“Dự báo từ năm 2025, tốc độ mở rộng của các chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam sẽ lên đến 15-20% số cửa hàng/năm. Đây sẽ làm năm chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt của các chuỗi nhà thuốc”, chia sẻ đáng chú ý của Chuyên gia thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tại hội thảo mới đây.
Thực tế, cuộc đua của mảng dược 2 năm trở lại đây là điểm nổi bật trên thị trường bán lẻ Việt. Tính đến hiện tại, chuỗi FPT Long Châu đạt khoảng 2.000 nhà thuốc trên 63 tỉnh thành, Pharmacity sau khi tái cấu trúc đang tiến sát mốc 1.000 cửa hàng. An Khang Pharmacy tạm dừng ở mốc 326 nhà thuốc, Trung Sơn Pharma đạt 200 cửa hàng (chủ yếu ở khu vực miền Tây).
Trong đó, Trung Sơn Pharma vừa được Tập đoàn Hàn Quốc (Dongwha Pharm) chi gần 30 triệu USD để mua lại 51% cổ phần, dự kiến sẽ “chơi lớn” từ năm 2025.
Chính thức rót vốn hồi tháng 8/2024, chỉ sau chưa đầy 4 tháng, Trung Sơn đã mở mới 60 nhà thuốc (tương đương mức tăng trưởng 43% về quy mô). Theo kế hoạch đề ra, Trung Sơn dự kiến tăng quy mô lên 460 cửa hàng trong năm sau – tức gấp 2,3 lần hiện tại và tương đương An Khang của Thế giới di động.
Chưa kể, ở động thái mới nhất, cựu sáng lập của Pharmacity – ông Chris Blank – vừa quay lại thị trường với nhà thuốc mới mang tên Phượng Hoàng.
“Có thể nói cuộc chiến bán lẻ dược phẩm là một trong những cuộc chiến trực diện nhất, các bên không ngại mở sát cạnh nhà thuốc truyền thống. Bên cạnh các cửa hàng vật lý, nhiều dịch vụ mà không tưởng tượng được đã và đang mở ra. Đơn cử, nếu chuỗi Pharmacity khi khách hàng đi vào có dịch vụ đo huyết áp miễn phí tại quầy, thì chuỗi Long Châu có livestream mời bác sĩ danh tiếng chia sẻ về căn bệnh phổ biến như đái tháo đường…”, chuyên gia nhận định.
Dù vậy, vị này cũng cho biết dù tăng tốc mở mới, song các bên sẽ không mở tràn lan mà sẽ đi theo chiến lược rõ ràng, mà cụ thể là tập trung vào lợi nhuận.
Hiện, d uy nhất chuỗi FPT Long Châu tìm được mô hình phù hợp cho nhân rộng cửa hàng và đã có lợi nhuận. Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 của FPT Retail (mã chứng khoán: FRT), lợi nhuận trước thuế, lãu vay và khấu hao tài sản cố định (EBTDA) của Long Châu đạt mức 491 tỷ đồng.
Có thể nói, Pharmacity cùng Long Châu và An Khang là ba “tay chơi” nổi bật nhất trên cuộc chiến offline. Trong đó, Pharmacity ra đời vào năm 2011, với nguồn lực mạnh đã sớm dẫn đầu về quy mô và có lúc gần như không có đối thủ. Dưới trướng nhà sáng lập Chris Blank, Pharmacity gây chú ý khi tuyên bố tham vọng lớn với 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD. Dù vậy, những năm trở lại đây, đi cùng với biến động ghế CEO, Pharmacity đã tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua, và bị Long Châu bỏ xa.
Ngược lại, sự theo đuổi miệt mài từ những ngày đầu đã giúp FPT Long Châu hái quả ngọt, thậm chí còn đang đóng góp chính tăng trưởng cho công ty mẹ.
Còn An Khang, 2 lần tuyên bố tham vọng lớn nhưng cuối năm 2023, ban lãnh đạo Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) lần nữa chọn dừng lại và tập trung tái cấu trúc, sau khi chuỗi đạt đỉnh gần 540 nhà thuốc vào tháng 6/2023 và 4 năm thua lỗ liên tiếp.
Về thị trường dược phẩm Việt Nam, được đánh giá rất tiềm năng với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tăng và các nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ cũng tăng. Đặc biệt, thị trường bùnh nổ sau đại dịch Covid-19: Đây cũng là thời điểm kênh bán lẻ thuốc không kê đơn (OTC) phát triển mạnh mẽ, với sự mở rộng nhanh chóng của nhiều chuỗi nhà thuốc lớn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI, doanh thu từ thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, thị trường dược phẩm được coi là một "miếng bánh" hấp dẫn đối với bất kỳ chuỗi nhà thuốc nào.
Thương vụ Dongwha Pharm (Hàn Quốc) mua lại 51% cổ phần của chuỗi Trung Sơn Pharma vào năm ngoái là một minh chứng rõ nét. Theo Dongwha Pharm, đây là bước đi chiến lược để mở rộng sự hiện diện của họ tại thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á.