Tại sao thị trường chứng khoán lại biến động? Để tìm câu trả lời, hầu hết các nhà đầu tư, nhà phân tích và phóng viên tài chính sẽ tìm đến tin tức trước nhất. Có lẽ dữ liệu việc làm hàng tháng vừa được công bố, doanh nghiệp thông báo kế hoạch mua bán và sáp nhập hay một quan chức ngân hàng trung ương đưa ra bài phát biểu bi quan.
Tuy nhiên, một số ít tín đồ của các đồ thị - hay “các nhà phân tích kỹ thuật” – lại tin rằng chuyển động của giá cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ có thể được tiên đoán bằng việc lập và diễn giải biểu đồ.
Các nhà phân tích kỹ thuật có vô số phương pháp với những cái tên ấn tượng. Chẳng hạn, giao cắt tử thần (death cross) xảy ra khi đường trung bình động ngắn hạn của giá tài sản rơi xuống dưới trung bình động dài hạn.
Hay các mức Fibonacci thoái lui (Fibonacci retracement levels) được xây dựng dựa trên ý tưởng là một tài sản có giá đang tăng sẽ giảm xuống trước khi đi lên lần nữa. Đà giảm được cho là sẽ chấm dứt ở những mốc dựa theo các con số Fibonacci, ví dụ như 23,6%, 38,2% hay 61,8%.
Hoặc, “mây Ichimoku” – vốn được giới đầu tư Nhật Bản rất yêu thích – là một chỉ báo hình đám mây, tạo bởi các điểm trung bình cao và trung bình thấp trong khung thời gian tuần, một tháng hoặc hai tháng. Giá vượt lên trên vùng mây được xem là điềm lành, rơi xuống dưới là điềm gở.
Ông Burton Malkiel, tác giả cuốn “Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall” chỉ ra rằng một nhà phân tích kỹ thuật thực thụ chỉ cần những thông tin kiểu đó và “thậm không thèm quan tâm đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, miễn là anh ta hoặc cô ta có thể nghiền ngẫm đồ thị của mình”.
Những phương pháp trên, tuy có vẻ điên rồ, gần đây đã thu hút được nhiều sự chú ý bởi chỉ số đại diện thị trường chứng khoán Mỹ là S&P 500 liên tục ngả nghiêng. Sau khi rớt xuống đáy 3.637 điểm ngày 17/6, S&P 500 lại bắt đầu đà tiến. Chỉ số lập đỉnh ngắn hạn 4.325 điểm trong phiên 16/8, gần sát với mức trung bình động 200 ngày 4.326 điểm – ngưỡng quan trọng về mặt kỹ thuật.
Một tài sản có giá suy giảm nhưng đang trong đà tiến được cho là sẽ gặp “ngưỡng kháng cự” ở điểm đó. Nhà phân tích kỹ thuật quan tâm đến việc liệu tài sản có “phá vỡ” rào cản kháng cự - báo hiệu thị trường giá lên thực thụ - hay đây chỉ là giai đoạn tăng giá trong thị trường gấu. Lần này, chỉ số S&P 500 đã thất bại trước ngưỡng kháng cự và giảm khoảng 8% kể từ ngày 16/8.
Nhiều nhà đầu tư chính thống đang sử dụng một số phiên bản giao dịch theo xu hướng. Đầu tư theo yếu tố, phát minh của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Eugene Fama và cộng sự Kenneth French, được sử dụng bởi các quỹ định lượng thành công như AQR Capital Management.
Phương pháp này phân chia lợi nhuận thành các yếu tố thành phần như “quy mô” (công ty nhỏ kiếm được lợi nhuận tốt hơn các công ty lớn hơn) hoặc “chất lượng” (doanh nghiệp ổn định, nợ thấp kiếm được lợi nhuận tốt hơn các công ty rủi ro hơn). Một yếu tố khác là xu thế: cổ phiếu đang tăng giá có xu hướng tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của đầu tư theo xu thế vẫn tinh vi hơn một chút so với chỉ nhìn vào đồ thị giá. Thuật toán của AQR thường kết hợp nhiều yếu tố với xu thế. Ví dụ, quỹ có thể sẽ mua cổ phiếu một công ty nhỏ chất lượng cao đã tăng giá gần đây.
Giá trị thật của phân tích kỹ thuật
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hiểu được phần nào sự quan tâm cuồng nhiệt của các nhà phân tích kỹ thuật với các ngưỡng và xu hướng. Gần như không có sự khác biệt thực sự giữa một euro đáng giá 1,0001 USD hay 0,9999 USD, nhưng trên thị trường ngoại hối, “những con số lớn” này có ý nghĩa quan trọng.
Ý nghĩa này mang tính biểu tượng lẫn thực tiễn: Khách hàng thường đặt lệnh gần số tròn và chứng khoán phái sinh thường được bán với “giá thực hiện” tròn. Như vậy, lượng giao dịch cần thiết để euro rơi từ 1,0001 xuống 0,9999 USD lớn hơn nhiều mức giảm từ 1,0487 xuống 1,0485 USD.
Khi đặt lệnh, nhà đầu tư thường cố đoán xem những người khác đang vào lệnh ở điểm nào. Hiểu biết này có thể giúp họ đặt lệnh dừng lỗ (stop-loss order) để hạn chế tổn thất đối với vị thế tại mức giá hợp lý. Nếu số nhà đầu tư dựa vào các mức kỹ thuật để điều chỉnh hành vi đủ lớn thì những con số này bắt đầu có ý nghĩa.
Có lẽ giá trị thật của phân tích kỹ thuật là việc sử dụng phương pháp này nói lên điều gì về điều kiện thị trường. Không ai thèm quan tâm tới những bản vẽ đẹp đẽ của các nhà phân tích kỹ thuật khi nền kinh tế tốt đẹp, lợi nhuận cao và chứng khoán tăng giá trơn tru.
Mặt khác, cũng chẳng có ai liếc mắt đến các biểu đồ này trong đáy sâu của thị trường gấu, khi mà giá sẽ xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ mà các nhà phân tích kỹ thuật vẽ ra.
Giống như những người bất an về phương hướng cuộc sống có xu hướng quan tâm tới chiêm tinh học nhiều hơn, các nhà đầu tư lo ngại về hướng đi của thị trường cũng sẽ tìm đến sự trấn an nhanh gọn từ một biểu đồ bắt mắt. Nếu nhiều người trở nên yêu thích phân tích kỹ thuật thì điều này sẽ chỉ càng cho thấy rằng không ai biết vì sao thị trường lại biến động.