Cặp vợ chồng kiến trúc sư yêu thích lồng đèn xưa
Vốn cùng học ĐH Kiến trúc TPHCM, Kim Thủy và Hoàng Sơn từ bạn bè thành vợ chồng. Cả hai đều có tình yêu chung với văn hóa, đặc biệt là những văn hóa cổ truyền. Dù là đôi vợ chồng trẻ nhưng họ yêu những gì xưa cũ và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, thậm chí luôn sợ nó phai nhạt đi theo thời gian mà đánh mất hồn cốt dân tộc đẹp đẽ.
Ngay từ đám cưới của mình, cặp đôi này đã mặc áo dài kiểu xưa, để mong giữ được phần nào những giá trị truyền thống. Cả hai không sợ mình là muối bỏ bể mà cứ bắt đầu từ chính mình để đốt những ngọn đuốc nhỏ nhất.
Trước dịp Tết trung thu năm 2022, giữa những loại đèn lồng màu sắc hào nhoáng có nhạc nhẽo xập xình bắt mắt có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thủy và Sơn vẫn đau đáu nghĩ tới chiếc lồng đèn xưa và nỗi lo bị xâm thực văn hóa. Cô theo dõi nhà nghiên cứu Trịnh Bách người đã đưa lại chiếc lồng đèn xưa này trở lại bằng cách phục dựng lại lồng đèn xa xưa mang phần hồn nước Việt với sự tinh tế và cầu kỳ đẹp đẽ mà bất cứ loại lồng đèn hào nhoáng sau này cũng không gì có thể so sánh được.
Vẻ đẹp của những chiếc lồng đèn cổ với màu sắc trầm tinh tế khiến Thủy thích mê, nhìn những chiếc lồng đèn từ xa xưa được hồi sinh trong đời sống hiện đại, Thủy cứ ngắm mãi mà không chán, trong đầu cô bất ngờ nảy lên ý nghĩ: “Hay là mình làm lại đi, nếu không là mình thì sẽ là ai đây?”.
Thủy đã nghiên cứu tìm tài liệu cũ và tìm hiểu kĩ hơn sau khi đọc được những thông tin trên mặt báo và xem cách chúng được phục dựng lại. Tuy nhiên điều Thủy trăn trở là dù nó đã được gợi lại, được phục dựng, nhưng điều cô muốn là không để nó có cơ hội sống dậy nhưng chỉ là trên mặt báo hay bảo tàng rồi lại một lần nữa lay lắt đợi ai đó sau bao nhiêu năm nhắc lại. Kí ức của Thủy về trung thu vẫn là mỗi xóm tụ nhau làm 1 lồng đèn thật bự rồi rước đèn cùng nhau đi khắp phố phường.
Thủy muốn đưa chiếc lồng đèn xưa, một sản phẩm đầy tính chất văn hóa dân tộc vào đời sống thật, hiện hữu để người ta có thể nhìn thấy, tận mắt thấy rằng có những sản phẩm tuyệt vời như thế từ những mùa trăng trong quá khứ mà lũ trẻ đã từng hân hoan rước đèn đi qua những lễ hội trăng rằm.
Và thế là Thủy bàn với chồng đi tìm các nghệ nhân, đặt lồng đèn là hình tượng những chú cá chép hóa rồng rồi vẽ lại trên lồng đèn và làm bộ ảnh thật đẹp. Như vậy mới có cơ sở để làm hình ảnh quảng bá sản phẩm và đưa chúng đến gần hơn với đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, đến làng nghề thì cũng chỉ còn duy nhất 1 gia đình có thể làm lồng đèn kiểu này. Cái khó là sản phẩm quá cầu kỳ, nghệ nhân làm lồng đèn xưa người còn cũng đã thất thập cổ lai hy vào hàng tuổi xưa nay hiếm rồi. Thủy tìm đến làng nghề Phú Bình, nơi mà trước đó những chiếc lồng đèn cổ đầu tiên đã được phục dựng và xuất hiện trở lại, cũng là làng nghề làm lồng đèn nổi tiếng.
Khi trực tiếp đặt và theo dõi tiến độ làm lồng đèn Thủy mới thấy độ công phu của sản phẩm quá lớn. Để ra được 1 sản phẩm phải mất rất nhiều công sức, công đoạn. Làm lồng đèn đã kỳ công vì lồng đèn chỉ có 1 lớp giấy kính, từng khúc khuỷu gấp phức tạp, thời gian làm lâu công, mất nhiều công sức. Sản phẩm lại được phủ vẽ lên toàn bộ, độ khó lại càng tăng lên.
Một chiếc lồng đèn dài vợ chồng Thủy sản xuất có chiều dài 90cm, cao 65cm nên phủ vẽ từ đầu đến thân mất khá nhiều công. Do giấy kính mỏng, có lúc sản phẩm gặp nước sẽ nhăn hoặc rách, có nhiều sản phẩm phải làm lại, chờ khô rồi vẽ lại, việc kiểm soát màu mất nhiều thời gian.
Thủy vẫn nhớ bộ hình về những chiếc lồng đèn từ năm 1928, đó là những chiếc lồng đèn lớn rất đẹp, khá cầu kỳ. Những chú cá chép hóa rồng có thể như bay trong gió nhờ những khớp nối mềm mại có thể chuyển động. Thủy cùng chồng và 2 người bạn chụp một bộ hình thật đẹp cũng mất nhiều thời gian, cả 2 chăm chút với bộ sản phẩm đầy nâng niu và trân trọng. Khi chụp bộ hình Thủy cùng chồng và 2 bạn phụ giúp đã mất khá nhiều thời gian, thậm chí là nửa tháng để chạy chỗ này chỗ kia để cho ra bộ hình ưng ý và tinh tế nhất.
Lồng đèn to, nguyên liệu mỏng manh, có bỏ một phần kinh phí quảng cáo sản phẩm, nên cuối cùng để ra giá thành sản phẩm thực tế tương đối cao.
Giá cực đắt, dự án "kinh tế văn hóa" không thành công
nhưng vẫn tự hào
Thủy bán sản phẩm này ra thị trường với mức giá 3,8 triệu/chiếc. Nhiều người cho rằng đây là một mức giá khá mắc cho một chiếc đèn lồng, nhưng có làm trực tiếp, tâm huyết với từng “cử động” của chiếc lồng đèn và tạo được một sản phẩm tinh tế thì mức giá này mới có thể "làm kinh tế".
Thủy biết "làm kinh tế" văn hóa không dễ, nhưng cô vẫn muốn làm vì biết rõ nó không phải là sản phẩm đơn thuần thương mại. "Chiếc lồng đèn tinh tế và kỳ công xưa là đối chọi lại đời sống hiện đại là sản phẩm tiện ích, xài 1 lần rời quăng. Mình làm lồng đèn xưa mà không nghĩ nó sẽ thành công vì không thể xác được được lợi nhuận. Thậm chí ngay cả khi nó thất bại thì mình cũng vui vì là viên đá lót đường, năm sau nếu có người khác tiếp nối sẽ đỡ phần nào chi phí quảng bá nó và có phương hướng để đi dễ dàng hơn. Nhưng ngay cả nó thất bại nhưng nhiều người biết đến lồng đèn xưa tức là mình đã phần nào thành công rồi", Thủy nói.
Thực tế, dù sản phẩm đẹp, ai nhìn thấy cũng tấm tắc khen độ tinh tế và nét cổ xưa đáng quý, với Thủy nó còn là việc kéo dài cho đặc tính văn hóa một dân tộc đã lưu truyền bị đứt gãy.
Nhưng mức giá này chỉ phù hợp với quán xá, doanh nghiệp và các dự án tạo điểm nhấn, nó không phù hợp cho mức giá một gia đình từ trung lưu trở xuống. Thủy đã vấp phải thực tế là nhiều người hỏi vì thấy sản phẩm quá đẹp, nhưng nói đến phần giá thì họ lặn mất tăm. Thủy cũng biết cái khó là sản phẩm có độ bền không cao, phải giữ gìn cẩn thận vì giấy kính gặp nước là hỏng. Thủy cũng nghĩ đến việc làm những sản phẩm nhỏ hơn với mức giá thấp hơn.
Qua mùa trung thu năm nay, trở ngại mức giá thành cao khiến Thủy chỉ bán được số lượng sản phẩm không lớn. Tuy nhiên, nó cũng là điều cô đã có thể tưởng tượng. Tuy vậy, Thủy vẫn mừng vì cô có đơn đặt hàng từ bảo tàng cafe Trung Nguyên, từ một số đơn vị, dù chưa nhiều nhưng lúc nhìn sản phẩm của mình được bày trang trọng, được hiện diện trong đời sống cô như muốn rớt nước mắt.
Dù dự án lồng đèn xưa của vợ chồng Thủy làm không được như kỳ vọng, tính về mặt kinh tế thì coi như thất bại, nhưng Thủy vẫn hào hứng khi tạo được một dấu ấn và hồ hởi: "Nếu có thể đi tiếp vào mùa trung thu năm sau mình sẽ làm mẫu bọ ngựa, bươm bướm...".
Dù từ mong muốn đến thực tế không phải lúc nào cũng giống nhau. Nhưng điều Thủy biết mình không thật bại khi đã nhóm lên ngọn lửa về kí ức trung thu xưa cũ, để góp phần làm sống lại những cái đẹp đẽ xưa cũ có nguy cơ bị thất truyền.