Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm đầu tư “Dòng tiền” mới đây được tổ chức bởi Manulife Investment Management (Việt Nam). Tọa đàm nhằm mục tiêu cung cấp cho khách hàng những thông tin cập nhật nhất về kinh tế và thị trường từ góc nhìn của các chuyên gia hàng đầu.
Qua đó, khách hàng sẽ có cái nhìn tổng quát về tiềm năng và các cơ hội đầu tư, đặc biệt, tiếp cận thông tin rõ ràng hơn về kênh đầu tư quỹ mở – phương thức đầu tư vừa tận dụng được lợi thế từ các tập đoàn tài chính để đầu tư chuyên nghiệp, và giúp tài sản có cơ hội tăng trưởng nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của kinh tế.
Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho biết kể từ đầu năm tới nay, kinh tế thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực, từ ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Tuy chịu ảnh hưởng từ áp lực giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng giá, cùng tình hình lạm phát gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng GDP đạt 6,4% nửa đầu năm.
Lạm phát nhích lên 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7 năm 2022, chủ yếu do chi phí vận tải cao hơn. Dù vậy, con số này vẫn nằm dưới ngưỡng mục tiêu 4% của Chính phủ, và thấp hơn đáng kể so với khu vực và thế giới.
Ông Lực đánh giá dưới tác động của các yếu tố trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận nhiều biến động, nhưng cho đến nay, vẫn là điểm sáng.
Dữ liệu cho thấy lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hiện tại của VN-Index khoảng 15,4%, nằm trong số các thị trường có tỷ suất sinh lợi cao nhất. Với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu (EPS) dự kiến là 19% cho năm 2022, tỷ suất sinh lợi kép dự kiến cho giai đoạn 2020 – 2022 của VN-Index sẽ đạt khoảng 17,4%, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua cơn bão đại dịch rất tốt so với các nước cùng khu vực.
Cùng với chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) kỳ vọng ở mức 12,4, thị trường Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn so với các thị trường ngang hàng.
Nhận định về môi trường đầu tư trong thời gian tới dưới tác động của lãi suất tăng, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đầu tư cấp cao, Chứng khoán thu nhập cố định, Manulife Investment Management (Việt Nam), cho rằng về tổng thể, môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường, và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.
Nguyên nhân là bởi khi lãi suất tăng lên, chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào những kênh rủi ro có thể làm giảm dòng tiền đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên và làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Hải lưu ý rằng “thời gian đầu tư trong thị trường quan trọng hơn việc cố gắng lựa chọn thời điểm tốt nhất để tham gia thị trường”, phản ánh rằng giá trị không được sinh ra từ những hoạt động giao dịch.
Nếu nhìn vào sự gia tăng tài sản của các chủ doanh nghiệp, sẽ thấy những người chủ doanh nghiệp tích lũy được tài sản lớn thường là những người ít giao dịch và chỉ tập trung vào việc phát triển kinh doanh để mang lại giá trị lâu dài.
“Tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều có thể rút ra được bài học cho riêng mình từ bài học thành công của lớp doanh nhân tiên phong đang tạo dựng giá trị không chỉ cho bản thân họ mà cho cả quốc gia, dân tộc”, ông chia sẻ.
Bà Nguyễn Lê Diễm Hằng, Giám đốc Phân phối & Phát triển sản phẩm Manulife Investment Management (Việt Nam), lưu ý rằng các nhà đầu tư cần lựa chọn các kênh được nhà nước cho phép, thực hiện theo luật, và cần tìm hiểu kỹ về cả rủi ro lẫn lợi ích.
Theo đánh giá, tiềm năng của quỹ mở tại Việt Nam là vô cùng lớn, và hình thức này sẽ ngày càng trở nên phổ biến khi thu nhập của người dân ngày càng cao hơn, nhu cầu đầu tư và tích lũy tài sản từ đó cũng sẽ bùng nổ.
“Lựa chọn Quỹ mở Manulife để đầu tư phục vụ mục đích hưu trí là lựa chọn tối ưu về: linh hoạt về số tiền, chi phí hợp lý, và tận hưởng được sự tăng trưởng về tài sản trong thời gian dài”, bà Hằng phân tích.
Tại quỹ mở Manulife, lợi thế đầu tiên và rất quan trọng là tính pháp lý và minh bạch, là sản phẩm được pháp luật bảo vệ.
Lợi thế thứ hai rất quan trọng đó là sức mạnh của ủy thác đầu tư và uy tín của đơn vị nhận ủy thác. Quỹ Mở Manulife được quản lý bởi Công ty TNHH Quản Lý Quỹ Manulife Investment Management (Việt Nam) là phân nhánh của Tập đoàn tài chính Manulife xuất phát từ Canada với lịch sử hoạt động hơn 130 năm trên toàn thế giới.
Trong suốt hơn 130 năm hoạt động, Tập đoàn tài chính Manulife đã chứng kiến rất nhiều sự phát triển của nhiều nền kinh tế, và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí qua hai cuộc chiến tranh thế giới, và Tập đoàn vẫn lớn mạnh, vững vàng và mang lại giá trị bền vững cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, lợi thế của quỹ mở Manulife còn đến từ việc “đứng trên vai người khổng lồ”. Khi đầu tư vào Quỹ Mở Manulife, các nhà đầu tư cá nhân tận dụng được kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của đội ngũ hơn 600 chuyên gia trên toàn thế giới làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp.
Là một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, Manulife có Quy trình đầu tư, hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ sẽ tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, mang lại tỷ suất sinh lời tốt cho nhà đầu tư trong trung và dài hạn, bà Hằng cho biết thêm.