Cụ thể, trong quý cuối năm ngoái, Chứng khoán VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động 1.962 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản lãi và lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của VNDirect đều tăng trong quý IV/2022, lần lượt là 1.261 tỷ đồng và 1.138 tỷ đồng.
Hoạt động môi giới đem lại doanh thu hơn 206 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là hơn 335 tỷ đồng, giảm 23%.
Về chi phí, trong quý IV VNDirect ghi nhận dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm các tài sản tài chính và chi phí đi vay gần 108 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết chi phí dự phòng từ khoản cho vay ký quỹ tăng 76 tỷ đồng do thị trường không thuận lợi.
Bên cạnh việc suy giảm doanh thu từ các mảng hoạt động, chi phí lãi nợ vay gia tăng áp lực lên VNDirect. Quý IV/2022 chứng kiến chi phí tài chính của VNDirect tăng đột biến lên hơn 424 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay mà công ty trả là hơn 367 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, VNDirect phải trả lãi gần 960 tỷ đồng. Dư nợ vay ngắn hạn của VNDirect tại ngày 31/12/2022 là 19.312 tỷ đồng.
Kết quả là, Chứng khoán VNDirect báo lỗ sau thuế gần 14 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất của công ty trong hơn một thập niên gần đây. Lần gần nhất VNDirect báo lỗ là quý IV/2011.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý IV VNDirect thu hẹp quy mô cho vay margin. Dư nợ tại ngày 31/12/2022 là 8.752 tỷ đồng, giảm hơn 3.900 tỷ đồng so với cuối quý III/2022. Đây là quy mô cho vay thấp nhất kể từ tháng 9/2021.