Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể con người, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tạo mật; chuyển đổi chất dinh dưỡng từ chế độ ăn; đào thải chất độc khỏi máu; phân hủy chất béo, rượu và thuốc; kiểm soát lượng đường trong máu và nồng độ hormone; dự trữ sắt,...
Tiến sĩ Saleh Alqahtani, giám đốc nghiên cứu lâm sàng về gan của Johns Hopkins Medicine, lưu ý rằng bạn không nên đợi các triệu chứng xuất hiện mới bắt đầu chú ý đến nguy cơ mắc bệnh gan. “Các dấu hiệu như vàng da, đau ở vùng bụng trên bên phải là những dấu hiệu cho thấy gan đã bị bệnh nặng. Do đó, mỗi chúng ta hãy chủ động ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh về gan”, vị tiến sĩ cho hay.
Bên cạnh rượu bia, dưới đây là các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh về gan.
1. Đường
Thực phẩm nhiều đường có thể gây bệnh gan. (Ảnh minh họa)
Ăn quá nhiều đường không chỉ có hại cho răng mà còn gây hại cho cả lá gan. Gan sử dụng đường fructose để tạo ra chất béo. Việc sử dụng quá nhiều đường tinh luyện và các sản phẩm có hàm lượng đường fructose cao khiến tích tụ chất béo, từ đó có thể dẫn đến bệnh gan. Một số nghiên cứu cho thấy đường phá hủy các tế bào gan giống như rượu, ngay cả ở những người không bị thừa cân. Do đó, hãy hạn chế thực phẩm có chứa nhiều đường bổ sung, chẳng hạn như soda, bánh ngọt và kẹo.
2. Thảo dược bổ sung
Cẩn trọng với thảo dược bổ sung. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Alqahtani cho biết: “20% số ca tổn thương gan ở Hoa Kỳ là do các loại thảo mộc gây ra”. Các loại thực phẩm chức năng, thảo dược bổ sung, kể cả được quảng cáo là có nguồn gốc từ tự nhiên, đều có thể không cho gan.
Ví dụ một số người dùng kava kava, một loại thảo mộc có nguồn gốc ở các hòn đảo phía tây Thái Bình Dương, để điều trị chứng mãn kinh hoặc để giúp thư giãn cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc này có thể ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của gan, gây viêm gan và thậm chí suy gan. Nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế sử dụng kava kava.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng hoặc thảo mộc bổ sung nào để đảm bảo an toàn với sức khỏe.
3. Béo phì
Béo phì gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. (Ảnh minh họa)
Khi bạn bị béo phì, chất béo dư thừa có thể tích tụ trong tế bào gan và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Theo thời gian, mô gan có thể cứng lại và tạo sẹo (xơ gan), thậm chí ung thư gan. Tiến sĩ Alqahtani cho biết: “Bệnh gan nhiễm mỡ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các trường hợp cần ghép gan”.
NAFLD cũng có thể gặp ở những người ở độ tuổi trung niên hoặc bị tiểu đường. Mặc dù vậy, bạn có thể phòng tránh NAFLD bằng cách có chế độ ăn uống và tập thể dục điều độ, hợp lý.
4. Dùng quá liều Acetaminophen
Cẩn trọng khi sử dụng paracetamol. (Ảnh minh họa)
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa Acetaminophen (hay còn gọi là Paracetamol) nếu sử dụng quá liều có thể gây hại cho gan. Do đó, hãy sử dụng loại thuốc này theo đúng liều lượng được chỉ định.
5. Chất béo chuyển hóa
Thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều chất béo chuyển hóa. (Ảnh minh họa)
Chất béo chuyển hóa là chất béo nhân tạo có trong một số thực phẩm đóng gói và đồ nướng. Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa khiến bạn dễ tăng cân hơn, từ đó gây ra những bất lợi đối với sức khỏe của gan.
6. Tiếp xúc với nhiều chất độc hại
Rửa sạch trái cây, rau củ. (Ảnh minh họa)
Việc tiếp xúc với quá nhiều chất độc có thể gây hại cho gan. Hãy đọc nhãn cảnh báo về các hóa chất sử dụng xung quanh nhà và lựa chọn, rửa trái cây, rau củ thật sạch trước khi ăn để tránh ngộ độc thuốc trừ sâu.
Đối với những người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, cần mặc đồ bảo hộ và khám sức khỏe định kỳ.
7. Tiền sử mắc các bệnh về gan
Viêm gan virus có thể gây xơ gan, ung thư gan. (Ảnh parkinsonsnewstoday)
Nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh về gan, nguy cơ tổn thương gan của bạn cũng cao hơn những người khác. Ví dụ, viêm gan B hoặc C và bệnh thừa sắt là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh gan di truyền, chẳng hạn như bệnh hemochromatosis, bệnh Wilson hoặc thiếu hụt alpha-1-antitrypsin, thì bạn nên đề phòng với các triệu chứng của bệnh và có kế hoạch khám tầm soát.
(Nguồn: WebMD, Johns Hopkins Medicine)