Tài chính

Chuyên gia MBKE: VPBank có thể bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược với giá 50.000-55.000 đồng/cp

Tại talkshow "Đánh giá Cổ Phiếu VPBank và những thông tin hỗ trợ ngành ngân hàng trong thời gian tới", Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), ông Quản Trọng Thành cho rằng thông tin bán cổ phần cho đối tác chiến lược sẽ là thông tin tác động mạnh nhất đến giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank- Mã: VPB).

Theo cập nhật của MBKE, VPBank sẽ bán 15% cổ phần cho một đối tác chiến lược và trên thị trường cũng “đồn đoán” đối tác này chính là đối tác đã mua Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit năm ngoái. "Họ muốn mua thêm cổ phần của ngân hàng mẹ để tăng tỷ lệ chi phối đối với FE Credit," ông Thành cho hay.

Chuyên gia đánh giá đây là một thông tin rất đáng chú ý đối với VPBank, ngân hàng vẫn đang triển khai thương vụ bán vốn này và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. 

Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích MBKE, ông Quản Trọng Thành. (Ảnh chụp màn hình).

Theo quan điểm của ông Thành, cả bên bán vốn lẫn bên mua (ngân hàng Nhật Bản) đều rất muốn thực hiện thương vụ này, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào quy trình xử lý như việc đối tác thoái cổ phần tại Eximbank và thủ tục về pháp lý.

Ước tính định giá cho thương vụ bán chiến lược trên, vị chuyên gia cho biết theo như các thương vụ trước trong ngành ngân hàng Việt Nam, mức định giá sẽ từ 2,4 cho đến gần 3 lần giá trị sổ sách. Đối với VPBank, trong năm 2018 khi ngân hàng này cổ phần hoá, họ đã bán được với định giá 2,2 lần giá trị sổ sách.

So với cách đây 5 năm, VPBank hiện đã mạnh hơn rất nhiều về nền tảng hoạt động cũng như khả năng sinh lời, ông Thành cho rằng mức định giá cho việc bán 15% cổ phần đủ sức để đạt được mức định giá 2,4-2,5 lần giá trị sổ sách.

Trong khi đó, giá trị sổ sách của VPBank đợt này được nâng lên rất cao nhờ cộng thêm nguồn tiền từ việc bán FE Credit. Ông Thành đánh giá mức 50.000-55.000 đồng/cp là giá phù hợp cho việc bán 15% cổ phần của VPBank.

Ngoài ra, câu chuyện chia cổ tức bằng cổ phiếu 50% sẽ không phải là yếu tố tác động đến giá cổ phiếu VPBank về mặt dài hạn khi trong quá khứ VPBank đã chia cổ tức lên đến 80%. 

Việc giảm trích lập dự phòng sẽ giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận 

Chia sẻ về thông tin hỗ cho ngành ngân hàng trong thời gian tới, chuyên gia cho biết Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ về việc nới thêm room tín dụng, đây là một tin tích cực cho toàn ngành không chỉ với ngành ngân hàng mà là với cả nền kinh tế.

Hạn mức tín dụng được cấp mới sẽ không quá nhiều, tuy nhiên các ngân hàng đã đẩy tăng trưởng tín dụng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, do đó, phần cho vay ra được tiếp tục sinh lãi và việc nhận thêm room tín dụng cũng tăng thêm nguồn thu lãi cho ngân hàng.

Trong năm ngoái, nền lợi nhuận của quý III và quý IV cũng bị giảm rất nhiều khi các ngân hàng chủ động giảm trích lập dự phòng để đối phó với dịch bệnh. Trong năm nay, ông Thành tin rằng với việc giảm trích lập dự phòng cũng giúp ngân hàng tăng lợi nhuận mặc dù room tín dụng không được nới quá nhiều.

Trong các ngân hàng nhận được mức tăng trưởng tín dụng mới, đáng chú ý nhất là Vietcombank. Chuyên gia cho biết trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã đẩy tăng trưởng tín dụng là 14%.

Mọi năm, Vietcombank bị giới hạn tăng trưởng tín dụng ở 14%, song năm nay với việc đầu năm ngân hàng đã đẩy được con số này và sắp tới nhận được thêm 5% nữa sẽ giúp ngân hàng này có thêm không gian để đẩy lợi nhuận lên rất tốt. Chưa kể ngân hàng đã trích lập dự phòng lên tới 500% nợ xấu, riêng việc này cũng giúp ngân hàng đẩy lợi nhuận lên rất tốt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm