Thời sự

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn

Ngày 5/8, chúng tôi đến Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC), nơi Thượng úy, liệt sĩ Đỗ Đức Việt đang theo học lớp LT12E – liên thông đại học vừa học vừa làm.

Khuôn viên của trường vẫn yên bình với những chú chim bồ câu và mấy cậu chim sẻ sà xuống dưới nhặt thóc, đi sâu vào bên trong là ngôi nhà 7 tầng nơi Việt đang theo học nhưng nay đã mãi vắng bóng một người. Theo chân các bạn học viên, chúng tôi đến phòng học 706-ĐN. Do lớp học đang nghỉ hè nên cửa được khóa cẩn thận, bên trong sách, bút, vở của học viên vẫn được đặt ngay ngắn trên bàn.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 1

Chỗ ngồi và giấy bút của Đỗ Đức Việt vẫn được bạn bè, đồng đội trân trọng nâng niu.

Ngay cạnh cửa lớp là bàn học nơi Việt ngồi, Thượng úy Nguyễn Văn Tùng, Tiểu đội trưởng ở lớp LT12E dẫn tôi vào, giọng nghẹn ngào: “Sách, vở, hộp bút của Việt ở đây mà, sao em đã đi xa rồi”. Không gian lớp học như chùng xuống, nhìn sách vở của Việt, điều tôi ấn tượng chính là hộp bút, nó đã chuyển màu cũ, nhiều vết sòn bong tróc, phía ngoài em ghi chữ “Việt” bằng bút bi như để đánh dấu không bị lẫn của ai.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 2

Sách, vở, bút và hộp bút ghi tên "Việt" sẽ mãi là kỷ niệm.

Trung úy Nguyễn Văn Tùng kể, Việt là người cẩn thận, giữ gìn đồ đạc, hộp bút này Việt sử dụng từ thời học cấp 3 cho đến bây giờ. “Cậu ấy thích lưu giữ đồ dùng cá nhân mà mình chọn mua, dùng mãi có hỏng thì cất đi chứ không mang vứt, em ấy bảo đó là kỷ niệm”. Chỉ là một đồ vật nhỏ bé thôi, mà lòng tôi trào dâng niềm yêu mến vô cùng, đủ để thấy người lính cứu hỏa ấy còn là cậu học trò đáng quý, trân trọng biết bao, dù trước đó đã có nhiều bài báo, hình ảnh viết về em, như một “thiên sứ” đẹp đẽ: “Ai cũng yêu thương em… Em ấy trong veo như thủy tinh và lấp lánh như pha lê vậy, xót xa quá”- Nick Tam Nguyen My – một độc giả chia sẻ.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 3

Hộp bút đã cũ sờn, bong tróc nhưng vẫn được Đỗ Đức Việt nâng niu.

Trung úy Đinh Văn Luân, lớp Phó học tập LT12E cho biết, lớp học có 40 học viên, ở các tỉnh khác nhau. Trong đó, có Thượng úy, liệt sĩ Đỗ Đức Việt. Em ấy nhỏ tuổi nhất lớp, nhưng gần gũi, hòa nhã và lễ phép. Trong quá trình học tập hay phát biểu trước lớp, có những câu trả lời thông minh đặc biệt là ở các môn học tự nhiên. Việt còn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh của trường, hoạt động văn nghệ, đặc biệt khi lớp có giờ nghỉ giải lao là em ấy hay lấy cây đàn ghi ta vừa đàn vừa hát cho cả lớp nghe.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 4

Hình ảnh được các bạn học viên trong lớp lưu lại khi Đỗ Đức Việt tham gia thi thuyết trình môn tiếng Anh.

Cũng theo Lớp phó học tập Trung úy Đinh Văn Luân, đây là lớp học đại học liên thông trong 3 năm rưỡi, bắt đầu nhập học từ ngày 23/1/2021. Do dịch COVID-19, có giai đoạn phải học trực tuyến, vừa rồi lớp đi học tại trường từ ngày 4/5/2022 đến ngày 31/6 thì nghỉ hè nhưng rồi khi trở lại đi làm Việt đã hy sinh. “Ngày 8/8 tới đây, cả lớp sẽ quay lại giảng đường, chỗ ngồi kia chúng tôi vẫn dành cho em ấy- Giấc mơ đại học vẫn còn dang dở, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thay em học, trở thành những người lĩnh chữa cháy, cứu nạn cứu hộ dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào”- Trung úy Đinh Văn Luân chia sẻ.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 5

Đỗ Đức Việt (ngồi ngoài cùng bên trái) vị trí thủ môn tham gia giải bóng đá cùng các bạn trong lớp đại học liên thông.

Trong lớp học đại học, có Trung úy Trịnh Thế Nam Sơn – ngồi cùng bàn với Việt, cả hai đang công tác với nhau trong Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, hai anh em chơi với nhau đã nhiều năm, coi nhau như anh em trong nhà. Hôm Việt cùng Thượng tá, liệt sĩ Đặng Anh Quân và Hạ sĩ, liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc tham gia chữa cháy tại quán Karaoke ISIS, Sơn cũng tham gia chữa cháy nhưng là tổ công tác hỗ trợ phía sau.

Mấy ngày nay, Sơn không ngủ được, có chợp mắt trong giấc mơ lại có hình bóng của Việt, thỉnh thoảng lại lôi những kỷ niệm của hai em em ra ngắm. Lần đầu tiên gặp Việt vào năm 2016, ngày ấy cả hai anh em cùng nhập học hệ Trung cấp của Trường Đại học PCCC. “Khi đó, em ấy đã tâm sự nghề mình yêu thích là PCCC, em ấy đam mê với một tình yêu đích thực với cứu hỏa” - Sơn kể lại. Sau đó Việt học khoa chữa cháy, được sự tín nhiệm của thầy giáo và các bạn, em được bầu vào ban chỉ huy lớp.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 6

Cây đàn ghi ta thân thiết của Đỗ Đức Việt thường biểu diễn trên lớp và trong các cuộc vui với bạn bè.

Sơn tâm sự: "Cuộc đời hai anh em có rất nhiều duyên nợ, một năm sau, khi tôi đang công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH số 9, Cảnh sát PCCC Hà Nội thì Việt lại được phân công thực tập ở đây. Thời gian đó được tiếp xúc với em ấy nhiều hơn, vẫn là chàng trai đấy nhưng sau 2 năm rèn luyện rắn rỏi hơn và vẫn cháy ngọn lửa với nghề. Một thời gian ngắn sau thì Việt ra trường với tấm bằng giỏi, em được thăng cấp bậc hàm trước niên hạn 1 năm. Một cách thần kỳ nào đó khi mình đã chuyển công tác sang Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an quận Cầu Giấy thì Việt gọi điện thoại thông báo về làm cùng. Thời điểm đó là cuối năm 2018 đến giờ đã được gần 4 năm. Đến cuối năm 2020, hai anh em quyết định đăng ký đi học đại học hệ vừa làm vừa học của Trường Đại học PCCC, thật tình cờ khi lại được ôn thi cùng một lớp, cùng thi đỗ và lại học cùng một lớp LT12E, lại ngồi cùng một bàn".

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 7

Thượng úy Đỗ Đức Việt (ngồi trong cùng) trên xe chữa cháy cùng với người anh, đồng đội Trung úy Trịnh Thế Nam Sơn (phía bên tay trái).

Thiếu tá, thạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản và ngoại ngữ, Trường Đại học PCCC tâm sự: “Đọc tin có vụ cháy ở quận Cầu Giấy, tôi vội đọc nhanh và không tin nổi vào mắt mình khi thấy tên 3 chiến sĩ đã hy sinh. Trong những cái tên đó có học trò của tôi - học liên thông tại trường và đang công tác tại Đội cảnh sát PCCC Cầu Giấy. Vẫn không muốn tin tôi mở máy tính xem lại danh sách lớp với hy vọng em có họ khác chứ không phải họ Đỗ, rồi hỏi đi hỏi lại mọi người xem tình hình thế nào nhưng cuối cùng thì... Tất cả thầy cô trong bộ môn ngoại ngữ chúng tôi đều bàng hoàng, xót xa, tiếc cho một cậu học trò giỏi, giàu tình cảm, năng động, vô cùng nhiệt tình”.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 8

Dòng tin nhắn của học trò Đỗ Đức Việt gửi cô giáo Nguyễn Bích Ngọc.

Theo Thiếu tá, Ths Nguyễn Bích Ngọc, cô tham gia giảng dạy môn tiếng Anh ở lớp LT12E. Trong lớp có 2 học viên Việt và Sơn ngồi cùng bàn rất năng động, năng nổ trong giờ học kể cả các hoạt động của CLB tiếng Anh. Đặc biệt, cô giáo rất ấn tượng về Việt, khi các cô bộ môn tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ, Việt tích cực hỗ trợ giáo viên chuẩn bị những đoạn clip Tiếng Anh cùng các học viên. Ngoài ra, khi giáo viên cần hỗ trợ hình ảnh thực tế chữa cháy, thì Việt cung cấp hình ảnh của mình và đồng đội tham gia chiến đấu với “giặc lửa” ở một số vụ cháy tại TP Hà Nội.

Cũng theo cô giáo Ngọc, ở trong Trường Đại học PCCC không chỉ có Việt còn có rất nhiều học viên cũng có hoài bão yêu nghề lính cứu hỏa, “Trên bục giảng, chúng tôi nhìn xuống có những học viên với vết sẹo ở tay, ở mặt… không cần nói cũng hình dung ra được đó là thương tích của họ từ trong đám cháy trở về”- Cô Ngọc chia sẻ thêm.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 9

Sổ tay công tác PCCC của Đỗ Đức Việt ghi những gì em đã làm được và chưa hoàn thành.

Học viên Huỳnh Quốc Hòa, lớp D34A, khóa D34, Chuyên ngành An toàn phòng cháy, Trường Đại học PCCC cho biết: Ngay khi nhận được tin 3 CBCS hy sinh trong đó có anh Việt, học viên của trường, chúng em bàng hoàng, bất ngờ. “Khi em đã chọn học Trường Đại học PCCC, xác định mình là người lính chữa cháy phải đối mặt với nguy hiểm, chấp nhận hy sinh. Tấm gương của anh Việt không chỉ có em mà còn nhiều học viên khác trong trường sẽ tiếp tục học tập và noi theo”- Học viên Huỳnh Quốc Hòa khẳng định.

Người lính cứu hỏa quả cảm trong kí ức của bạn đồng môn - 10

Học viên Huỳnh Quốc Hòa sẽ tiếp tục học tập, noi gương dũng cảm của những người lính cứu hỏa quả cảm.

Những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH lao vào ngọn lửa dù biết  rằng mình và những đồng đội có thể sẽ hy sinh. Và họ vẫn chọn cứu người, dù biết sẽ chẳng còn được trở về nhà nữa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm