Tài chính

Trung Quốc sẽ lao đao vì làn sóng sôi sục toàn cầu, mất 5% GDP, Mỹ có "thoát"?

Một nghiên cứu mới cho thấy các đợt nắng nóng toàn cầu thường xuyên và nghiêm trọng hơn sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai trên toàn thế giới.

Theo nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện nghiên cứu, điều này dự kiến sẽ gây ra hiệu ứng domino gây tổn thất ở các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc - nơi có thể chứng kiến mức giảm GDP lên tới 5% chỉ sau hơn 25 năm nữa, SCMP đưa tin ngày 14/3.

"Trung Quốc có thể mất 3 đến 5% GDP vào năm 2050 khi nhiệt độ tăng từ 4 đến 7 độ C" - Ông Guan Dabo, Giáo sư kinh tế về biến đổi khí hậu tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), tác giả chính của ngiên cứu cảnh báo.

TÁC ĐỘNG DÂY CHUYỀN CỦA NÓNG LÊN TOÀN CẦU

Theo Giáo sư Guan Dabo, nóng lên toàn cầu có tác động dây chuyền lên nhiều nền kinh tế khác nhau. Cụ thể:

Các quốc gia vùng ôn đới

Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả các nước ôn đới vốn hiếm khi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi stress nhiệt cũng sẽ không tránh khỏi kịch bản tương tự. 

Những nước này có thể phải đối mặt với những tác động dây chuyền khi nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở các quốc gia cung cấp, gây rủi ro cho an ninh lương thực, năng lượng và cung cấp sản phẩm khoáng sản trên quy mô toàn cầu.

Trung Quốc sắp bị làn sóng

Ảnh: SCMP

Tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng được dự báo sẽ tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu. Con người khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao có thể gây kiệt sức vì nóng và say nắng, thậm chí dẫn đến tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

"Đến năm 2060, thiệt hại kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ dao động từ 0,6 đến 4,6%", nhóm các nhà khoa học và kinh tế về khí hậu cho biết trong phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/3/2024.

Các quốc gia đang phát triển

Cũng theo các nhà nghiên cứu từ các trường đại học ở Anh, Canada, Trung Quốc và Mỹ, các quốc gia đang phát triển phải chịu thiệt hại nặng nề do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tác động này bao gồm tổn thất sức khỏe cao hơn ở Nam-Trung Phi, cao hơn từ 2 đến 4 lần so với mức trung bình toàn cầu và cao hơn tới 3,3 lần về tổn thất năng suất lao động ở Tây Phi và Đông Nam Á.

Bài báo cho biết: "Các hiệu ứng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ lan rộng hơn nhiều, với các quốc gia tập trung vào sản xuất như Trung Quốc và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".

Trung Quốc sắp bị làn sóng

Ảnh minh họa.

Giáo sư Guan Dabo cho biết tác động lan tỏa của sóng nhiệt đối với người lao động và cây trồng sẽ lan rộng qua chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Ở Trung Quốc, nắng nóng cường độ mạnh sẽ gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế vào năm 2050. Sự thiệt hại này một phần do năng suất lao động giảm ở Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là ở các nền kinh tế nhỏ hơn" - Giáo sư Guan Dabo nhận định.

Ông giải thích rằng, những nước này sẽ bao gồm các đối tác thương mại thân thiết của Trung Quốc, chẳng hạn như ở Châu Phi, nơi không được trang bị đầy đủ để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các lĩnh vực như xây dựng, khai thác mỏ và nông nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt và có rất ít biện pháp đối phó. Khi nhập khẩu nguyên liệu thô cho các lĩnh vực này giảm, các ngành công nghiệp tương ứng ở Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tổn thất dây chuyền.

Các nền kinh tế lớn của phương Tây

Điều tương tự cũng xảy ra với các nền kinh tế lớn của phương Tây có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng thế giới. Đối với Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới có thể thấy giá nhập khẩu tăng vọt nếu đợt nắng nóng gây thiệt hại cho mùa màng ở châu Mỹ và cắt giảm nguồn cung. Điều này tiếp tục có tác động dây chuyền tới người tiêu dùng Trung Quốc.

Tác giả chính của nghiên cứu kêu gọi các chính phủ nhanh chóng đang đặt ra các mục tiêu giảm lượng carbon và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trung Quốc sắp bị làn sóng

Một đám cháy rừng bùng cháy trong điều kiện nắng nóng mùa xuân ở Tây Úc vào tháng 11/2023. Tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng được dự báo sẽ tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu. Ảnh: DFES/AP

Thế giới vừa trải qua tháng 1/2024 nóng kỷ lục khi biến đổi khí hậu tiếp tục đẩy nhiệt độ tăng cao. Các nhà khoa học Mỹ cho biết, năm 2024 có khoảng 30% khả năng sẽ nóng hơn năm 2023; và 99% khả năng là một trong 5 năm nóng nhất từ trước đến nay.

Chứng kiến những kỷ lục nắng nóng liên tục bị phá vỡ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên tiếng cảnh báo: "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc. Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến", UN thông tin.

"Ngay cả khi chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, thế giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng trong những thập kỷ tới. Xây dựng một mạng lưới thương mại quốc tế linh hoạt cũng quan trọng như việc giảm lượng khí thải" - Bài báo kết luận.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học về tác động kinh tế xã hội có thể xảy ra do stress nhiệt vào giữa thế kỷ này đã tính đến các mô hình khí hậu, dịch tễ học và thương mại toàn cầu.

Tham khảo: SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm