Phong cách sống

Malcolm Glazer - từ thợ sửa đồng hồ đến "lão đại" của MU: Chưa một lần đặt chân đến sân Old Traford nhưng có thể biến "quỷ đỏ" trở thành công cụ kiếm tiền

Từ thợ sửa đồng hồ đến "lão đại" tại MU

Malcolm Glazer, tên đầy đủ là Malcolm Irving Glazer sinh ra tại Rochester, New York, trong một gia đình Do Thái di cư từ Lithuania sang Mỹ. Ông là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em.

Từ lúc 8 tuổi, cậu bé Glazer đã làm việc cho công ty kinh doanh linh kiện đồng hồ của cha mình. Không chỉ làm “chân sai vặt” cho cha, cậu còn chịu khó kiếm tiền bằng việc bán đồ cơ khí và linh kiện đồng hồ đựng trong một chiếc hộp carton.

Malcolm không màng đến việc kinh doanh, cho đến khi cha ông qua đời vì ung thư vào năm 1943, để lại cho cả gia đình 300 USD. Là con trai lớn trong gia đình, chàng trai 15 tuổi buộc phải bước chân vào thế giới kinh doanh chỉ 2 tuần sau đám tang của cha.

"Cái chết của cha tôi là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng nó cũng giúp tôi trưởng thành hơn", Glazer nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters .

Malcolm Glazer - từ thợ sửa đồng hồ đến lão đại của MU: Chưa một lần đặt chân đến sân Old Traford nhưng có thể biến quỷ đỏ trở thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 1.

Ông chủ của Manchester United, Malcolm Glazer cho đến cuối đời cũng chưa một lần đặt chân đến sân vận động của câu lạc bộ nổi tiếng này.

Glazer từng theo học trường Đại học Sampson ở Romulus, New York. Tuy nhiên, do kết quả không được như kỳ vọng, ông bỏ học chỉ sau 6 tuần để tập trung kinh doanh đồ trang sức và sửa chữa đồng hồ.

Theo New York Times, Glazer có hứng thú trong việc đầu tư các trung tâm thương mại, nhà ăn, dịch vụ cung cấp và đóng gói thực phẩm, nhà điều dưỡng, thậm chí cả ngân hàng và khí gas. Ông trở thành CEO của First Allied Corporation, công ty đầu tư thuộc gia đình Glazer.

Năm 1963, Malcolm mua lại Ngân hàng Thương mại quốc gia (đặt tại Savannah, New York). Vào năm 1973, ông mua lại West Hill Convalescent, nhà điều dưỡng đầu tiên trong số 5 nhà ông đang sở hữu. Ba năm sau đó, ông thâu tóm 3 doanh nghiệp truyền hình với giá 20 triệu USD rồi bán lại một trong số đó vào năm 1990 để lấy 66 triệu USD.

Glazer cũng tích lũy cổ phần kiểm soát tại Tập đoàn dầu khí Zapata do George H.W. Bush thành lập, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1989-1993. Cùng với con trai Avram, Glazer biến Zapata trở thành công ty kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó có cả sản xuất hộp đựng xúc xích.

Tài sản của ông có được hầu hết thông qua các thương vụ đầu tư, mua lại các công ty khác.

"Lão đại" của MU bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thể thao sau khi mua lại Câu lạc bộ bóng bầu dục Mỹ Tampa Bay Buccaneers với giá 190 triệu bảng vào năm 1995. Thương vụ này được coi là thành công, vì đến năm 2003, đội bóng giành siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl và được định giá tới 671 triệu bảng.

Một thương vụ đình đám hơn nữa là màn thâu tóm câu lạc bộ Manchester United vào năm 2005. Theo lời khuyên của các con trai, ông bắt đầu tích lũy cổ phiếu của MU vào năm 2003 và đã nắm toàn quyền sở hữu câu lạc bộ vào cuối năm 2005 sau khi chi 1,47 tỷ USD để mua 75% cổ phần của đội bóng.

Dẫu là chủ nhân của đội bóng lớn nhưng theo Carl Bradley, một người phục vụ lâu năm cho Glazer biết ông chưa bao giờ nhìn thấy Malcolm Glazer đọc một tờ báo thể thao nào. Thậm chí trước khi qua đời vào năm 2014, doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái chưa một lần đặt chân đến sân Old Trafford, dù phải chiến đấu dữ dội để giành quyền sở hữu đội “Quỷ đỏ”.

Malcolm Glazer - từ thợ sửa đồng hồ đến lão đại của MU: Chưa một lần đặt chân đến sân Old Traford nhưng có thể biến quỷ đỏ trở thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 2.

Doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái chưa một lần đặt chân đến sân Old Trafford

Không ông chủ nào ở Ngoại hạng Anh kiếm tiền từ CLB của mình nhiều như nhà Glazer

Hồi đầu năm nay, tạp chí Forbes công bố danh sách “Những đế chế thể thao giá trị nhất thế giới” năm 2022, gia đình Glazer xếp thứ 8 với giá trị 5,84 tỷ USD. Thống kê từ Deloitte chỉ ra trong 10 năm qua, nhà Glazer nhận được số tiền 154 triệu bảng nhờ việc sở hữu MU. Con số này bao gồm tiền chia cổ tức 133 triệu bảng và bán cổ phiếu 21 triệu bảng. MU cũng là đội bóng Premier League duy nhất chi trả cổ tức cho các cổ đông của họ, chủ yếu rơi vào túi nhà Glazer.

Malcolm Glazer - từ thợ sửa đồng hồ đến lão đại của MU: Chưa một lần đặt chân đến sân Old Traford nhưng có thể biến quỷ đỏ trở thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 3.

Không ông chủ nào ở Ngoại hạng Anh kiếm tiền từ CLB của mình nhiều như nhà Glazer

Theo đánh giá, trong vòng một thập niên qua, không ông chủ nào ở Ngoại hạng Anh kiếm tiền từ CLB của mình nhiều như nhà Glazer. Phần lớn các ông chủ còn lại của Premier League đều chi số tiền lớn cho CLB họ sở hữu.

Nhà Glazer đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích kể từ khi thâu tóm MU năm 2005 thông qua mô hình tài chính đòn bẩy. Họ thế chấp chính MU cho các ngân hàng và quỹ đầu tư để lấy tiền mua đội bóng này.

Những người ủng hộ nhà Glazer chỉ ra con số tiền chuyển nhượng khổng lồ (1,4 tỷ bảng) của MU trong một thập niên qua. Tuy nhiên, đây chủ yếu là tiền từ doanh thu của CLB, không phải do nhà Glazer trực tiếp bỏ ra.

Nhiều cổ động viên cho rằng nhà Glazer chỉ coi MU là "công cụ" kiếm tiền. Họ không thật sự quan tâm tới việc phát triển đội bóng. Nhà Glazer muốn khai thác lợi nhuận từ "Quỷ đỏ" trong thời gian dài và từ chối bán câu lạc bộ khi nhận nhiều đề nghị những năm qua. Năm ngoái, tờ The Daily Mirror đưa tin rằng nhà Glazer sẽ bán đội bóng giàu thành tích nước Anh nhưng chỉ khi mức giá lớn hơn 4 tỷ bảng Anh (4,84 tỷ USD).

Đến sáng nay (theo giờ Hà Nội) trang chủ MU thông báo: "Hội đồng quản trị bắt đầu quá trình tìm kiếm các lựa chọn thay thế chiến lược lâu dài cho câu lạc bộ. Chúng tôi sẽ xem xét tất cả phương án, bao gồm đầu tư mới vào câu lạc bộ, bán hoặc các giao dịch khác tương tự".

Malcolm Glazer - từ thợ sửa đồng hồ đến lão đại của MU: Chưa một lần đặt chân đến sân Old Traford nhưng có thể biến quỷ đỏ trở thành công cụ kiếm tiền - Ảnh 4.

Thông tin được đăng tải trên trang web chính thức của MU.

Theo "Quỷ đỏ", quá trình này cũng dựa trên việc đánh giá một số hoạt động mới để có thể giúp câu lạc bộ củng cố vị thế, tái phát triển cơ sở hạ tầng và sân vận động đồng thời mở rộng hoạt động thương mại của đội bóng trên quy mô toàn cầu.

Giới chủ MU tỏ ra nghiêm túc với kế hoạch chuyển nhượng CLB. Đội chủ sân Old Trafford thuê tập đoàn The Raine Group đóng vai trò cố vấn tài chính độc quyền, Latham & Watkins LLP là cố vấn pháp lý. Riêng tập đoàn Rothschild and Co. sẽ trở thành cố vấn tài chính cho các cổ đông của nhà Glazer.

Theo The Athletic, gia đình Glazer sớm chỉ đạo các ngân hàng xử lý việc bán Manchester United. Daily Mail tiết lộ giới chức "Quỷ đỏ" chỉ cân nhắc xem xét lời đề nghị với giá thấp nhất là 5 tỷ bảng dù họ có thể yêu cầu tới 9 tỷ bảng.

Tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm