Đại hội bất thường của Xây dựng Hoà Bình (HBC) đã thống nhất phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ với nhà cung cấp và thầu phụ. Đây là phương án mang tính “sống còn” giúp HBC đi qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, kế hoạch lợi nhuận 2023 HBC cho biết khó đạt được do thương vụ bán Công ty Matec bất thành, bởi đối tác không xoay xở được nguồn tài chính.
Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 220 triệu cổ phiếu với giá chào bán do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Số tiền huy động khoảng 2.640 tỷ đồng, Công ty sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ.
Ngoài ra, Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ với giá 12.000 đồng/cp, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và dự kiến triển khai trong năm 2023 - 2024. Trong đó, tỷ lệ 1,2:1, tương ứng cứ mỗi 12.000 đồng nợ sẽ được hoán đổi thành 1 cổ phiếu. Các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của Công ty. Công ty chia làm 2 đợt phát hành, đợt đầu phát hành hoán đổi nợ giá 12.000 đồng/cp dự kiến giá trị hơn 400 tỷ đồng.
So với thị giá hiện nay chỉ hơn 8.000 đồng/cp, cổ đông đặt câu hỏi giá cổ phiếu thấp tại sao HBC lại phát hành được với giá 12.000 đồng/cp. Liệu HBC có phát hành thành công không?
Trả lời điều này, Chủ tịch là ông Lê Viết Hải phân tích về lý thuyết như sau: Hiện, vốn chủ sở hữu của HBC là 500 tỷ đồng; với tổng số cổ phiếu niêm yết là 249 triệu cổ phiếu, thì tính ra giá trị sổ sách của cổ phiếu HBC chỉ 1.800 đồng/cp.
So với giá cổ phiếu trên sàn (chốt phiên 17/10/2023) là 8.300 đồng/cp, thì đang có chênh lệch là 6.500 đồng/cp. “Tại sao giá sổ sách và thị giá chênh lệch nhau như vậy?” , ông Hải đặt vấn đề.
Giải thích, ông Hải lấy giả định nếu cổ đông đánh giá giá trên sàn là vốn hữu hình của HBC, thì phần chênh lệch là vốn vô hình của HBC. Trong đó, phần chênh lệch hiện nay là 6.000 đồng/cp, đây là vốn vô hình của HBC.
Giá trị sổ sách ghi nhận là vậy, song theo ông Hải thực ra vốn hữu hình của HBC nếu định giá theo giá trị thật hiện nay thì không phải 1.800 đồng/cp, và vốn chủ sở hữu cũng không phải 500 tỷ. Có 3 lý do theo ông Hải:
Thứ nhất, HBC có những tài sản là bất động sản đã mua từ rất lâu. Theo tiêu chuẩn kế toán mới của Việt Nam thì phải ghi nhận theo giá trị thực mua, dù hiện nay giá có thể đã cao hơn 10-20 lần.
Lấy ví dụ, văn phòng HBC ở Số 235 Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.HCM hiện nay, trong sổ sách chỉ ghi nhận 5 tỷ. Nhưng thực tế, đã có lúc có người mua và trả đến 120 tỷ, tức cao hơn đến 24 lần so với giá trị HBC ghi nhận trên sổ sách.
Hay bất động sản trên tại đường Tôn Thất Thuyết, quận 1, Tp.HCM: cách đây hơn 10 năm Công ty mua với giá thấp, bởi khi đó là thị trường tạo đáy. Còn hiện nay, theo đánh giá sơ bộ thì giá trị bất động sản này phải trên 500 tỷ, chênh lệch rất lớn.
Thứ hai, bên cạnh các bất động sản, tài sản khác của HBC còn nằm tại máy móc thiết bị. Hiện, HBC có những máy móc mua 15-20 năm trước đến nay vẫn sử dụng tốt, nhưng sổ sách đã khấu hao hết.
Cuối cùng, khoản phải thu. Cần nhấn mạnh, đối tác của HBC là chủ đầu tư bất động sản thì tài sản lớn nhưng thanh khoản thấp. Nên tực tế khoản phải thu của HBC là thu được. Giá trị trích lập trên sổ sách là vậy, nhưng thực tế HBC sẽ thu được cao hơn nhiều.
Do đó, nếu tính đúng ra thì HBC có vốn 4.500 tỷ đồng, tương đương giá trị số sách hơn 15.000 đồng/cp. Đây là con số theo ông Hải đánh giá là sát với thực tế. Cộng thêm 6.500 đồng vốn vô hình thì giá cổ phiếu HBC phải hơn 21.500 đồng/cp.
“Nếu HBC thực hiện thành công chiến lược phát triển ra nước ngoài, HBC khắc phục được các khó khăn tài chính hiện nay thì giá cổ phếu HBC còn tăng nữa. Đó là điều tôi hoàn toàn tin tưởng. Và cổ đông đồng hành với HBC lâu dài nhất định sẽ có phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, để HBC khắc phục được toàn diện thì chúng tôi phải cần thêm thời gian”, ông Hải nói.