Bất động sản

Chuyên gia: Đã đến lúc ‘khai tử’ các khái niệm độ trễ chính sách, độ ngấm chính sách

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nguồn cung bất động sản trên cả nước trong quý II tiếp tục đà giảm. Tổng lượng cung trong quý chỉ bằng 55% so với quý I, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ lệ giao dịch quý II giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng gần như gấp đôi so với quý đầu năm. Tính tổng 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch giảm khoảng 96% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của các đối tượng tham gia thị trường (doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, môi giới bất động sản) đều duy trì trong trạng thái thoi thóp, cầm chừng trong suốt nửa đầu năm.

“Mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới nhưng tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường bất động sản điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường đã đến mức giới hạn. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội nhận định.

Cũng theo các chuyên gia VARs, đã đến lúc phải “khai tử” các khái niệm “độ trễ chính sách”, “độ ngấm chính sách”. Bởi sự chờ đợi vô hình chung sẽ góp phần bóp nghẹt thêm thị trường.

Dự báo về thị trường bất động sản nửa cuối năm, VARs cho rằng, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới nhằm tăng tính đồng bộ cho các giải pháp hỗ trợ thị trường. Chính phủ sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong việc chỉ đạo, đảm bảo thúc đẩy các nghị định/nghị quyết/thông tư đã ban hành trong 06 tháng vừa rồi phát huy được tác dụng thiết thực.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khả năng cao sẽ bắt đầu được giải ngân vào cuối quý III cho các dự án đúng đối tượng. Theo đó, số lượng khách hàng tiếp cận được các gói vay với lãi suất ưu đãi sẽ tăng dần. Điều này góp phần giúp thị trường dần trở lên nhộn nhịp hơn.

“Nguồn cung từ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thật, tình trạng pháp lý tốt từ các chủ đầu tư uy tín khả năng cao sẽ được cải thiện. Thị trường sẽ rục rịch đón nhận thêm nguồn cung mới từ các dự án nhà ở xã hội trong 06 tháng cuối năm. Khơi thông nguồn cung cho các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa cho thị trường bất động sản thời điểm này”, đơn vị dự báo.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, 6 tháng cuối năm hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III, theo đó có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý IV/2023.

Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024. 

Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các Chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại.

“Có nhiều cơ sở để kỳ vọng sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt là từ cuối quý III cho đến hết năm 2023. Tuy nhiên, cần xác định rõ tinh thần lạc quan phải đi kèm với tâm thế cẩn trọng”, Hiệp hội này nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm