Chỉ số đại diện sàn HoSE tăng một mạch hơn 10 điểm sau phiên ATO. Lực cầu xuất hiện từ sớm. Sau một tiếng đầu giao dịch, thanh khoản cao hơn 2.000 tỷ so với cùng kỳ phiên trước. VN-Index được kéo lên sát 1.270 điểm.
Chỉ số này dùng dằng quanh mức trên sang phiên chiều. Sau 14h, dòng tiền đổ vào thị trường ồ ạt hơn kéo chỉ số lên tiệm cận 1.272 điểm, nhưng lập tức xuất hiện cơn rung lắc. VN-Index chốt phiên ở 1.269, tăng hơn 14 điểm.
Vùng 1.270 điểm được các đơn vị phân tích xem là mục tiêu quan trọng của thị trường sau khi chỉ số này giằng co quanh mốc 1.250 điểm suốt bảy phiên trước đó. Dù thế, chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ danh mục và hạn chế mua đuổi, vì VN-Index có thể điều chỉnh về vùng giá thấp, sau khi tiếp cận ngưỡng kháng cự quan trọng.
Toàn sàn HoSE có 300 cổ phiếu tăng, nhiều hơn gấp đôi so với 129 mã giảm giá. Sắc xanh cũng áp đảo trên rổ VN30 với 24 mã, giúp chỉ số đại diện tăng trên 18 điểm.
Nhóm ngân hàng đóng góp chính cho đà tăng của thị trường, khi Ngân hàng Nhà nước dự kiến kéo dài chính sách cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp đến hết năm nay, thay vì phải dừng từ cuối tháng 6.
Trong top 10 cổ phiếu hỗ trợ VN-Index nhiều nhất, ngành này có đến 9 đại diện gồm VCB, TCB, BID, CTG, LPB, VPB, MBB, ACB và HDB. Trong đó, LPB là mã có thanh khoản trăm tỷ và tăng kịch trần. Đa số các mã trụ ngành này đóng cửa với thị giá cao hơn 2-3% so với tham chiếu.
Thanh khoản sàn HoSE có phiên thứ ba liên tiếp cải thiện, với tổng giá trị giao dịch gần 22.700 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, với 6 tỷ đồng. Họ tập trung mua MWG và NLG, trong khi bán mạnh ở VHM và PVD.
Như vậy, sau ba phiên cải thiện liên tiếp, VN-Index trở lại vùng giá giữa tháng 4, tức trước khi xảy ra phiên "sập" 60 điểm. Đà tăng hôm nay đồng pha với thị trường thế giới khi cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng lập đỉnh nhờ lạm phát hạ nhiệt.