Nội dung này được lãnh đạo các doanh nghiệp nhắc tới trong hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 14/3.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023. Tuy nhiên, lãi thả nổi với các khoản vay cũ vẫn cao. Chênh lệch lãi vay giữa các ngân hàng (thương mại cổ phần và nhà nước) khá lớn, 4-5%.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sungroup nói các doanh nghiệp bất động sản muốn tiếp cận được nguồn tín dụng với chi phí thấp hơn.
"Doanh nghiệp muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi", ông Trường nói.
Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cho rằng việc tiếp cận tín dụng không khó nếu doanh nghiệp đảm bảo được các vấn đề pháp lý. Đây mới là nút thắt lớn hiện nay.
"Với Becamex, chúng tôi cho rằng vướng mắc là do cơ chế, về vấn đề giải quyết công việc", ông Cương nói.
Ngành bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Đầu năm nay, thanh khoản vẫn là vấn đề, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.
Không riêng bất động sản, lãi vay, tiếp cận vốn cũng là bài toán thách thức với nhóm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ ngành hàng không đang từng bước phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Tuy nhiên, lãi suất vay vẫn cao, khó tiếp cận vốn đang là vấn đề với doanh nghiệp này.
"Vietnam Airlines rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất vay trung và dài hạn", ông Hòa nói.
Tương tự, ngành dệt may, sợi cũng gặp vướng trong giải ngân vốn vay ngân hàng. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đặc thù ngành dệt may không khó tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng, vì bản chất có đơn hàng thì có lời, nhưng sản xuất nguyên liệu, nhất là sợi, lại khác.
Chủ tịch Vinatex phân tích, ngành sợi thế giới đang lỗ, không riêng ở Việt Nam. Năm 2022, tiếp cận vốn dễ dàng, năm 2023 khó hơn. Nhưng từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, hạn mức tín dụng với các doanh nghiệp ngành sợi rất khó khăn. Hiện, các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024.
"Năm trước, ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo các khoản vay khoảng 20%, năm nay là 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9", Chủ tịch Vinatex chia sẻ.
Ngoài lãi suất, các chính sách khác hỗ trợ ngành này cũng thấp hơn các nước khác trong khu vực. Ưu đãi về giá điện, chi phí logistics hay nhân công thấp hơn Trung Quốc hay Bangladesh.
"Nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định.
Thực tế, lượng tiền gửi trong ngân hàng khoảng 14 triệu tỷ đồng, nhưng vốn khó bơm ra nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng âm 0,72% đến hết tháng 2.
Đại diện Sungroup đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là lãi suất huy động và cho vay.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công, nhất là hạ tầng cũng được đề nghị đẩy nhanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn và uy tín tham gia.
Doanh nghiệp nhóm đầu ngành bất động sản cũng đề nghị các cấp, ngành hướng dẫn, giải thích chính sách nhất quán, đồng bộ để triển khai thực tế nhanh nhất.
"Các ngân hàng có chính sách, gói tín dụng mới để doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối vốn tín dụng tốt nhất", Phó tổng giám đốc Becamex kiến nghị.