Nêu những khó khăn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sáng 14/3, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ ra ba vấn đề hầu hết các doanh nghiệp gặp phải.
Vấn đề đầu tiên là chi phí lãi vay, ông cho hay nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của PVN sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ/năm. Vì vậy, đối với Petro Việt Nam, cơ cấu về tài sản và cơ cấu nợ, đặc biệt là tín dụng trong các dự án đầu tư của Petro Việt Nam là rất quan trọng.
Với dự án đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo việc tái cấu trúc lại vốn vay của các tổ chức tín dụng, từ các ngân hàng trên thế giới. Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay này bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.
Theo kế hoạch 2021 - 2025, Petro Việt Nam có kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ đồng từ tín dụng để cho đầu tư phát triển và với ảnh hưởng độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN như vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Chi phí lãi vay cũng là vấn đề mà Tập đoàn Hóa chất nêu. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường, tập đoàn đang có số dư nợ tại các ngân hàng khoảng 15.000 tỷ đồng.
Riêng đối với ba đơn vị yếu kém thuộc một dự án yếu kém của ngành công thương gồm: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai, trong quá trình cơ cấu lại các đơn vị này, khối ngân hàng thương mại đã có sự giúp đỡ rất nhiều trong việc bảo đảm vốn và dòng tiền.
Đây là ba đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm, dẫn đến tình trạng rất khó để thoả mãn các yêu cầu về tín dụng để được cấp vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng đã tham gia vào việc hỗ trợ rất nhiều để cho ba đơn vị này hoạt động ổn định, duy trì được dòng tiền.
Đặc biệt là nhờ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thì Ngân hàng VDB cũng đã tái cơ cấu lại các khoản vay của 3 đơn vị này, từ việc hạ lãi suất vay từ 11% về 8,55% tại VDB, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ thêm và xóa lãi phạt trên lãi chậm trả, nhờ đó 3 đơn vị này 3 năm liền đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi.
Một vấn đề khác là về tỷ giá, theo PVN, hiện dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này làlà 38.000 tỷ, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, do đó biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt trong việc quản trị rủi ro theo biến động của tỷ giá.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.
Cuối cùng là về chính sách cho vay, các dự án đầu tư của Petro Việt Nam có quy mô rất lớn, khối lượng vay rất lớn như dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỷ USD… do đó, nếu chúng ta có chính sách cho vay và hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong nước, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn như hiện nay thì năng lực của chúng ta cải thiện rất nhiều so với trước đây.
Vì vậy, Chủ tịch PVN đề nghị Chính phủ và NHNN có chính sách hỗ trợ các ngân hàng này, đặc biệt xem xét áp dụng cho từng trường hợp, đặc biệt là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay đối với từng đơn vị, hoặc cho toàn tổ hợp thì có thể hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng này và các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.
Chính sách đó sẽ giúp cho các chủ đầu tư như Petro Việt Nam và các ngân hàng trong nước kiểm soát được chi phí sử dụng vốn bình quân của dự án đầu tư khi có các biến động.
"Việc đàm phán tái cơ cấu tài chính của các dự án vay vốn nước ngoài rất khó khăn. Nếu các tổ chức tín dụng trong nước có quan hệ, không chỉ thông qua các dự án đầu tư mà còn qua các hoạt động sản xuất kinh doanh thì có thể trao đổi đàm phán, giúp đỡ nhau điều chỉnh lại chỉ số trong thời điểm khó khăn; điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có định hướng lâu dài", ông Hùng nói.
PVN cho rằng với chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy các chỉ tiêu, bao gồm cả sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Petro Việt Nam.
Thời gian tới, PVN mong muốn NHNN sẽ tiếp tục có chính sách tiền tệ, tín dụng ổn định như thời gian qua để hỗ trợ, phát triển đầu tư với mục tiêu tăng trưởng từ 6 - 6,5 %/năm như Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo.