Doanh nghiệp

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính…

Chiều ngày 2/9/2022, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) động thổ dự án Khu phức hợp thông minh (Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm) thuộc khu chức năng số 2 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.HCM). Theo thông tin công bố, dự án có tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, quy mô xây dựng 5 tầng hầm, 60 tầng nổi, bao gồm khách sạn, khu dân cư, khu thương mại.

Thực tế, 10 năm trước, Lotte đã tuyên bố rót 1,9 tỷ USD - một con số làm “choáng váng” thị trường khi ấy, để cùng với một số nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm.

Việc chính thức động thổ dự án đã “nung nấu” từ lâu - theo ông Shin Dong Bin, Chủ tịch của Tập đoàn Lotte - sẽ đánh dấu điểm khởi đầu cho các hoạt động mở rộng đầu tư sắp tới của Lotte tại Việt Nam, khi năm 2022 đồng thời là kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc.

Cũng chính vào một ngày Quốc khánh khác 8 năm trước, Tổ hợp trung tâm thương mại Lotte Center Hà Nội có vốn đầu tư 500 triệu USD được khai trương.

Tòa nhà Lotte Center Hà Nội cao 65 tầng hay dự án tỷ đô Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm đều được xây dựng bởi Lotte E&C - một thành viên khác đang có mặt tại Việt Nam của Tập đoàn Lotte.

Nhưng trước khi những công trình biểu tượng đó ra đời, cái tên Lotte đã rất quen thuộc với người dân thành thị qua chuỗi đồ ăn nhanh Lotteria và kẹo cao su, đặc biệt là Lotte Xylitol.

Trong 26 năm qua, gần 20 công ty thành viên của Lotte đã hiện diện tại Việt Nam, trải dài trên các lĩnh vực từ thực phẩm, hóa chất, bất động sản, khách sạn, giải trí, bán lẻ, thương mại điện tử, tài chính... Trong đó, các đơn vị có doanh thu trên 1.000 nghìn tỷ là Loteria, Lotte Phú Khánh Duty Free, Lotte Mart và Lotte Chemical Việt Nam.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 1.

Dồn lực vào Đông Nam Á thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) là chiến lược được Lotte lựa chọn từ hơn 1 thập kỷ nay. Sau cuộc tranh giành quyền lực gia đình năm 2016, Lotte rút chân khỏi Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy chiến lược này nhằm đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

THỰC PHẨM: Từ chiếc kẹo cao su đến chuỗi đồ ăn nhanh top đầu Việt Nam

Trước khi trở thành Chaebol của Hàn Quốc, nhà sáng lập Shin Kyuk-Ho của Tập đoàn Lotte khởi đầu sự nghiệp bằng sản phẩm kẹo cao su tại Nhật Bản. Họ cũng khởi động cuộc đầu tư tại Việt Nam bằng sản phẩm này.

Công ty TNHH Lotte Việt Nam (Lotte Confectionery) thành lập năm 1996 và bắt đầu hoạt động nhà máy từ năm 1998 với sản phẩm kẹo cao su Bub-up và Stick gum. Từ đó đến nay, Lotte Confectionery tạo dấu ấn trên thị trường bằng các nhãn bánh kẹo mang phong cách Nhật Bản sử dụng hình ảnh đại diện là Doraemon và Pokemon.

Năm 2008, Lotte Confectionery đầu tư vào Bibica. Sẵn sàng trả 110.000 đồng/cp – cao gấp rưỡi thị giá để sở hữu 30% vốn cổ phần Bibica nhưng hành trình của Lotte ở đây không thuận lợi. Sau cuộc chiến tốn nhiều giấy mực và kéo dài nhiều năm với các cổ đông Việt Nam của Bibica, Lotte đã thoái hết vốn vào đầu năm 2021, nhường lại sân chơi cho Tập đoàn PAN của ông “trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng.

Theo dữ liệu chúng tôi có được, từ 2017-2020, doanh thu của Lotte Confectionery nằm trong khoảng 700-800 tỷ đồng, cao nhất là năm 2019 với doanh thu 820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng. Năm 2020, công ty lỗ 11 tỷ đồng. Mức biên lợi nhuận gộp của Lotte Confectionery giảm dần trong giai đoạn trên, từ 48% xuống 43% nhưng vẫn cao hơn hẳn Bibica (quanh 30%), bánh kẹo Hải Hà (15-20%)... Năm 2021, Lotte Confectionery đạt 633 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ 50 tỷ đồng.

Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Lotteria là 1 trong 4 thành viên có doanh thu trên 1.000 tỷ của Lotte tại Việt Nam. Mặc dù xuất hiện sau KFC, Lotteria đã giành được sự yêu thích của người ăn bằng các sản phẩm ngoài gà rán như Hamburger, mực và tôm. Cho đến nay, Lotteria đã mở hơn 260 cửa hàng tại Việt Nam, là chuỗi đồ ăn nhanh lớn top đầu trên thị trường.

Tuy nhiên, Lotteria lại chìm trong thua lỗ. Riêng năm 2020 và 2021, công ty lỗ sau thuế lần lượt 142 tỷ đồng và 197 tỷ đồng. Năm ngoái, tờ Korea Times đăng tải bài viết cho biết, giá trị sổ sách của Lotte GRS, đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng Lotteria Việt Nam tại thời điểm đầu năm 2020 đạt 26,8 tỷ won (hơn 553 tỷ đồng) và giảm xuống còn 15,6 tỷ won (khoảng 322 tỷ đồng) sau khi có khoản lỗ định giá 11,2 tỷ won (xấp xỉ 231 tỷ đồng). Khoản lỗ ròng của doanh nghiệp này đã vượt 10 tỷ won (khoảng 206,7 tỷ đồng) trong một năm.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 2.

Dù vậy, bất chấp tình hình dịch bệnh, Lotte GRS đã đầu tư 15,5 tỷ won (xấp xỉ 320 tỉ đồng) mở nhà máy sản xuất thực phẩm tại Việt Nam.

BẤT ĐỘNG SẢN VÀ KHÁCH SẠN: Những công trình “biểu tượng” ở Việt Nam

Giai đoạn 2012-2015 chứng kiến hàng loạt thương vụ lớn của Lotte trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn tại Việt Nam.

Ngoài tuyên bố rót 1,9 tỷ USD làm dự án Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm như đã nói, năm 2013, Lotte mua lại 70% cổ phần khách sạn 5 sao Legend Saigon từ tập đoàn Kotobuki và đổi tên thành Lotte Legend Saigon. Hiện tại, khách sạn này mang tên Lotte Hotel Saigon. Khách sạn gồm 17 tầng với 283 phòng, 6 nhà hàng, là một trong những khách sạn đạt chuẩn 5 sao tại TP HCM.

Lotte Hotel Saigon ghi nhận doanh thu giảm dần từ 2017-2020. Nếu như năm 2017 đạt doanh thu 499 tỷ đồng thì năm 2019 giảm còn 477 tỷ đồng và năm 2020, 2021 - do ảnh hưởng của dịch bệnh - chỉ còn 202 tỷ đồng và 152 tỷ đồng. Ngoại trừ 2 năm dịch bệnh này, lợi nhuận sau thuế của Lotte Hotel Saigon luôn đạt trên 100 tỷ đồng.

Đầu tháng 3/2015, ông Shin Dong Bin - Chủ tịch Tập đoàn Lotte cho biết doanh nghiệp đã mua 70% cổ phần của tòa cao ốc Diamond Plaza, Tp.HCM từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận giảm dần nhưng tòa Shoppingmall này vẫn là điểm sáng trong hệ thống thành viên của Lotte Việt Nam với doanh thu trên 400 tỷ đồng và lợi nhuận 160 tỷ - 200 tỷ, ghi nhận biên lợi nhuận ròng tới trên 40%.

Một dự án lớn khác của Lotte tại Việt Nam là tổ hợp Lotte Mall Tây Hồ đã khởi công từ năm 2018 và đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện nhằm khai trương và đi vào hoạt động trong năm 2023. Lotte Mall Hanoi từng có tên là Ciputra Hanoi Mall do Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tập đoàn Ciputra (Indonesia) và Tổng công ty UDIC của Việt Nam, làm chủ đầu tư.

Dự án này rộng 7,3 ha và ban đầu dự kiến xây dựng trung tâm thương mại với khu vực bán lẻ, khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào năm 2010 và xong móng, dự án giậm chân tại chỗ. Đến giữa năm 2017, dự án Ciputra Mall được bán lại cho Tập đoàn Lotte và đổi tên thành Lotte Mall Hanoi.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 3.

Phối cảnh tổng thể dự án Lotte Hà Nội nằm trên trục đường Võ Chí Công, Phú Thượng, Tây Hồ. Ảnh: Internet

Trở lại với tòa nhà biểu tượng Lotte Center Hà Nội, dự án này được Lotte mua lại từ tập đoàn Daewoo, khi đó còn được biết đến với tên gọi là Coralis. Trước khi khai trương, phía Lotte cho biết quyết định đầu tư vào dự án này là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đầu tư vào thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Từ 2017 - 2020, doanh thu của Lotte Center Hà Nội đạt thấp nhất là 780 tỷ và cao nhất 880 tỷ, nhưng các năm đều lỗ. Riêng năm 2020 lỗ tới 344 tỷ đồng.

Lotte Engineering & Construction (Lotte E&C) là đơn vị thi công Lotte Center Hà Nội, Lotte Mall Tây Hồ và Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm. Không dừng lại ở một doanh nghiệp xây dựng, năm 2019, công ty này thành lập Lotte Land với mục tiêu phát triển các dự án nhà ở tại Việt Nam. Lotte Land bắt tay cùng CTCP Đầu tư Phú Cường để đầu tư Dự án chung cư cao cấp La Premier, bắt tay cùng Vạn Phát Hưng làm Dự án Biệt thự Nhơn Đức và ký hợp tác chiến lược với Công ty TTC Land.

BÁN LẺ: Chuỗi Lotte Mart và Duty Free đem lại doanh thu lớn nhất cho Lotte

Động thái đóng cửa trung tâm thương mại cuối cùng ở Thành Đô, Trung Quốc của Lotte đánh dấu cú rút chân khỏi thị trường từng được coi là một trong những thị trường quan trọng nhất sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và mặc dù hoạt động kinh doanh của mảng bán lẻ tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận lãi, nhưng Lotte tiếp tục tuyên bố các kế hoạch tập trung vào thị trường này sau khi tạm biệt Trung Quốc.

CTCP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam (tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Lotte Mart - nhận được giấy phép đầu tư vào Việt Nam cuối năm 2006, hoạt động dưới hình thức liên doanh với Công ty Minh Vân theo tỷ lệ góp vốn 80:20. Sau đó, Lotte Việt Nam xin chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài thông qua việc mua lại 20% vốn điều lệ của của Minh Vân.

Hoạt động kinh doanh siêu thị của họ ghi dấu bằng sự ra đời của Lotte Mart quận 7 (TP.HCM) vào năm 2008. Đến nay, Lotte Mart đã phát triển 14 trung tâm thương mại và siêu thị, phủ sóng tại các thành phố lớn trên cả nước.

Chuỗi siêu thị được ghi nhận là lĩnh vực có doanh thu cao nhất trong hệ thống Lotte Việt Nam cho đến nay, nhưng trong suốt quá trình kinh doanh tại Việt Nam, Lotte Mart chưa năm nào có lãi.

Trong giai đoạn gần nhất, năm 2017, doanh thu Lotte Mart đạt 5.269 tỷ đồng và lên tới 6.835 tỷ đồng vào năm 2019 rồi giảm xuống 5.921 tỷ đồng vào năm 2020 - mức tương đương với năm 2018. Tuy nhiên, giống như hầu hết các chuỗi bán lẻ siêu thị khác, Lotte Mart vẫn lỗ ròng. Điểm sáng là mức lỗ đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, doanh thu của Lotte Mart giảm mạnh xuống dưới 5.000 tỷ đồng và lỗ tới 821 tỷ đồng.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 4.

Bên cạnh các chuỗi siêu thị, Lotte cũng phát triển mảng thương mại điện tử với việc thành lập công ty Lotte E-commerce và cho ra đời 2 sàn thương mại điện tử Lotte.vn, Speedl.vn. Tuy nhiên, cả 2 sàn đều khá “chìm” so với các sàn TMĐT khác. Vào năm 2020, Lotte.vn dừng hoạt động và sáp nhập vào Speedl.vn.

Trước đó, năm 2012, Lotte Homeshopping đã kí kết hợp tác với Đất Việt VAC để cho ra mắt kênh bán hàng qua truyền hình Lotte DatViet Homeshopping. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 6 triệu USD, trong đó phía Lotte góp 85% vốn, tương đương 5,1 triệu USD.

Bên cạnh cuộc chạy đua trong các lĩnh vực “đốt tiền” này thì Lotte tại Việt Nam còn hiện diện ở mảng kinh doanh hàng miễn thuế thông qua việc hợp tác với Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn để phát triển các chuỗi cửa hàng miễn thuế trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown duty-free) đầu tiên được mở tại Tràng Tiền Plaza, trước đó IPPG đã hợp tác với Lotte PK Duty Free mở các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Hà Nội, Đà Nẵng và Cam Ranh.

Công ty TNHH Kinh doanh miễn thuế Lotte Phú Khánh (Lotte Phú Khánh Duty Free) là doanh nghiệp có doanh thu lớn thứ 2 trong hệ thống Lotte tại Việt Nam, sau Lotte Mart với 1.500 tỷ trong năm 2018 và 2.700 tỷ trong năm 2019.

Ông Park Suk Won, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kinh doanh miễn thuế Lotte Phú Khánh cho biết sẽ áp dụng mô hình tiếp thị đặc trưng quảng bá làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu.

Lĩnh vực bán hàng miễn thuế thực tế là nguồn thu lớn nhất của Lotte Hàn Quốc. Bởi vậy, họ đã và đang tăng các mục tiêu M&A trong lĩnh vực này.

NHỰA - Nối dài những thương vụ M&A

Ít quen tên với đại chúng nhưng mảng nhựa đã đem lại doanh thu trên 1.000 tỷ cho Lotte, cũng là mảng hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận dương.

Lotte Chemical Việt Nam thành lập năm 2017 tại KCN Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ngay trong năm đầu tiên kinh doanh (2018), Lotte Chemical Việt Nam đạt doanh thu 726 tỷ đồng và nhanh chóng tăng lên 1.150 tỷ vào năm 2019, 1.377 tỷ vào năm 2020, 2.731 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của 2 năm gần nhất đạt 158 tỷ đồng và 165 tỷ đồng.

Tháng 4/2020, Lotte Chemical đã mua lại Công ty TNHH Vina Polytech. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất hạt nhựa PC và nhựa ABS, nằm tại Bắc Ninh.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 5.

Những lĩnh vực khác

Thành lập từ năm 2008, với cụm Rạp đầu tiên tọa lạc tại Lotte Cinema Diamond – thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, Lotte Cinema Việt Nam đã mở được 40 cụm rạp chiếu phim quy mô. Đỉnh cao doanh thu của Lotte Cinema đạt được vào năm 2019 với 921 tỷ đồng nhưng cũng là năm lỗ lớn nhất, tới 773 tỷ đồng. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu của Lotte Cinema sụt giảm còn 451 tỷ đồng, lỗ 668 tỷ đồng.

Đến năm 2021, chuỗi rạp phim này cùng một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành phải viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng chính phủ Việt Nam xin cấp vốn, vay tín dụng ưu đãi, giảm thuế... vì rạp đóng cửa do dịch. Trong năm này, Lotte Cinema tiếp tục suy giảm doanh thu còn 336 tỷ đồng và lỗ 466 tỷ đồng.

Rút khỏi Trung Quốc, dồn lực vào Đông Nam Á, Lotte tại Việt Nam kinh doanh từ kẹo cao su, gà rán đến BĐS, tài chính… - Ảnh 6.

Trong lĩnh vực tài chính, năm 2017, công ty Lotte Card (Hàn Quốc) mua lại 100% công ty tài chính TechcomFinance thuộc ngân hàng Techcombank, đánh dấu sự mở rộng hoạt động của tập đoàn Lotte trong mảng tài chính tại Việt Nam và cũng trở thành công ty thẻ tín dụng đầu tiên của Hàn Quốc được phép hoạt động tại Việt Nam.

Công ty TNHH MTV LOTTE Finance Việt Nam được cấp giấy phép chính thức vào năm 2018 với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Sau 3 lần tăng vốn liên tục, đến đầu năm 2022, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp 3 lần lên 1.836 tỷ đồng do công ty Lotte Card (Hàn Quốc) sở hữu 100%. Trong 2 năm sau khi thành lập, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu, lỗ lần lượt 154 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.

Ngoài những lĩnh vực trên, Lotte còn có một số công ty khác tại Việt Nam như LOTTE Rental, LOTTE-Sea Logistic, LOTTE Data Communication – LDCC… Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã thành lập Ventures Vietnam năm ngoái nhằm mục đích hỗ trợ các startup Hàn Quốc phát triển tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm