Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, trẻ ngày càng chịu nhiều áp lực hơn so với trước đây từ học hành, thành công đến thể hiện vị trí trong xã hội. Vì thế, trẻ dễ căng thẳng và có thể bộc phát những hành vi không thể giải thích, thậm chí là cực đoan.
Đáng nói, đa phần cha mẹ chưa biết cách xử lý khi con bị suy giảm về sức khỏe tâm thần mà thường ''đổ thêm dầu vào lửa'', cố gắng trách mắng nhiều hơn vì thương phải cho roi cho vọt.
Theo Thạc sỹ tâm lý lâm sàng Đoàn Thị Hương (Trung tâm Tham vấn - Trị liệu Tâm lý Share), đôi khi cha mẹ có cái nhìn sai về biểu hiện bất ổn của con. Chẳng hạn, khi trẻ đang trong tình trạng cảm xúc quá lớn hoặc trong cơn bất ổn, mất kiểm soát thì các phụ huynh lại cho rằng trẻ đang chống đối, nếu không nạt nộ, ngăn chặn ngay thì con sẽ trở nên hư hỗn.
''Một số cha mẹ áp dụng hành động trách mắng, quát nạt, thậm chí là bạo lực. Một số cha mẹ bình tĩnh hơn, đã biết kiểm soát hơn nhưng lại nói quá nhiều, bắt con phải thế này, con phải thế kia...Nhìn chung, tất cả các phương pháp từ trách móc, trừng phạt, dùng lí lẽ đều không phù hợp khi con đang có cảm xúc lớn. Thay vào đó, cha mẹ hãy giúp con lấy lại bình tĩnh tại thời điểm đó bằng sự hiện diện và cho con sự chăm sóc nhẹ nhàng về mặt vật lý như chạm nhẹ vào vai, nắm tay, cho con một cốc nước, một tờ giấy nếu con muốn khóc....
Cha mẹ hãy công nhận rằng con đang rất bất ổn và thấu hiểu xem nguyên nhân nào khiến con như vậy. Cha mẹ có thể nói với con là đã có gia đình ở bên con rồi, con đang không ổn nhưng chuyện này là bình thường, có thể xảy ra với bất cứ ai, nếu như con cần sự giúp đỡ nào thì cha mẹ luôn sẵn sàng.
Tóm lại, cha mẹ không cần làm gì quá nhiều mà hãy kết nối với con, cho con nhận ra, sau những lúc buồn phiền cáu giận thì cha mẹ vẫn luôn ở cạnh. Đó mới chính là liều thuốc kỳ diệu'', chuyên gia Đoàn Thu Hương cho hay.
Ở bước tiếp theo, khi con đã cho phép cha mẹ đồng hành cùng con rồi thì phụ huynh bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với con như: "Con có thể ôm lấy mẹ; mẹ có thể ôm con được không; con hãy uống cốc nước này để bình tĩnh hơn; con hãy hít thở sâu 5 nhịp, đi ra nhà vệ sinh rửa mặt...Chắc chắn, một lát sau con sẽ được làm dịu. Và khi điều này trở nên quen thuộc, thì ngay cả khi cha mẹ không ở đấy các con cũng hiểu rằng, cha mẹ luôn là cánh cửa không bao giờ đóng lại, con có thể nhắn tin, gọi điện thoại để chia sẻ'', chuyên gia Đoàn Thu Hương đưa ra lời khuyên.