Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, công dân toàn cầu từ Việt Nam sẽ có rất nhiều thứ phải học và học lại khi di chuyển từ một nền văn hóa phương Đông sang nền văn hóa toàn cầu đa dạng hơn; di chuyển từ nền giáo dục truyền thống sang một nền giáo dục cởi mở hơn; di chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang một thế giới hiện đại hơn.
Sẽ có rất nhiều thứ các em sẽ phải học mới, hoặc học lại từ những chuyện nhỏ nhất như đi lại, nói năng, ăn uống… để có thể trở thành một phiên bản công dân toàn cầu tốt hơn.
Sẽ có rất nhiều thứ các em sẽ phải học mới, hoặc học lại từ những chuyện nhỏ nhất như đi lại, nói năng, ăn uống… Dưới đây là những điều đơn giản nhất mà người Việt, học sinh Việt có thể học và điều chỉnh là ngay lập tức có thể trở thành một phiên bản công dân toàn cầu tốt hơn.
VỀ ĐI LẠI
1. Hãy đi bộ nhiều hơn: Với quãng đường dưới 2km khi đi ăn, đi chơi, không vội về thời gian… thì nên đi bộ. Nhiều người vẫn cho rằng đi bộ là sự chịu đựng, nên cảm thấy "phải" đi bộ. Trong khi ở những nền văn hóa/giáo dục khác, họ dạy cho trẻ em biết về lợi ích của đi bộ, thì thái độ đi bộ của họ sẽ tích cực hơn nhiều. Ngoài ra, khi bạn đi bộ cho quãng đường ngắn, không dùng taxi, bạn đã giảm bớt việc phát thải khí CO2 và góp phần bảo vệ môi trường.
2. Hãy đi nhanh hơn: Người Việt nhìn chung đi chậm, ngay tại những nơi công cộng cần di chuyển nhanh như nhà ga, sân bay, hành lang, thang máy... Điều này làm tốn thời gian của bản thân và tạo chướng ngại cho người khác. Di chuyển nhanh sẽ tạo ra sự năng động và tinh thần tập trung vào mục tiêu cho chúng ta.
3. Di chuyển đúng thứ tự: Nếu bạn rời máy bay hay tàu, xe bus, thuyền, rạp phim… với nhiều hàng ghế khác nhau, bạn phải dừng lại nhường cho người ở hàng ghế phía trước rời đi trước, trừ khi họ đồng ý hay ra dấu cho bạn quyền ưu tiên. Việc người ở hàng ghế sau chen ra lối đi (aisle) để giành quyền đi trước là hành vi bất lịch sự.
4. Không "chạm" vào người khác: Khi bạn ở gần người khác ít hơn 20cm, bạn đang xâm phạm vào không gian riêng tư của họ. Khi bạn "chạm" vào người khác, bạn đã xâm phạm vào thân thể họ. Trừ trường hợp đặc biệt như trong thang máy, chúng ta cần phải duy trì không gian riêng tư phù hợp trong các không gian khác.
Nếu ở trong thang máy đông người, cần phải thu gọn bản thân hết sức có thể, như khép chân tay, thu mình lại, không để tư trang (túi, nón, ba lô) cọ, quẹt vào người khác, nếu có phải xin lỗi. Mang đồ ăn có mùi vào thang máy cũng là một điều gây khó chịu.
5. Vạch của người đi bộ là bất khả xâm phạm: Vạch kẻ đường dành cho người đi bộ là nơi xe hơi, xe máy phải dừng lại, hoặc chạy chậm lại để nhường đường. Đây không phải phép lịch sự mà là quy tắc giao thông cơ bản được quy định trong luật.
Leo xe lên vỉa hè hoặc thấy vạch qua đường của người đi bộ mà vẫn lấn tới là hành vi phạm luật của người đi xe. Ở nhiều nước, quyền của người đi bộ được bảo vệ cao nhất và tất cả các xe phải ưu tiên (trừ tàu hỏa).
HỌC NÓI NĂNG, GIAO TIẾP
6. Hãy nói đủ nghe: Nhiều người phàn nàn người Việt nói lí nhí trong cuộc họp, nhưng nói quá to ở nơi công cộng. Chúng ta cần cải thiện việc giữ âm lượng phù hợp để không làm ảnh hưởng tới người khác. Hãy dùng app đo mức độ ồn ào của giọng nói của bản thân thông qua decibel (đơn vị được dùng để đo cường độ âm thanh), bạn sẽ quản lý được giọng nói của mình phù hợp với môi trường xuất hiện.
7. Không tự ý chuyển cuộc gọi điện thoại sang cho người khác: "Nguyên hả? Gặp bạn Linh nhé". Khi đang nói chuyện với một người, mà tự ý đưa điện thoại đó cho một người khác khi chưa có sự đồng ý của đối phương là một hành vi bất lịch sự, đẩy người bên kia đầu dây vào một cuộc gọi họ không có kế hoạch trước.
8. "Cảm ơn" nhiều hơn: Văn hóa kiệm lời cảm ơn, dù của nền văn hóa nào, cũng bị nhìn nhận tiêu cực. Khi chúng ta chưa thể mang lại những điều gì tốt cho nhau, thì từ "cảm ơn" là một thứ nên hào phóng. Ở Việt Nam, nếu tiếng "cảm ơn" vang lên giữa người mua – bán, giữa cha mẹ - con cái, giữa thầy – trò, giữa người lạ với nhau thì cuộc sống đã văn minh lên nhiều lắm.
9. "Xin lỗi" nhiều hơn: Giữa những người lạ với nhau, hễ cứ làm phiền người khác bất cứ điều gì, đều cần có lời "xin lỗi". Dù là trót nói to nơi công cộng, hay trễ thời gian, hay thậm chí va chạm vào nhau… đều phải có lời xin lỗi.
10. Tự tin một cách khiêm tốn: Tâm lý học đã chỉ ra rằng, khi một người thiếu tự tin, thậm chí mặc cảm về một điều gì đó, họ có xu hướng "nổ" để bù đắp lại sự yếu đuối của bản thân. Chúng ta không nên dung dưỡng văn hóa "nổ" ở con cái, vì từ chỗ "nổ" cho vui đến chỗ trở thành bản chất sẽ không quá xa.
Hãy dạy chúng bồi dưỡng nội lực để luôn có thể tự tin. Tuy nhiên nói về bản thân hãy hết sức khiêm nhường vì khi nào đánh mất sự khiêm tốn, người ta sẽ chính thức ngừng học hỏi để tiến bộ hơn. Hãy để người thứ ba và các con số nói về bản thân, đó có lẽ là điều khôn ngoan nhất để chứng tỏ sự khiêm tốn.
CHUYỆN ĂN UỐNG
11. Ăn để sống hay sống để ăn? Xã hội hiện đại phân biệt rõ các tình huống ăn để thưởng thức ẩm thực với ăn để lấy năng lượng làm việc, do vậy gặp những bữa ăn không ngon miệng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu để chuyện ăn không ngon miệng biến mình thành xấu xí, sẽ xảy ra rất nhiều tình huống làm cuộc sống tệ hơn.
Trong một ngày làm việc, bữa ăn có nhiều ý nghĩa cung cấp năng lượng, dinh dưỡng để thể chất khỏe mạnh. Trong một tình huống khác, bữa ăn là sự thưởng thức ẩm thực cùng bạn bè, người thân… và mục tiêu của bữa ăn có thể rất khác.
Hơn nữa, chuyện "ngon", "đẹp", "hay" là những khái niệm phần nhiều cảm tính, nếu tâm trạng phụ thuộc vào "ngon" thì khi đi sang nước khác, có thể lúc nào cũng trong trạng thái bất mãn vì không vừa miệng. Người càng tiết chế được chuyện phụ thuộc vào "ăn ngon", càng có thể di chuyển xa hơn trong không gian toàn cầu.
12. Biết ơn người phục vụ: Văn hóa ăn uống lành mạnh là tôn trọng và biết ơn người phục vụ. Do vậy, khi ăn uống, nếu hài lòng thì tip (tiền thưởng và ngược lại). Không nên bắt nạt nhân viên phục vụ vì về cơ bản, công việc phục vụ là công việc của người yếu thế, khách hàng trả tiền mua dịch vụ chứ không phải trở thành ông chủ của người khác để hành xử thô lỗ.
13. Đừng ăn "cháo chửi": Những người bán hàng mà chửi khách hàng là không nắm được đạo lý cơ bản của nghề làm dịch vụ, phải biết ơn khách hàng mang lại lợi ích cho mình. Việc đến ăn ở những cửa hàng như vậy, hay dắt con cái tới những nơi như vậy làm giảm lòng tự trọng của chúng ta và con trẻ.
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên.
14. Đừng dùng đũa riêng cho món ăn chung: Dùng chung đũa, chấm chung nước mắm là đặc sản của văn hóa Việt, và chúng ta nên tiết chế trong tình huống phù hợp như trong gia đình, với bạn bè và cẩn thận với những người không ăn uống giống chúng ta.
Hãy nhiệt tình mời, nhưng đừng gắp thức ăn cho người khác không phải người thân. One man's meat is another man's poison (Đồ ngon với người này là thuốc độc với người kia).
15. Hãy mang theo bình nước cá nhân: Mang theo bình nước cá nhân sẽ giúp bạn lợi đủ mọi đường: luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể, không phải đi tìm nguồn nước uống, tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường.