Thời sự

Nhiều nước trước nguy cơ bùng dịch trong mùa hè, biến thể SARS-CoV-2 có khả năng tránh miễn dịch

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 88,65 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,04 triệu trường hợp tử vong do bệnh này. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 53.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .

Hai biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang gây lo ngại về một đợt bùng phát dịch khác tại Mỹ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đã tăng lên khi người dân Mỹ có nhiều hoạt động trong mùa hè. Khoảng 34% ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ hiện nay xuất phát từ các chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron . Điều này đang khiến hai biến thể phụ này có thể trở thành chủng virus chủ đạo tại Mỹ.

Dữ liệu ban đầu cho thấy, những biến thể phụ này có khả năng lẩn tránh miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ giúp duy trì số ca mắc ở mức thấp hơn, đồng thời giúp hạn chế số ca tử vong và nhập viện không tăng đột biến.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nhất trí khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna để tiêm cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 6-17 tuổi. Đến nay, gần 60% số trẻ em từ 12-17 tuổi tại Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trẻ từ 5-11 tuổi thấp hơn nhiều, chưa đến 30%. Hiện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng vaccine của Moderna cho nhóm trẻ em từ 6 tháng đến 11 tuổi.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,36 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,96 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Nhiều nước trước nguy cơ bùng dịch trong mùa hè, biến thể SARS-CoV-2 có khả năng tránh miễn dịch - Ảnh 1.

Pháp bắt đầu cân nhắc đến việc tái áp đặt những biện pháp chống dịch. (Ảnh: AP)

Sau hơn một tháng chính thức bỏ khẩu trang, số ca nhiễm COVID-19 tại Pháp lại tăng mạnh trong những ngày qua. Điều này có thể lý giải một phần bởi dòng người du lịch đến Pháp ngày một đông cũng như các hoạt động lễ hội mùa hè bắt đầu tổ chức ngày một nhiều. Chính phủ Pháp đã bắt đầu cân nhắc đến những biện pháp chống dịch trở lại.

Con số gần 80.000 người nhiễm vào ngày 24/6 và hơn 50.000 ca nhiễm tính trung bình trong một tuần qua đã khiến nước Pháp lo lắng cho tương lai của mùa hè này. Dù Bộ Y tế Pháp đã thông báo rằng số người nhiễm tăng nhưng ca nhập viện không tăng và Chính phủ nước này cũng khẳng định vẫn còn cân nhắc về việc lập lại quy định đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng, nhiều người ở Pháp đã chủ động thực hiện việc này.

Ngày 24/6, Hy Lạp thông báo tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2 cho người từ 30 tuổi trở lên bắt đầu từ tuần tới. Theo hãng Thông tấn quốc gia Hy Lạp (AMNA), cơ quan tiêm vaccine nước này tái khẳng định khuyến cáo mạnh mẽ rằng những người từ 60 tuổi trở lên nên tiêm liều tăng cường thứ 2. Nhóm người này có thể tiêm liều tăng cường thứ 2 từ đầu tháng 4.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng trong tháng 6. Hy Lạp ngày 24/6 xác nhận 11.972 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Nước này cũng ghi nhận 13 ca tử vong mới. Bộ trưởng Bộ Y tế Hy Lạp Thanos Plevris ngày 22/6 cho biết, hệ thống y tế quốc gia dự kiến vẫn đủ công suất điều trị các bệnh nhân COVID-19 cho đến cuối mùa hè.

Singapore tiếp tục nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đối với lao động nhập cư. Theo đó, từ ngày 24/6, các lao động nhập cư tại nước này không còn phải xuất trình giấy phép đặc biệt mới được rời khỏi ký túc xá nữa. Như vậy, những lao động nhập cư được tuyển dụng làm việc trong các ngành như xây dựng và bảo dưỡng tại Singapore sẽ không còn cần thẻ thông hành.

Tuy nhiên, nhà chức trách Singapore vẫn yêu cầu những lao động này phải xin giấy phép đến 4 địa điểm nổi tiếng vào các ngày Chủ nhật và ngày nghỉ lễ với số lượng lên đến 80.000 giấy phép/ngày. Một người phát ngôn Bộ Lao động Singapore cho rằng, biện pháp này nhằm kiểm soát đi lại của các lao động nhập cư tại những khu vực nói trên, qua đó ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vì đại dịch vẫn chưa chấm dứt.

Kể từ ngày 25/6, Thái Lan sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Lý do là bởi số ca mắc COVID-19 đã giảm và "xứ sở Chùa Vàng" đang tìm cách thu hút du khách nước ngoài trở lại. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha, đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải là điều tự nguyện. Mặc dù vậy, Bộ Y tế Thái Lan vẫn khuyến khích người dân tiếp tục áp dụng biện pháp này tại nơi đông người hoặc những khu vực chật hẹp.

Tuyên bố mới của Chính phủ Thái Lan được đưa ra sau khi Singapore và Campuchia cũng bãi bỏ các quy định đeo khẩu trang ngoài trời.

Nhiều nước trước nguy cơ bùng dịch trong mùa hè, biến thể SARS-CoV-2 có khả năng tránh miễn dịch - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 có nguy cơ bùng lại trong mùa hè này tại Nhật Bản. (Ảnh: AP)

Dịch COVID-19 có nguy cơ bùng lại trong mùa hè này tại Nhật Bản. Đây là lo ngại của nhóm chuyên gia tư vấn về đối sách phòng chống dịch COVID-19 thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Theo các chuyên gia, xu hướng giảm số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đang dần chững lại và một số địa phương có dấu hiệu đi ngang. Đặc biệt, số ca mắc mới tại tỉnh Okinawa đang tăng lên những ngày gần đây.

Các chuyên gia lo ngại, số ca nhiễm mới COVID-19 tại Nhật Bản có thể tăng lên trong mùa hè này do hiệu quả miễn dịch sau khi tiêm vaccine COVID-19 giảm theo thời gian, kèm theo xu hướng tiếp xúc đông người tăng lên trong kỳ nghỉ hè và nguy cơ xuất hiện biến thể mới.

Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý cần chú ý giám sát tình hình một cách chặt chẽ. Các địa phương của Nhật Bản cần tiếp tục thúc đẩy tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên.

Hai biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 dường như có khả năng vượt qua hệ thống miễn dịch ở cả những người đã bị nhiễm COVID-19 trước đó và những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Thông tin dựa trên công trình nghiên cứu các dữ liệu mới của Trung tâm Y tế Beth của Israel và Trường Y Harvard (Mỹ).

Nghiên cứu cho thấy, hai biến thể BA.4 và BA.5 làm giảm 3 lần hiệu quả của kháng thể trung hòa đạt được do tiêm chủng hoặc bị lây nhiễm COVID-19 so với các biến thể trước đó. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cũng cảnh báo, 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng khắp Liên minh châu Âu (EU) trong những tuần tới. Hiện chưa thể khẳng định hai biến thể phụ này có độc lực mạnh hơn các dòng biến thể trước đó. Các nhà nghiên cứu cho biết, việc tiêm vaccine vẫn là cần thiết vì sẽ hạn chế khả năng bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng.

Vaccine phòng COVID-19 đã ngăn ngừa được khoảng 19,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm đầu tiên vaccine được triển khai tiêm chủng. Đánh giá trên được đưa ra trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 24/6.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính về số ca tử vong đã được ngăn chặn trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ vaccine COVID-19. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập trong thời gian từ ngày 8/12/2020 - 8/12/2021 tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nghiên cứu không bao gồm Trung Quốc do nước này có quy mô dân số lớn và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng đến kết quả. Tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Oliver Watson, thuộc trường Cao đẳng Hoàng gia London, Anh.

Theo kết quả nghiên cứu mới công bố, một số bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong máu và các triệu chứng kéo dài là do hệ miễn dịch vẫn đang chiến đấu với virus ẩn náu đâu đó trong cơ thể. Để có được kết luận trên, các chuyên gia đã phân tích nhiều mẫu huyết thanh thu thập theo các giai đoạn từ 63 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 37 người ghi nhận triệu chứng COVID kéo dài. Trong nhóm những người mắc COVID kéo dài, đa số mẫu máu phân tích vẫn phát hiện gai protein trên bề mặt virus thậm chí sau 12 tháng phát bệnh.

Trong khi đó, ở nhóm bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng COVID kéo dài, những gai protein này không còn xuất hiện trong huyết thanh. Việc các gai protein của virus vẫn được phát hiện trong máu bệnh nhân cho thấy có khả năng một ổ virus còn hoạt động vẫn tồn tại dai dẳng trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, vị trí chính xác của ổ virus này không được nghiên cứu đề cập.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm