Chia sẻ mới đây, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, hiện tại thị trường BĐS cần có sự hỗ trợ của tất cả các ngành chứ không riêng lĩnh vực nào. Không riêng Bộ Xây dựng tháo gỡ về mặt pháp lý, hay không riêng ngân hàng hỗ trợ về mặt tài chính, mà rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành hỗ trợ cho thị trường BĐS đi lên một cách lành mạnh, minh bạch hơn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nguồn tiền, dòng vốn. Theo đó, câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu BĐS phải giải quyết. Tiếp đến, về mặt ngân hàng, nếu hỗ trợ tín dụng liên quan bất động sản thì nên hỗ trợ cho người mua nhà có nhu cầu thật là tốt nhất. Cùng với đó, về mặt lãi suất cho vay, Chính phủ kéo lãi suất cho vay về khoảng 12% là hợp lý, không nên cao hơn.
“Theo tôi, nên có một gói hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản phục vụ nhà ở giá rẻ, nên ưu đãi tiền sử dụng đất, hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý nhanh gọn lẹ là quan trọng nhất. Vì hiện nay nộp tiền sử dụng đất là câu hỏi rất lớn, kéo dài với doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách quy hoạch nhanh, cấp giấy phép nhanh, hỗ trợ nhanh về nộp tiền sử dụng đất. Từ đó doanh nghiệp tham gia vào, đưa ra giá bán hợp lý”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, cần nhiều ban ngành vào cuộc để gỡ khó cho thị trường BĐS.
Liên quan Quyết định số 1435 ngày 17/11 thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhấn mạnh: ổ công tác của Thủ tướng khẩn trương “vào cuộc” gỡ khó cho bất động sản
Vị chủ tịch Hiệp hội này cho rằng, trước thực tế là có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý nên Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình để giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
“Quyết định số 1435 đã giao thẩm quyền cụ thể cho Tổ công tác để thực thi nhiệm vụ, nên cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng, nhất là người mua nhà và nhà đầu tư đều rất kỳ vọng Tổ công tác sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Bởi lẽ, thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11-13% GDP, liên quan đến hơn 35 ngành nghề thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân”, ông châu nhận mạnh.
Theo ông Châu, để giải quyết các vướng mắc do quy định của các luật thì phải cần có thời gian nên trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay, thị trường BĐS chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, nhiều mảng chưa được khai thác, đầu tư hiệu quả; BĐS khu công nghiệp, nghỉ dưỡng mới chỉ tập trung ở một số vùng miền nên chưa tạo được động lực, sức hút đầu tư và phát triển còn cầm chừng; Thiếu hụt nghiêm trọng sản phẩm nhà ở phục vụ nhu cầu thực của nhóm người thu nhập thấp – trung bình. Quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, tranh chấp…
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do vấn đề cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp và theo kịp với nhu cầu, biến động của thị trường.
“Vì vậy tôi cho rằng, giải pháp phải thực hiện ngay hiện nay và cả trong trung – dài hạn đó là pháp lý, vướng mắc chính sách đã tạo ra rào cản thu hút đầu tư phát triển. Để khơi thông thị trường cũng như tạo đà phục hồi phát triển cần nhanh chóng có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho DN, nhà đầu tư”, ông Đính nhấn mạnh.
Cùng với đó, là về tín dụng. Theo ông Đính, việc dòng tiền bị “khựng” lại một cách đột ngột đã tác động tiêu cực đến thị trường BDS. Khó khăn lớn nhất với các chủ đầu tư là khi đang triển khai, dự án đang trơn tru thì bị dừng lại do “tắc” vốn. Điều này không chỉ khiến bài toán kinh doanh của doanh nghiệp bị đảo lộn mà còn khiến chủ đầu tư không có tiền chi trả các khoản cho công nhân, nhà thầu, nhà cung cấp... và không có sản phẩm để trả khách hàng. Trong khi đó các kênh huy động vốn chính như: tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu hay huy động trên thị trường chứng khoán đang trở nên ngày càng khó khăn.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, khó khăn lớn nhất với các chủ đầu tư là khi đang triển khai, dự án đang trơn tru thì bị dừng lại do “tắc” vốn
Vì vậy, theo ông Đính, hiện nay cần nhanh chóng hoàn thiện các giải pháp theo hướng gia tăng vai trò thuế, phí BĐS trở thành công cụ điều tiết thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm thiểu can thiệp hành chính. Xem xét việc xây dựng chính sách giá đất thấp, hoàn thiện dần thuế tài sản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cân nhắc điều chỉnh mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; đồng bộ hóa chính sách thuế, phí BĐS gắn với thuế, phí đất đai...
“Hiện thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao, những vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn đang kìm hãm sự phát triển. Nguồn cung chưa vào được thị trường chứ không phải không còn, cung BĐS chỉ trực chờ bùng nổ khi khó khăn pháp lý được tháo gỡ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.