Kỹ năng sống

Đường vào ĐH Yale và đi khắp thế giới của cô bé bán nước mía

"Tôi chưa bao giờ nghĩ những giấc mơ này viễn vông", chị Kiều Thị Mỹ Dung, 32 tuổi, chuyên gia tư vấn chiến lược trong ngành dược phẩm ở Berlin, Đức chia sẻ.

Mỹ Dung và mẹ trong sinh nhật 7 tuổi. Đây là sinh nhật duy nhất Dung được tổ chức ngày bé và bộ váy cũng là đi thuê. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỹ Dung và mẹ trong sinh nhật 7 tuổi. Đây là sinh nhật duy nhất Dung được tổ chức ngày bé, với bộ váy đi thuê. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra trong gia đình khó khăn ở huyện Di Linh, Lâm Đồng, tuổi thơ của Dung gắn liền với quầy nước mía ngoài chợ của mẹ và tiếng róc mía đêm đêm của ba. Ngay cả ngày Tết, cô cũng dẫn theo hai đứa em sinh đôi, cùng cha mẹ đi bán nước mía.

Từ rất sớm cô bé nhận ra học giỏi là con đường duy nhất thay đổi cuộc đời. Những lúc vắng khách, Dung lôi sách vở ra học. Sau này gia đình chuyển qua bán cà phê và mở tiệm karaoke, ồn ào từ sáng tới khuya, cô vẫn giữ được sự tập trung cao độ để học bài. Bà Tâm, người hàng xóm bán phở năm đó, đến tận giờ vẫn nhắc lại đèn phòng Dung luôn bắt đầu sáng từ khi bà dậy mở hàng, lúc 3h30 sáng mỗi ngày.

Suốt các cấp học, Mỹ Dung luôn đứng đầu lớp. Tổng điểm trung bình năm lớp 9 đến 9,5. Không chỉ môn chính, Dung còn đặt mục tiêu đạt tối đa cả thể dục, hội họa, âm nhạc. Mặc dù là học sinh giỏi Toán, lên cấp 3 cô quyết định thi vào lớp chuyên Anh, trường chuyên Thăng Long, Đà Lạt. Lần ấy cô đạt điểm cao nhì tỉnh, tổng kết năm lớp 10 cũng nhất khối và giành huy chương vàng Olympic miền Nam môn tiếng Anh.

Cũng chính trong năm đó, Dung nhận tin đã giành được một trong hai suất của tỉnh Lâm Đồng đi thi học bổng toàn phần trung học ASEAN Singapore. "Ngay phút giây đó, mình biết cơ hội đổi đời của mình đã tới", cô nhớ lại.

Ở tuổi 15, một mình Mỹ Dung đi tàu ra Hà Nội dự thi và trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam sang Singapore.

Lúc mới ra nước ngoài, cô gái nghèo biết mình quá thua kém so với các bạn cùng khóa. Hầu hết họ đều có vẻ ngoài xinh đẹp và sành điệu. "Còn mình ngày đó béo ú lại mặt mụn. Nhưng khủng khiếp nhất là tiếng Anh của mình dù đậu học bổng nhưng không thể nào đủ để giao tiếp hay học. Mỗi lần mình đọc bài, cả lớp cười vì không ai hiểu mình nói gì", cô kể.

Suốt hai năm đầu, Dung nhốt mình trong thư viện. Vừa đọc, cô vừa dò từ điển và ghi chú tất cả các câu từ tiếng Anh hay vào một cuốn sổ. Mỗi học kỳ, cô viết hết vài cuốn sổ và nhờ giáo viên sửa. "Em có một quyết tâm phi thường, nhưng quá khắt khe với bản thân. Cô chắc chắn sau này em sẽ thành công", cô giáo tiếng Anh có lần ghi vào nhật ký của Dung.

Quyết tâm giúp Mỹ Dung luôn đạt điểm gần như tuyệt đối ở tất cả các môn, tiếng Anh cũng cải thiện đáng kể. Kết quả bốn năm học, cô·đứng số 1.

Nhưng cũng vì chỉ có học, Dung bị stress đến nỗi tự dứt tóc, hói nguyên một mảng đầu, phải đội mũ đến trường. Cô cũng bị hội chứng rối loạn giấc ngủ, sau khi học bài đến 3-4 giờ sáng thì không thể ngủ được, nằm thức đến 6h sáng rồi dậy đi học. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày.

Tại Singapore, trước kỳ thi cuối cùng sẽ có nhiều vòng thi preliminary và điểm ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường đại học ở Anh hay Mỹ, vì điểm chính thức phải tới đầu năm sau mới có. Sáng hôm thi môn Toán, Dung bỗng thấy choáng rồi ngất xỉu ngay khi mới vào phòng. Thầy và bạn định đưa đến phòng y tế, nhưng cô nữ sinh Việt không chịu, tiếp tục làm bài thi và cuối cùng vẫn được điểm tối đa.

Bà Phạm Thị Bông, mẹ của Dung kể, một ngày cuối năm 2009, bà nhận được cuộc gọi từ nhà trường đề nghị sang Singapore giúp đỡ con gái hoặc đưa về nhà tĩnh dưỡng. Nhưng vợ chồng bà lấy đâu điều kiện qua thăm con. "Chúng tôi chỉ biết động viên con thả lỏng, nghỉ ngơi nhiều hơn", bà chia sẻ.

Mỹ Dung (áo kẻ) với bạn cùng phòng, tại Đại học Yale vào năm 2010, khi là sinh viên năm nhất. Cô được xem là đột biến trong một dòng họ không có truyền thống học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỹ Dung (áo kẻ) với bạn cùng phòng, tại Đại học Yale vào năm 2010, khi là sinh viên năm nhất. Cô được xem là "đột biến" trong một dòng họ không có truyền thống học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà trường đành phải cho cô gặp chuyên gia tâm lý và kê thuốc an thần. Song với Dung, những việc này chỉ giúp được một phần. "Ngày có thông báo được nhận vào Đại học Yale, mình vỡ òa vì hạnh phúc. Hơn chục năm kiên trì học tập không ngừng nghỉ, cuối cùng mình đã được đền đáp xứng đáng", cô nói.

Năm đó, Mỹ Dung là học sinh duy nhất của National Junior College nhận được học bổng toàn phần của Đại học Yale trị giá 60.000 USD một năm. Học bổng còn chi trả chi phí mỗi kỳ nghỉ hè và đông, nhờ đó cô gái Lâm Đồng bắt đầu học cách tận hưởng cuộc sống.

Không như đa phần những du học sinh Việt hướng theo con đường toán, kinh tế, tài chính, Mỹ Dung theo học ngành chính trị, sau đó theo đuổi Tâm lý học tích cực ở Đan Mạch, rồi học Lịch sử nghệ thuật ở Pháp. Đối với cô, các ngành học này chính là một sự bù đắp cho những khát khao thời thơ bé.

"Yale cho mình sự tự do theo đuổi tất cả những đam mê 'không thiết thực', nên cách mình yêu chiều bản thân không phải là ăn chơi mà là tận hưởng những tinh hoa của nhân loại. Với mình đây là những thứ xa xỉ không thể tưởng được với một đứa con gái xuất thân lam lũ", cô chia sẻ.

Mỹ Dung trong một chuyến đi chơi ở Santorini, Hy Lạp tháng 9/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỹ Dung trong một chuyến đi chơi ở Santorini, Hy Lạp tháng 9/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tốt nghiệp năm 25 tuổi, Mỹ Dung trải qua một số công việc, trước khi theo lĩnh vực tư vấn chiến lược cho ngành dược phẩm. Trước dịch, cô thường xuyên từ Đức bay qua Mỹ, còn hiện tại, bay qua Anh hầu như mỗi tuần để làm việc với khách hàng.

Một trong những chuyến đi đã cho cô gái Việt cơ hội gặp được chồng mình. Anh có xuất thân bình thường và cũng như Dung, đã nỗ lực vươn lên, hiện làm tư vấn chiến lược trong ngành tài chính. Cặp đôi cưới nhau năm 2019 và đã mua nhà ở Berlin.

Với công việc và lối sống phóng khoáng, họ xê dịch tới nhiều quốc gia, song không theo kiểu du lịch, mà thường ở lại khoảng một tháng mỗi nước để trải nghiệm cuộc sống. Năm 2020, họ đón năm mới ở Israel, xong qua Cyprus ở một tháng, ở Rome (Italy) hai tháng, Bồ Đào Nha và Hy Lạp mỗi nơi một tháng, Tây Ban Nha ba tháng. Năm ngoái, giữa lúc giữa dịch lockdown, họ ở Canary Islands nửa năm. Năm nay cặp vợ chồng đón năm mới ở Việt Nam hai tháng, qua đảo Mallorca một tháng, đón ba mẹ qua châu Âu chơi hai tháng và vừa trở về nhà sau một tháng ở Croatia.

"Đối với mình, ước mơ năm nào đã thành hiện thực, dù cuộc sống hiện tại không giàu nhưng rất tự do phóng khoáng và toàn cầu. Mình cảm giác thoải mái ở tất cả ngóc ngách của thế giới và rất biết ơn vì được tiếp xúc rất nhiều, hiểu biết nhiều", cô bộc bạch.

Khi chia sẻ blog Midziidiary về hành trình từ một cô bé bán nước mía vào Yale và chu du khắp thế gian, rất nhiều người đã hỏi: "Làm thế nào để có được cuộc sống như mong muốn và thong dong năm châu bốn bể?". Câu trả lời của Mỹ Dung luôn là: "Chúng ta sẽ không bao giờ có thể là người đẹp nhất, giỏi giang, khéo léo nhất, nhưng có thể là người đến sớm nhất".

"Vì luôn đến sớm nhất lớp, nhất trường, luôn đến sớm nhất khi làm việc cho đến đi chơi, mình đã đi tới ngày hôm nay", cô nói.

Xem thêm ảnh các chuyến đi của Mỹ Dung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm