua, NHNN cũng đã thực hiện nới room tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại đã tham gia cơ cấu tại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.
Chuyên gia cho rằng việc này đã phần nào giúp cho tín dụng tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10, thêm hơn 1,5 điểm% so với mức tăng 0,6 điểm % từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8. Như vậy, nếu giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho cả năm 2022, sẽ vẫn còn khoảng 2,5% hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho các ngân hàng thương mại trong 2 tháng còn lại của năm 2022.
Mặc dù vậy, các chuyên gia của BVSC đánh giá, NHNN khó nới thêm hạn mức tín dụng lên trên 14% trong năm nay, đặc biệt khi rủi ro lạm phát đã lớn hơn nhiều, chỉ số CPI trong tháng 10 đã ghi nhận ở mức 4,3%.
Chỉ còn trông vào hai kênh: Tín dụng và ngân sách
Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam chỉ ra rằng, để tháo gỡ tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng có hai kênh.
Kênh thứ nhất là từ tín dụng ngân hàng, phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước có cho tín dụng ra hay không. Từ đầu năm đến nay tăng trưởng hạn mức tín dụng vẫn nằm trong mục tiêu dưới 14%, room tín dụng "cạn kiệt" khiến thanh khoản căng thẳng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp.
"Khi đã áp dụng chuẩn Basel II, khi các ngân hàng thương mại không huy động được thì cũng không cho vay được", TS. Hoè lý giải.
Kênh thứ hai và cũng rất quan trọng là ngân sách, khoảng 350.000 tỷ đồng của Ngân sách hiện vẫn chưa giải ngân được, hiện ở kho bạc NHNN chứ chỉ còn một phần rất nhỏ ở hệ thống ngân hàng thương mại gây ra căng thẳng thanh khoản của hệ thống.
Với việc tiền ở cả hai kênh trên đều không ra được thị trường thì chỉ còn duy nhất kênh đầu tư của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp và người dân cũng cạn kiệt sau hai năm COVID-19.
"Vì vậy, rất rõ ràng bài toán thanh khoản của nền kinh tế chỉ còn trông vào hai cửa: Ngân hàng Nhà nước và ngân sách", TS. Hoè đánh giá.
Ông Hoè cũng kiến nghị, Ngân hàng Trung ương cần tính toán để nhanh chóng bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Ngân sách Nhà nước thì phải giải ngân dứt khoát và tập trung mạnh vào các công trình trọng điểm, giải ngân để nó có thể hoàn thiện và phát huy còn nếu tỷ lệ giải ngân cao mà dàn trải không có trọng điểm thì lại dở dang và không phát huy hiệu quả.
Để khơi thông vốn cho nền kinh tế, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cũng cho rằng, hạn mức tín dụng cần tính đến sự đóng băng của thị trường trái phiếu.
Khi thị trường này gần như kiệt quệ, thanh khoản đóng băng, doanh nghiệp còn phải mua lại, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sụt giảm thì họ cần phải có kênh tiếp cận vốn khác để bù vào.
Trong dài hạn để kiểm soát lạm phát thì NHNN cần kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là lượng tiền cơ sở ở mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng nên để cho các ngân hàng thương mại tự quyết định miễn là họ đáp ứng được các chuẩn mực an toàn mà các cơ quan quản lý đặt ra, chuyên gia Phạm Thế Anh đề xuất.