Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và trải qua hàng chục thế kỷ, ngày nay Phật giáo vẫn chiếm vị trí nhất định trong đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt trong giới doanh nhân, một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, ngày càng nhiều người tìm đến với Phật giáo không chỉ để cân bằng cuộc sống cá nhân, mà còn chắt lọc những giá trị tốt đẹp ứng dụng vào hoạt động kinh doanh của mình.
Trong một lần trả lời phỏng vấn về dự án D’. Palais de Louis, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông trùm địa ốc đứng sau nhiều tòa nhà bề thế và sang trọng từng chia sẻ quan điểm cho rằng: siêu sang, sang trọng ở đây phải được hiểu là cảm xúc con người được nhận, được mọi người tôn trọng, vinh danh. Ông Dũng cho biết tập đoàn của mình không xây dựng một tòa cung điện vô hồn. Mỗi phiến đá, bức tượng đều có ý nghĩa giá trị.
“Tôi theo đạo Phật và tôi hiểu rằng, Phật coi chúng sinh không có nghĩa chỉ có động vật và con người, mà cây cỏ hay phiến đá cũng được coi là chúng sinh và có đời sống riêng. Người nào hiểu được điều này sẽ thấy rằng, cái ghế, cái bàn, cốc nước có giá trị và đời sống riêng. Vì thế, sự sang trọng, cảm xúc sang trọng ở đây bao gồm cả yếu tố tinh thần, thậm chí yếu tố tinh thần còn nhiều hơn vật chất”, chủ tịch Tân Hoàng Minh chia sẻ.
Câu trả lời này tiết lộ sở thích cá nhân của của ông Dũng là hướng về đạo Phật. Đây cũng là điểm chung với khá nhiều doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ cách đây vài năm, khi được hỏi có phải là người khá duy tâm hay không, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng tiết lộ mình tin vào đạo Phật.
“Tôi rất tin vào Đức Phật, tôi tin vào Phật pháp nói chung và mình không theo hình thức. Tôi không đi cúng nhiều, không lễ nhiều, không mê tín nhưng tâm mình luôn luôn hướng đến câu chuyện thiện”, ông Vượng tiết lộ.
Chủ tịch Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng cũng là một Phật tử nổi tiếng trong giới doanh nhân. Ông Hùng từng chia sẻ sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. "Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử", ông khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức. Thái Hà Books được biết đến là nhà xuất bản có mảng riêng chuyên về sách Phật giáo. Ông nghiên cứu về Phật giáo từ khi còn là sinh viên và bắt đầu tu tập ở độ tuổi 30.
"Bản thân tớ, ngày xưa, tớ có nhiều bệnh tật lắm, thậm chí vài lần chết hụt rồi. Năm 2000 ở Sydney (Úc), bác sĩ đã khám kết luận tôi bị tiểu đường, mỡ máu, men gan và chỉ định bắt buộc phải uống thuốc. Nhưng thực tế, nhờ thiền mà bao năm nay chẳng thuốc men gì, tớ vẫn khỏe re. Thêm nữa, thiền cho ra rất nhiều ý tưởng. Ngày xưa, cứ tọa thiền là tớ mang theo sổ và bút. Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tớ mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn", ông Hùng chia sẻ về cơ duyên đến với Thiền định của mình.
Một nhân vật khác có tiếng trong giới đầu tư - Chủ tịch CTCP Chứng khoán VnDirect Phạm Minh Hương cũng là một Phật tử. Khoảng năm 2011, bà Hương có ‘cơ duyên’ biết đến ăn chay dưỡng sinh khi được mời ăn bữa cơm trong lần đi học một khóa Thiền.
Vị nữ doanh nhân này từng chia sẻ bà sinh ra và lớn lên ở thời kỳ mà trong lý lịch ghi là không tôn giáo nên đối với bà, đạo Phật là những hình ảnh những người đi vào chùa là chốn tránh hiện tại và có cái gì đó rất là mê tín dị đoan. Bà đã đi tìm rất nhiều sách để đọc nhưng quá nhiều từ Hán-Việt nên không hiểu. Khi nhờ vào nghe bài pháp thoại của Thượng tọa Thích Nhật Từ, khi đó bà đã không thể tưởng tượng được là tại sao có kiến thức tuyệt vời như vậy mà mình không biết, trong khi có lúc bà cho là mình rất giỏi, cái gì cũng biết.
Khi mới bước vào đạo Phật, bà Hương tự nhận mình đã hiểu rất sai về đạo Phật là đi tu, có nghĩa là phải buông bỏ hết để cho ngũ căn của mình không phải tiếp xúc với cái gì cả thì mới có thể tu được. Bà Minh Hương đã thay đổi rất nhiều sau khi theo và hiểu đạo Phật để trở thành một con người bình tâm trước mọi vấn đề. Bà vẫn làm việc nhiều như ngày trước, không có gì khác cả, nhưng công việc hiệu quả hơn, bình an hơn.
Hay như nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết mỗi ngày bà đều thức dậy từ 5h sáng và thắp hương trên bàn thờ Phật. “Sáng 5h thức dậy, đọc tài liệu, thắp hương trên bàn thờ Phật cho nhẹ nhõm rồi lên xe đưa con đến trường và đến công ty. Trên xe tiếp tục xử lý công việc. Ở công ty rất bận rộn với công việc, tôi phải cố gắng nhưng không phải hôm nào cũng về nhà kịp ăn tối cùng gia đình lúc 19h30. 20h chào để con đi ngủ, sau đó trò chuyện với bố mẹ, rồi tiếp tục làm việc mà nhân viên hay nói là "bài tập về nhà", TGĐ Vietjet Air chia sẻ về một ngày bình thường của mình.
Shark Đỗ Thị Kim LIên cũng chia sẻ trên trang cá nhân cho biết mình là người theo đạo Phật. Khi lý giải việc tham gia đầu tư vào startup thực phẩm chay Vmeat, shark Liên cho biết: "Là người học Phật, tôi không thích các loại thực phẩm chay giả mặn, đó là lý do tôi hầu như không dành quá nhiều sự quan tâm cho startup Vmeat khi biết các bạn sẽ tham gia gọi vốn tại Shark Tank.
Vậy mà cuối cùng, như mọi người cũng đã biết, tôi và Shark Louis đã trở thành nhà đầu tư cho startup này trong tập 7 vừa phát sóng. Thật mâu thuẫn làm sao nhưng mâu thuẫn của tôi có cái lý của nó".
"Ở khía cạnh tôn giáo, vào khoảnh khắc lắng nghe các bạn thuyết trình, tôi chợt nghĩ, nếu tôi học Phật mà vẫn khư khư tâm lý bài xích bữa chay giả mặn, nặng lòng nghĩ đó là chuyện sai trái thì bản thân tôi có lẽ chưa bao giờ thật sự thành công trong việc tu tâm. Tu tâm là giữ cho tâm thanh tịnh, mặc kệ trước mặt có là gì, phải không cả nhà?”, shark Liên chia sẻ quan điểm.
Vì sao các doanh nhân lớn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Đỗ Anh Dũng,... đều hướng tới đạo Phật? Theo chiêm nghiệm từ Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt (Shark Việt), Đạo Phật giúp ông 99% trong công việc và cuộc sống.
“Trước khi đến với đạo Phật tôi là một người hoàn toàn khác, rất hiếu thắng. Chính tôi cũng không hiểu mình ngày ấy sao lại buồn cười đến thế. Sau khi tôi biết đến đạo Phật, tôi mới thấy mình thay đổi hoàn toàn.
Đạo Phật có những giá trị về văn hóa, tinh thần, ứng dụng được trong cuộc sống, công việc và bất kể mọi thứ đều hữu dụng. Nếu mọi người hiểu sâu về đạo Phật thì làm gì cũng tốt. Làm chính trị, kinh doanh, vị trí nào trong xã hội cũng tốt. Kể cả người dọn vệ sinh cho đến những người làm việc mà xã hội coi là vất vả nhất, khó khăn nhất, nếu biết đến rất có lợi ích”, shark Việt cho biết.
Theo shark Việt, Đạo Phật là chánh tín chứ không phải mê tín, là khuyến tấn mọi người thực hiện cái đúng. Thứ hai, đạo Phật là khoa học chứ không phải phi khoa học. Tôn giáo nào cũng tốt, nhưng đạo Phật nhấn mạnh tự giác. Mỗi người phải tự giác chứ không phải đợi người khác nhắc nhở.