Nghiên cứu mới cho thấy rằng đi vào giấc ngủ trong khoảng từ 22h tới 23h có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu cách đây gần hai tháng, nghiên cứu này đã sử dụng dữ liệu từ hơn 88.000 người tham gia vào nghiên cứu Biobank của Vương quốc Anh - một cuộc điều tra dài hạn về tác động của các yếu tố môi trường và di truyền đối với sự phát triển của bệnh tật.
Những người tham gia nghiên cứu đeo thiết bị trên cổ tay của họ để thu thập dữ liệu, và nghiên cứu cho thấy rằng việc đi ngủ trước 10 giờ tối và sau 11 giờ đêm có mối liên hệ tới nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn. Các tác giả của nghiên cứu, những người làm việc cho Huma - công ty công nghệ sức khỏe tại Anh cho biết khoảng thời gian đó "có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp nhất".
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc đi ngủ và nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao hơn ở phụ nữ.
Các tác giả cũng trích dẫn một nghiên cứu khác được công bố vào hồi tháng 3 và được dựa trên bảng câu hỏi về thói quen ngủ, theo đó, nghiên cứu cho thấy rằng việc trì hoãn thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy có liên quan đến nguy cơ suy tim sung huyết cao hơn.
Các tác giả của nghiên cứu nói rằng có rất ít nghiên cứu tập trung vào việc điều tra mối quan hệ giữa các thông số giấc ngủ và nguy cơ bệnh tim, đặc biệt là khi so sánh với nghiên cứu được thực hiện về mối liên hệ với thời gian ngủ.
Trên thực tế, ngủ không đủ giấc có liên quan đến các tình trạng như tăng huyết áp, béo phì và tiểu đường.
Nghiên cứu từ Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine) cũng cho thấy những người ngủ từ bảy đến tám giờ mỗi đêm sẽ năng động và có tinh thần tỉnh táo cao hơn những người chỉ ngủ sáu giờ. Trong khi đó, một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm (Journal of Experimental Psychology) cho thấy rằng chỉ mất hai giờ ngủ mỗi đêm thôi cũng có thể khiến ai đó trở nên dễ nổi giận, nóng nảy hơn.
Theo CNBC