Theo Bloomberg, theo kế hoạch, Apple đề nghị các đối tác tăng cường sản xuất thêm 5 triệu iPhone 14 cho giai đoạn cuối năm 2022. Tuy nhiên, hiện công ty yêu cầu duy trì sản lượng 90 triệu máy, tương đương loạt iPhone 13 cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định, nhu cầu đối với iPhone 14 không cao như mong đợi là nguyên nhân chính khiến Apple từ bỏ mục tiêu sản xuất thêm iPhone để đáp ứng thị trường.
Bên cạnh cắt giảm sản lượng, hãng cũng được cho là đã yêu cầu đối tác chuyển bớt dây chuyền sản xuất iPhone 14 sang hai phiên bản Pro do người tiêu dùng thích dòng cao cấp hơn. Trước đó, một số thống kê cho thấy iPhone 14 và 14 Plus không nhận được nhiều sự quan tâm như kỳ vọng.
Apple từ chối bình luận.
Nhà phân tích Anurag Rana của Bloomberg Intelligence nói "không ngạc nhiên" trước báo cáo, đồng thời tin "nhu cầu yếu từ hai thị trường châu Âu và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone 14 năm nay và tổng thể trong năm tài chính 2023".
Tuy nhiên, nhà phân tích Ming-chi Kuo lại cho rằng thông tin bộ bốn iPhone 14 bị giảm sản lượng có thể chưa chính xác. Theo ông, Apple có thể đã điều chỉnh dây chuyền sản xuất giữa các phiên bản iPhone 14 tiêu chuẩn và Pro, nhưng sản lượng tổng thể không thay đổi.
"Lô hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max được dự báo tăng 10%, bù đắp cho việc giảm đơn đặt hàng tiềm năng của iPhone 14 và 14 Plus. Nhu cầu với hai phiên bản cấp thấp này hiện rất mờ nhạt", ông viết trên Twitter ngay sao báo cáo của Bloomberg.
Hiện sức mua iPhone 14 tại một số thị trường lớn có dấu hiệu đi xuống so với iPhone 13 năm ngoái. Người tiêu dùng Trung Quốc, thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đang thắt chặt chi tiêu và điều này cũng ảnh hưởng đến doanh số iPhone. Lượng mua iPhone 14 series ba ngày đầu tại Trung Quốc giảm 11% so với iPhone 13 năm ngoái.
Nhu cầu toàn cầu về thiết bị điện tử cá nhân cũng đang bị kìm hãm do lo ngại lạm phát, suy thoái và tình hình chiến sự. Theo IDC, thị trường smartphone năm nay dự kiến giảm 6,5% xuống còn 1,27 tỷ điện thoại được xuất xưởng.