Theo các tổ chức quốc tế, mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất.
Mới đây, IMF đã đưa ra dự báo cho nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm và cả năm 2023. Sau đợt tham vấn định kỳ tình hình kinh tế Việt Nam vào tháng 6, trưởng đoàn công tác Điều khoản 4 của IMF, ông Paulo Medas nhận định cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với các điều kiện bên ngoài khó khăn và phức tạp như tăng trưởng toàn cầu đi xuống, trong khi lãi suất tăng lên.
Nhu cầu trên toàn thế giới giảm khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm 12% trong 6 tháng đầu năm và ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng đối mặt với những vấn đề nội tại như sự chững lại của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Tuy nhiên, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược.
Với những nhận định trên, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
"Trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi", báo cáo từ IMF nêu rõ.
Các chuyên gia HSBC cũng dự báo, Việt Nam sẽ sớm có một đợt cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.
HSBC cũng kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng.
Ở trong nước, các chuyên gia kinh tế đánh giá, bối cảnh kinh tế rất khó khăn, tuy nhiên với những quyết sách mới trong kỳ họp Quốc hội gần đây, nền kinh tế có thể phục hồi trong nửa cuối năm.
Bình luận về kinh tế quý II và nửa đầu năm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, kinh tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù trong quý II đã có một số dấu hiệu tích cực hơn như: Giải ngân vốn đầu tư công tăng trưởng cả về tốc độ và con số tuyệt đối, một số lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng của người dân và khách du lịch quốc tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương.
"Tuy nhiên, gần đây thấy rõ rằng tiêu dùng của người dân trong nước đã bắt đầu có tốc độ tăng trưởng chậm lại đôi chút", ông Thành nói.
Vì vậy, nhìn vào cả năm, không nói đến mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 6,5% ngay cả mục tiêu tăng trưởng 6,0 cũng rất khó khăn. Cho đến gần đây, các tổ chức trong nước và quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều xoay quanh mức 5% - 6%”, ông Thành cho hay.
Sụt giảm mạnh mẽ ở lĩnh vực xuất khẩu đã thấy rõ và khó có thể cải thiện được nhiều do đây là yếu tố bên ngoài, ở trong nước NHNN đã nỗ lực giảm lãi suất, tuy nhiên nếu không có đơn hàng thì hạ lãi suất là chưa đủ để kích thích kinh tế.
Theo các chuyên gia, giải ngân vốn đầu tư công - thu hút vốn FDI - giữ vững đà tăng trưởng tiêu dùng là ba trụ cột chính kỳ vọng sẽ bù đắp sự sụt giảm của xuất khẩu, qua đó cố gắng phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 6%.
Đầu tư công khởi sắc, TP HCM là nhân tố chính
Vì vậy, để đạt được mức tăng trưởng cả năm tốt hơn con số mà các tổ chức quốc tế dự báo cụ thể là duy trì đà khôi phục nhất định và tiến gần đến con số tăng trưởng 6,0% thì còn rất nhiều việc phải làm, chuyên gia Võ Trí Thành cho hay.
Theo chuyên gia, trụ cột quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây là yếu tố quan trọng quyết định tới tăng trưởng nửa cuối năm bởi vấn đề này hoàn toàn nằm trong tầm tay chứ không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
Có hai điểm khởi sắc đối với đầu tư công: Chính phủ đã và đang thúc đẩy hàng loạt dự án mới liên quan đến hạ tầng và hai là việc cho phép một số tỉnh trong đó đặc biệt có TP HCM sẽ đi vào thực hiện áp dụng cơ chế đặc thù.
Tính đến hết ngày 30/6, cả nước đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tốc độ giải ngân cùng kỳ năm 2022 là 27,75%.
Về số tuyệt đối, số vốn giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã cao hơn tới trên 65.163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng loạt dự án lớn đã được khởi công như Đường Vành đai 3,4 Hà Nội, TP HCM, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng vừa được khởi công, đồng thời các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành cũng ở giai đoạn nước rút. Điều này cho thấy, Chính phủ vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các dự án liên quan đến hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Càng về cuối năm, tốc độ và giá trị giải ngân vốn đầu tư công đều tăng mạnh nên đây sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quý III, quý IV và cả năm.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, Thành phố nhất là TP HCM là yếu tố giải toả khó khăn cho khá nhiều dự án, không chỉ đầu tư công mà kể cả một số dự án bất động sản lớn nhỏ khác nhau.
Theo Nghị quyết, TP HCM được áp dụng 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP HCM được áp dụng.
Kỳ vọng với việc áp dụng cơ chế đặc thù, những vướng vướng trong việc cấp phép, thủ tục của các dự án ở TP HCM sẽ được đẩy nhanh giúp đầu tàu kinh tế của cả nước lấy lại đà tăng trưởng.
Thu hút đầu tư FDI, giữ vững con số giải ngân
Trụ cột thứ hai để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là phải cố gắng thu hút đầu tư FDI và cố gắng giải ngân bằng mức năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ 2022, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký tăng mạnh 79%.
Chỉ có vốn đăng ký tăng thêm, chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký, giảm 57,1% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư FDI chỉ tăng nhẹ 0,5% trong 6 tháng đầu năm cho thấy bối cảnh khó khăn như thế nào nhưng Chính phủ cũng đang rất nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư. Nhờ đó, hàng loạt đoàn doanh nghiệp quy mô lớn đã đến Việt Nam, nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.
Cho dù con số đăng ký mới giảm theo xu thế chung của toàn cầu song nếu giữ được con số giải ngân thực tế sẽ giúp nền kinh tế bớt khó khăn, chuyên gia nhận định.
Duy trì đà tiêu dùng, thu hút du lịch quốc tế
Trụ cột thứ ba là tiếp tục duy trì đà tiêu dùng, trong đó có hai giải pháp đang được đẩy mạnh là thu hút khách du lịch quốc tế bằng việc sửa đổi chính sách visa và hỗ trợ người lao động, giảm thuế VAT 2%.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Thị thực có giá trị nhiều lần được giải thích là loại thị thực cấp cho người nước ngoài, được sử dụng để nhập xuất cảnh Việt Nam nhiều lần trong thời hạn của thị thực.
Nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng nhấn mạnh, cần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu. Vừa phải đa dạng hoá thị trường quốc tế vừa thúc đẩy thị trường nội địa, tạo đầu ra cho các doanh nghiệp.
"Hy vọng việc giảm thuế này sẽ bước đầu chặn đà giảm của tiêu dùng, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng nửa đầu năm", chuyên gia Võ Trí thành cho hay.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngoài việc cần đa dạng hoá thị trường, đàm phán ký kết đơn hàng có một điểm rất quan trọng là cần hỗ trợ cho khối FDI bởi một lượng lớn doanh nghiệp Việt hiện đang cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp FDI nên gián tiếp đã tham gia xuất khẩu.
Những giải pháp này sẽ giảm bớt khó khăn và duy trì được tăng trưởng ở một mức độ chấp nhận được, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên ở các năm sau, ông Thành cho biết.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica đánh giá, tổng cầu trong nước vẫn tiếp tục được duy trì ở mức độ tăng trưởng khá, cho thấy tiêu thụ nội địa là một trụ vững rất quan trọng cho đảm bảo tổng cầu nền kinh tế.
Ngoài ra, đầu tư tư nhân của các hộ gia đình bắt đầu phục hồi trở lại thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã được cải thiện; đầu tư và chi tiêu của Chính phủ được cải thiện mạnh mẽ thể hiện qua tỷ lệ đầu tư công được cải thiện.
“Đây là những trụ cột quan trọng để tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm được đẩy mạnh hơn những quý đầu năm và bù đắp cho sự suy giảm xuất khẩu”, ông Bình tin tưởng.