Bất động sản

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thất bại của các quốc gia Đông Nam Á là để đất quá sốt, để những thành phố mang tên các đại gia

 TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. (Ảnh: VGP). 

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, năm 2016, Bộ Xây dựng có một đề án trình Chính phủ mà chính ông tham gia xây dựng, trong đó có dự báo đến 2023 có thể sẽ có bong bóng bất động sản và điều đó đã xảy ra.

Đề án đó được xây dựng trên bối cảnh đã xảy ra một tình trạng khủng hoảng bất động sản thừa vào năm 2012. Còn lần khủng hoảng này chủ yếu do thiếu nguồn cung (phân khúc giá hợp lý), khác với khủng hoảng thừa diễn ra tại Trung Quốc. Do đó, theo ông khủng hoảng hiện nay dễ giải quyết hơn giai đoạn năm 2012 và của thị trường Trung Quốc thời gian này.

Ông cũng nêu quan điểm cần xây dựng chính sách bất động sản trên nền tảng đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu.

"Không thể để cho các nhà phát triển bất động sản mua gom, tích trữ đất đai, tài sản với nguồn lợi nhuận khổng lồ ở tương lai, trong khi nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng. Đây là thất bại của các quốc gia Đông Nam Á khi để đất đai quá sốt, để những thành phố mang tên các đại gia, để lợi ích vào tay nhà đầu cơ thay vì người dân”, TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu.

Theo ông, những vấn đề của thị trường bất động sản đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp. Nó đi ngược lại với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2050.

Ông kiến nghị nên xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển công nghiệp, gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Về nguồn vốn, chuyên gia cho rằng hạn mức tín dụng không thiếu, nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) đang không tin tưởng nhau, không tin tưởng doanh nghiệp và cũng không tin tưởng Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

“Thị trường tài chính, quan trọng nhất là lòng tin. Không có lòng tin thì ngân hàng không thể tài trợ thanh khoản, không thể nghe lời NHNN, càng không thể ngồi lại đàm phán với doanh nghiệp. Đây cũng mấu chốt, tử huyệt với thị trường trái phiếu hiện nay”, ông Nghĩa nói. 

Do đó, ông kiến nghị Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Nghiên cứu việc để ngân hàng quốc doanh hay tổ chức tín dụng uy tín đứng ra bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần sớm có quy định rõ ràng về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.

Về phía doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên chủ động tái cấu trúc, đảm bảo nền tảng tài chính và từ bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế. Bởi thị trường luôn có chu kỳ, sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra khủng hoảng.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị bỏ cơ chế nhà ở xã hội, để xây dựng một cơ chế mới về nhà ở cho người thu nhập thấp. Đồng thời, đánh thuế đầu cơ nhà ở và chính quyền địa phương phải quyết định giá đền bù theo giá thị trường của từng thời điểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm