Bất động sản

Chuyên gia chỉ cách “săn” đất nền ven KCN: Cần hiểu điều này để biết thời điểm xuống tiền và rút tiền về

Hai năm qua, bất chấp đại dịch bùng phát làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và thị trường địa ốc, bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng ghi nhận tăng trưởng với nguồn cầu lớn, tỷ lệ lấp đầy cao.

Ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận môi giới dịch vụ Khu công nghiệp Collier Việt Nam nhận định, năm 2022, nhiều khả năng bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tỏa sáng khi đại dịch cơ bản được kiểm soát. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước, thu hút không chỉ nhu cầu nội địa mà còn là thỏi nam châm hút vốn các nhà sản xuất nước ngoài. Bên cạnh đó, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn trong 12 tháng tới.

Chia sẻ tại talkshow: Có hẹn với chuyên gia bất động sản của Batdongsan.com.vn, ông Võ Văn Mười – Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Kim Thịnh Phát cũng cho rằng bất động sản công nghiệp và bất động sản ven khu công nghiệp dự báo sẽ dẫn sóng trong thời gian tới.

Vị chuyên gia phân tích, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự, đất nền đã phát triển mạnh, giá trị đã tăng đâu đó 3-5 lần, thậm chí có khu vực giá trị bất động sản tăng đến trên dưới 10 lần. Tuy nhiên, quá trình phát triển của các loại hình này đang có xu hướng chậm lại, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, một loại hình đầu tư khác đang được quan tâm, có thể đem lại dòng tiền và có tính bền vững hơn là bất động sản ven các khu công nghiệp. Không những vậy loại hình này có sự an toàn trong đầu tư, giá trị sinh lời bền vững. Do đó, loại hình này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư.

Theo ông Mười, bất động sản công nghiệp thường là cuộc chơi của các ông lớn, nhà đầu tư nhỏ lẻ ít có cơ hội tham gia. Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân có cơ hội đầu tư bất động sản ven khu công nghiệp với tỷ suất sinh lời lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Để đầu tư hiệu quả, tránh rủi ro, ông Mười cho biết: “Nhà đầu tư tham gia vào phân khúc này phải lưu ý đến vấn đề pháp lý, quy hoạch. Hiện, nhà đầu tư đã có những trang xem được thông tin quy hoạch, biết được vị trí một khu đất đang nằm trong, nằm ngoài hay nằm giáp ranh khu công nghiệp hoặc đến sở, phòng tài nguyên và môi trường kiểm tra”.

Theo vị chuyên gia này, có ba giai đoạn để đầu tư bất động sản ven khu công nghiệp. Giai đoạn mới triển khai khi mới có thông tin về dự án, tuy nhiên rủi ro nhiều nhưng sinh lời cao. Giai đoạn này dễ xảy ra sốt đất, minh chứng năm 2021 xảy ra cơn sốt đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu theo thông tin của Vingroup mở một nhà máy ở đó. Nhà đầu cơ tận dụng cơ hội đó để lướt sóng kiếm rất nhiều tiền nhưng bên cạnh đó cũng có những nhà đầu tư bị kẹt trong cơn bùng nổ đó.

Giai đoạn triển khai, thông tin pháp lý đã hoàn chỉnh, các khu công nghiệp đã định hình, quy hoạch. Nhà đầu tư bắt đầu thi công nhà xưởng, mời nhà máy về hợp tác. Trong giai đoạn này, giá tăng tốt nhất, tính thanh khoản tốt, thời điểm đó dễ mua bán, sinh lời.

Giai đoạn thông tin minh bạch, nhà xưởng hoàn chỉnh, nhà đầu tư lưu ý đây không còn là thời điểm đầu tư lãi vốn nữa mà là đầu tư dòng tiền. Nhà đầu tư có thể chọn mặt bằng vị trí đắc địa để kinh doanh nhà trọ, quán ăn, dịch vụ cho công nhân, chuyên gia.

Ông Mười nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần cân nhắc vào tiền thời điểm nào, ra thời điểm nào. Quan trọng là pháp lý, quy hoạch ra sao để có phương án đầu tư cụ thể cho cá nhân”.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM cho rằng: “Bất động sản ven khu công nghiệp được đầu tư đón đầu, nóng trước cả bất động sản công nghiệp. Mặc dù, hiện đang có yếu tố tác động nhưng bất động sản công nghiệp đang được ưu tiên phát triển và đang đón “thiên thời địa lợi”. Do đó, trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp kéo theo bất động sản ven khu công nghiệp sẽ ổn định, phát triển và không có rào cản nào làm chững lại hay chậm lại”.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm