Doanh nghiệp

Chuỗi điện máy Trần Anh bị giải thể sau 6 năm bị thâu tóm

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 19/8 về việc giải thể công ty con CTCP Thế giới số Trần Anh. Phía MWG cho biết việc tái cơ cấu công ty con này nhằm tối ưu việc vận hành. 

Đây cũng là lý do tương tự mà trước đó tập đoàn đưa ra khi tuyên bố giải thế Công ty cổ phần 4KFarm và Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín, nằm trong chiến lược tái cấu trúc "giảm lượng tăng chất".

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài khi đó khẳng định việc tái cấu trúc vẫn sẽ được tiếp tục thông qua quá trình thu nhỏ và cắt bỏ các bộ phận chưa hiệu quả, đầu tư thời gian và tiền bạc vào những thứ quan trọng để tạo tăng trưởng cho tập đoàn.  

Gần nhất, tập đoàn đã đóng 46 nhà thuốc An Khang trong nửa đầu năm 2024, đồng thời đưa ra thông báo sẽ quyết liệt "khai tử" gần 200 nhà thuốc kém hiệu quả khác trong giai đoạn cuối năm để giảm số lượng xuống còn 300 điểm bán. 

Tập đoàn bán lẻ này còn quyết định giảm mạnh lượng nhân sự xuống mức thấp nhất 3 năm khi “chia tay” với khoảng 10.000 người trong năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, MWG cắt giảm thêm gần 6.000 người để hạ quy mô còn 59.478 lao động.      

 Quy mô hoạt động của Trần Anh bị thu hẹp kể từ khi bị thâu tóm sau năm 2018. Nguồn: HL tổng hợp.

Trở lại với Trần Anh, đây từng là doanh nghiệp từng sở hữu chuỗi Điện máy Trần Anh nổi tiếng và là nhà phân phối bậc nhất trong lĩnh vực thiết bị tin học và điện máy tại thị trường miền Bắc.  

Đến đầu năm 2021, Thế Giới Di Động đã chính thức thâu tóm Trần Anh và liên tục mua cổ phần nhỏ lẻ để nâng tỷ lệ sở hữu vượt 99% vốn. Tại thời điểm bị MWG thâu tóm, Trần Anh đang sở hữu hệ thống hơn 30 siêu thị.  

Kể từ cuối năm 2018, Trần Anh đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hình thức hợp tác thông qua cho thuê mặt bằng, văn phòng, tài sản và thương hiệu. Hàng tồn kho không còn được ghi nhận và tài sản chủ yếu là tiền gửi tại ngân hàng để lấy lãi hằng năm.  

Do đó, Trần Anh từ mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trước đây đã giảm xuống còn quanh mức 100 tỷ đồng kể từ 2019 đến nay. Lợi nhuận cũng duy trì hơn 10 tỷ đồng/năm chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng. 

Theo báo cáo cuối cùng được công bố năm 2022, Trần Anh ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên hơn 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là gần 16 tỷ đồng, cao hơn 12% so với năm 2021. 

Cổ phiếu TAG của công ty chính thức được niêm yết trên HNX từ năm 2010 và đến tháng 9/2018 chuyển giao dịch xuống UPCoM. Tháng 10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra thông báo về việc hủy tư cách công ty đại chúng đối với CTCP Thế Giới Số Trần Anh, sau đó cổ phiếu TAG chính thức bị hủy giao dịch từ ngày 6/1/2023. 

Trong khi đóng hàng loạt các mảng kinh doanh nhỏ lẻ và bộ phận kém hiệu quả, MWG đang dồn lực cho các chuỗi kinh doanh tiềm năng khác bao gồm chuỗi Bách Hóa Xanh và EraBlue tại Indonesia. 

Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh đã tìm ra "công thức chiến thắng" khi lần đầu có lãi trong quý II. Dựa trên kết quả này, ban lãnh đạo đặt mục tiêu tăng tốc mở cửa hàng trong giai đoạn nửa cuối năm với số lượng khoảng 50-100 shop.

Đối với EraBlue, chuỗi điện máy tại nước ngoài này được định hướng là cái tên tiếp theo mở hướng phát triển cho Thế Giới Di Động, trở thành một Điện Máy Xanh tại Indonesia. Mục tiêu chung là nâng lên gần 100 vào cuối năm nay và 500 cửa hàng vào năm 2027.    

 là chuỗi bán lẻ theo mô hình hiện đại lớn nhất tại Indonesia. Tính đến tháng 7/2024, chuỗi đã có 65 cửa hàng ở các khu vực vệ tinh thủ đô Jakarta, trong số đó có 37 cửa hàng size mini (size M, diện tích khoảng 280 - 320m2) và 28 cửa hàng size Supermini (size S, diện tích từ 180 – 220m2). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm