Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Trong Nghị quyết này, quyết định bãi bỏ quy định khung giá đất . Đây được coi là bước đột phá để xóa bỏ chênh lệch giá ảo - giá thật, tạo cơ sở để các địa phương xác định giá đất sát với thị trường.
Thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế hai giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để doanh nghiệp, người dân xác định cơ sở tính tiền đóng thuế sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, tính giá đất đền bù giải tỏa dự án,...
Giá đất thứ hai được gọi là giá thị trường do các thành phần của nền kinh tế xác lập, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. Khoảng chênh lệch giữa 2 giá đất càng lớn, càng gây nhiều bất cập và được cho là chưa có sự hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
TS Kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, khoảng cách về giá đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai. Việc giao đất và cho thuê đất hiện nay vẫn lấy giá đất ở trong khung nhân với hệ số, mặc dù hệ số này được điều chỉnh theo thị trường nhưng mức quy định rất thấp chỉ 1-2 lần.
Nhưng giá thị trường gấp hàng chục lần. Bên cạnh đó, một hệ lụy nữa là nếu bảng giá đất của UBND cấp tỉnh thấp hơn thị trường thì chắc chắn người thực hiện giao dịch sẽ ghi trên hợp đồng một mức giá thấp hơn giá Nhà nước để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.
“Nếu xoá bỏ khung giá đất sẽ loại bỏ hoàn toàn được các bất cập này. Thị trường bất động sản sẽ được minh bạch hơn, quyền lợi của người dân mất đất sẽ được đảm bảo. Tiến độ các dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ không còn tình trạng khiếu kiện kéo dài…”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng khung giá hiện hành trong khi chưa phản ánh đúng giá thị trường làm cho người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận. Điều đó làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định thực tế, khung giá đất cũng mang lại một số lợi ích khi làm căn cứ tính giá đất, mỗi khi nhà nước có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế, giá đất được định giá theo khung giá đất thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường.
Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án bị chậm tiến độ do người dân không đồng tình với giá trị đền bù khi giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế, tại Hà Nội, rất nhiều dự án trọng điểm, như đường vành đai 2, vành đai 2,5 bị chậm tiến độ do một số hộ dân không chịu giải phóng mặt bằng, vì giá trị đền bù thấp.
Hoặc, hiện nay, rất nhiều nhà tập thể được xây dựng từ thập niên 50, 60 đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tòa nhà còn trong tình trạng “chờ sập” nhưng không thể cải tạo được vì người dân “chê” chi phí đền bù thấp.
“Vì vậy, việc bỏ khung giá đất, khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ dựa vào cơ chế thị trường để tính giá trị đền bù đất, như thế sẽ phá bỏ được sự chênh lệch giữa giá trị thật, và giá trị ảo”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, việc bãi bỏ khung giá đất, đưa thị trường bất động sản về cơ chế thị trường sẽ giúp Việt Nam có thêm dòng thu ngân sách từ thuế giao dịch bất động sản.
Phân tích rõ hơn điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói: “Việc thu thuế từ bất động sản cũng được tính dựa trên khung giá đất. Vì vậy, khi tính giá đất dựa theo khung giá đất chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba so với giá thị trường. Như vậy, khi thu thuế sẽ bị thất thoát. Đó là chưa kể, một số đối tượng lợi dụng khung giá đất để lách luật, trốn thuế. Khi bỏ, hành vi này cũng sẽ bị triệt tiêu”.
Chính vì vậy, khi bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất phù hợp với thị trường; linh hoạt trong việc điều chỉnh bảng giá đất; đơn giản hóa quy trình điều chỉnh bảng giá đất sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho các dự án đang triển khai.