Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1400 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Sự cố môi trường gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng cho người dân. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo đó, UBND tỉnh xử phạt hành vi vi phạm hành chính 350 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem do gây sự cố môi trường trong quá trình hoạt động dự án Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamonphotphats (DAP) công suất 330.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tại quyết định xử phạt, UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm.
Trước đó, sáng 24/5, người dân tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) thấy một luồng khí trắng bay ra từ phía khu công nghiệp Tằng Loỏng về phía khu dân cư. Sau đó, người dân thấy không khí có mùi khét gây khó chịu, khó thở, thậm chí có người bị nôn, ngất xỉu. Đến chiều cùng ngày, người dân phát hiện các loại cây trồng bị cháy, táp lá.
Ngày 25/5, một đoàn công tác do Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Lào Cai Vũ Đình Thủy chủ trì đã về làm việc với người dân.
Qua khảo sát, hiện tượng cây trồng bị cháy, táp lá xuất hiện theo vệt từ khu vực nhà máy tuyển quặng Apatít Tằng Loỏng, giáp xưởng sản xuất SA của nhà máy sản xuất DAP số 2 - Vinachem, kéo dài sang khu vực nhà máy sản xuất tấm nhựa của Công ty Công ty Tân Hưng Thịnh và đến khu vực thôn Phú Hà 1 (xã Phú Nhuận).
Nguyên nhân của vụ việc được kết luận, vào sáng 24/5, trong quá trình sản xuất tại Nhà máy sản xuất DAP số 2 - Vinachem, tại xưởng SA (xưởng sản xuất axit sunfuric) có dao động bất thường về chỉ số công nghệ, nhưng công nhân trực ca đã không phát hiện và xử lý kịp thời, dẫn đến hệ thống chuyển hóa và hấp thu khí chưa triệt để, làm tăng lưu lượng khí thải xưởng SA ra môi trường. Sau khi phát hiện sự cố, công nhân trực ca đã điều chỉnh đưa dây chuyền sản xuất về trạng thái vận hành bình thường.
Theo thống kê của huyện Bảo Thắng, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 700 ha cây trồng của hơn 700 hộ dân ghi nhận bị ảnh hưởng; ước tổng thiệt hại trên 10 tỷ đồng.