Chứng khoán

Chứng khoán BIDV (BSC) chốt quyền trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt

Trong các năm trở lại đây, BSC (mã chứng khoán BSI) luôn đạt được kết quả kinh doanh tốt với doanh thu và lợi nhuận tăng hàng năm. Đặc biệt vào năm 2021 cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường, doanh thu hoạt động kinh doanh của BSC đạt 1.343,9 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020 và lợi nhuận trước thuế đạt 435,6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2020. Kết quả hoạt động kinh doanh của BSC liên tục tăng trưởng và đạt nhiều đột phá trên cả 3 mảng: Môi giới (tư vấn đầu tư, lưu ký, cho vay tài chính), Tư vấn tài chính (tư vấn và đại lý, bảo lãnh phát hành) và Tự doanh.

Bước sang năm 2022, thế giới đối diện với nhiều khó khăn và bất ổn về kinh tế - chính trị - xã hội, kéo theo nhiều biến động bất lợi cho thị trường chứng khoán. Trong hoàn cảnh đó, bên cạnh một số công ty chứng khoán gặp khó khăn và thua lỗ, một số công ty vẫn kiên trì tìm cho mình những lối đi riêng để vươn lên "trong bão". Điều này thể hiện ở việc, một số công ty chứng khoán đã tranh thủ tận dụng cơ hội của thị trường để nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản trị, từng bước hiện đại hóa công nghệ cũng như đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Không đứng ngoài "đường đua" đó, ngày 26/09/2022 vừa qua, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã được cổ đông ngoại Hana Securities (Hàn Quốc) chính thức rót gần 2.700 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn điều lệ công ty, nâng Vốn chủ sở hữu công ty lên 4.500 tỷ đồng với giá giao dịch 41.000 đồng/ cổ phần, cao hơn 40% so với thị giá BSC hiện tại.

Hana Securities là thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana - một trong ba tập đoàn tài chính lớn nhất tại Hàn Quốc, với mạng lưới toàn cầu rộng lớn 208 chi nhánh tại 25 quốc gia trên thế giới và tổng tài sản tại 30/6/2022 đạt 52,8 tỷ USD. Theo thỏa thuận, đối tác chiến lược Hàn Quốc sẽ hỗ trợ BSC toàn diện về hệ thống CNTT, phát triển sản phẩm bán lẻ hiện đại dựa trên nền tảng số và mở rộng đối tượng khách hàng nước ngoài tiềm năng. Hai bên cũng đặt mục tiêu đưa BSC sớm tham gia hoạt động quản lý tài sản và hỗ trợ thiết lập hệ thống hợp tác liên tục trong đầu tư thông qua việc thành lập công ty quản lý quỹ.

Giao dịch đem lại mức thặng dư gần 2.040 tỷ cho BSC, là một trong những giao dịch M&A lớn nhất trên thị trường vốn của Việt Nam trong năm 2022 và là một "nốt thăng" trong bối cảnh thị trường hiện tại. Điều này cho thấy niềm tin, tầm nhìn và sự đánh giá cao của một định chế tài chính hàng đầu Hàn Quốc đối với cơ hội phát triển của BSC nói riêng và tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Với nguồn vốn được bổ sung cùng sự hỗ trợ của đối tác chiến lược tới từ Hàn Quốc, BSC sẽ được "chắp cánh" đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển toàn diện hệ sinh thái dịch vụ tài chính.

Với tiềm lực sẵn có cùng sự đồng hành của ngân hàng mẹ BIDV và đối tác chiến lược Hana Securities Hàn Quốc sẽ là một bước tiến quan trọng giúp BSC đẩy nhanh hơn quá trình hiện thực hóa chiến lược, tầm nhìn tới năm 2025 đưa BSC trở thành CTCK thuộc Top 1 thị phần môi giới trái phiếu, Top 5 thị phần môi giới cổ phiếu, xây dựng uy tín trên thị trường và trở thành "người bạn" tin cậy của Khách hàng.

Cũng trong ngày 27/09/2022, BSC đồng thời thực hiện công bố báo cáo về kết quả đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, theo đó đối tác Công ty TNHH Chứng khoán Hana (Hana Securities Hàn Quốc) đã chính thực hiện thanh toán 100% Giá trị đặt mua theo thỏa thuận đặt mua cổ phần đã ký với Công ty Chứng khoán BIDV để trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 35% Vốn điều lệ sau đợt chào bán (tổng giá trị đặt mua gần 2.700 tỷ đồng cho 65,730,042 cổ phần, tương đương mức giá 41.000 đồng/cổ phần). Thông tin chi tiết

Cùng chuyên mục

Đọc thêm