So với một số quốc gia hoặc khu vực kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, lạm phát tại châu Á chạm đỉnh sớm hơn, theo Kinh tế trưởng châu Á tại Morgan Stanley.
“Lạm phát đã chạm đỉnh nếu như bạn nhìn vào dữ liệu được công bố gần đây. Quan trọng hơn, áp lực giá cả tại khu vực này sẽ đi xuống trong thời gian tới”, Chetan Ahya chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box Asia” của CNBC.
“Tính bình quân, lạm phát tại châu Á chạm đỉnh ở ngưỡng 5,5% và theo dữ liệu thống kê mới nhất, lạm phát đã giảm khoảng 0,5%. Con số này thấp hơn so với đỉnh lạm phát tại Mỹ là 9% và tại châu Âu là 8,5-9%.
Một khu chợ tại Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Ahya chia sẻ nhu cầu hàng hóa tại châu Á không tăng quá nóng như nhiều khu vực khác trong bối cảnh tăng trưởng tại phần lớn các quốc gia vẫn đang thấp hơn so với ngưỡng trước đại dịch.
“Cách mà tôi miêu tả quá trình phục hồi kinh tế tại châu Á là… phần lớn các quốc gia tại đây đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng. Tôi cho rằng đó là lý do quan trọng giúp lạm phát tại đây sớm được kiểm soát và các ngân hàng trung ương không phải quá quyết liệt siết chặt chính sách tiền tệ”.
Trong tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput phát biểu cơ quan này không nhất thiết cần “tăng quá mạnh lãi suất” vì nền kinh tế của quốc gia này được dự báo sẽ sớm quay trở lại ngưỡng trước đại dịch vào cuối năm nay.
Quan ngại triển vọng xuất khẩu
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, nhu cầu hàng hóa đi lên là một trong những chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lạm tại nhiều quốc gia châu Á, theo nhận định của nhóm chuyên gia tới từ Morgan Stanley.
“Ví dụ, nhu cầu hàng hóa tại Mỹ tăng cao trong và sau đại dịch tại Mỹ, gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu. Nhưng tình trạng này đang dần được cải thiện, nhu cầu đang đi xuống”, Ahya nhấn mạnh.
Với việc nhiều nút thắt chuỗi cung ứng được nới lỏng và hàng tồn kho tăng lên, Morgan Stanley dự báo nhu cầu hàng hóa sẽ đi xuống trong một vài tháng tới. Bên cạnh đó, thị trường lao động tại khu vực châu Á không quá nóng như tại Mỹ, điều đó giúp khu vực này kiểm soát áp lực lạm phát tốt hơn, ông bổ sung.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa suy giảm, đặc biệt tại một số nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng xuất khẩu của châu Á trong thời gian tới.
"Xuất khẩu của châu Á từng tăng trưởng khoảng 10% một năm trước đó. Nhưng đà tăng này đang chững lại, và chúng tôi nhận định triển vọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực này sẽ không tăng quá mạnh", ông chia sẻ.