Thời sự

Chủ tọa phiên toà xét xử cha con ông Trần Quí Thanh: Bị hại cũng có lỗi

Sáng nay (24/4), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM xét xử vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với ông Trần Quí Thanh (SN 1953) cùng hai con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981) và Trần Ngọc Bích (SN 1984), bước sang ngày xét xử thứ hai. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục với phần xét hỏi. Tòa cũng dự kiến để đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Chủ tọa phiên toà xét xử cha con ông Trần Quí Thanh: Bị hại cũng có lỗi- Ảnh 1.

Hội đồng xét xử. Ảnh: Tân Châu.

Tại phần xét hỏi chiều ngày 23/4, chủ tọa công bố đơn của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và phát triển Kim Oanh Đồng Nai) gửi đến tòa (bà Oanh xin xét xử vắng mặt).

Theo đơn, bà Oanh cho biết có vay của ông Thanh 500 tỷ đồng. Đến ngày 12/8/2020, bà Oanh đã trả lãi và phạt 185 tỷ đồng và trả nợ gốc 150 tỷ. Do ông Thanh tính lãi và phạt vi phạm vượt quá quy định của pháp luật là 114,3 tỷ đồng, phần lãi suất vượt quá quy định này được đối trừ vào khoản nợ gốc là 350 tỷ đồng.

Đơn của bà Oanh cũng nêu, bà Oanh đề nghị tòa tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trước đó với phía ông Thanh và bà Oanh sẽ trả lại số tiền đã nhận còn thiếu là 235,7 tỷ đồng, bà Oanh nhận lại 2 dự án.

Chủ tọa phiên toà xét xử cha con ông Trần Quí Thanh: Bị hại cũng có lỗi- Ảnh 2.

Ông Trần Quí Thanh và bà Trần Uyên Phương tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu

Sau khi công bố đơn của bà Oanh, HĐXX hỏi ý kiến ông Thanh về yêu cầu của bà Oanh. Trả lời HĐXX, ông Thanh đề nghị tòa án tách ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự.

Về bị hại Nguyễn Văn Chung , theo hồ sơ vụ án, ông Chung vay 35 tỷ đồng bằng việc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng có công chứng cho Trần Uyên Phương 29 thửa đất tại phường An Lạc, quận Bình Tân, với lãi suất 3%/tháng. Khi ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để nhận lại 29 thửa đất, thì phía ông Thanh yêu cầu phải trả thêm 14 tỷ đồng…

Khi được HĐXX hỏi vì sao không thế chấp tài sản mà lại đi chuyển nhượng, ông Chung cho biết, do tin tưởng ông Thanh là người uy tín. Chủ tọa nói thêm rằng, nếu không có các giao dịch chuyển tiền mà giao dịch bằng tiền mặt thì cơ quan tố tụng cũng không có căn cứ xử lý các bị cáo, cũng như căn cứ để bảo vệ quyền lợi của bị hại. Trong vụ này, cơ quan điều tra phải rất công phu mới tìm ra các chứng cứ.

“Các bị hại đã chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, có rất nhiều các giao dịch tương tự như vậy và bị hại cũng có một phần lỗi” - Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nói.

Tại phiên tòa, sau ngày đầu tiên, 4 bị hại (trong 4 vụ việc mà cha con ông Thanh đang bị cáo buộc có hành vi sai phạm) đã cùng nêu ý kiến với HĐXX. Bà Oanh đề nghị hủy các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và sẽ trả lại số tiền đã nhận và mong nhận lại 2 dự án. Ba bị hại còn lại đề nghị hủy các giao dịch đã ký với ông Thanh, đồng ý trả lại số tiền đã nhận và xin được nhận lại giấy tờ các thửa đất hiện do phía ông Thanh nắm giữ.

Tại phiên tòa này, cha con ông Thanh đang bị xét xử hành vi chiếm đoạt của các bị hại 1.048 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm