Trở thành triệu phú hay người thành công vốn không dễ dàng. Bạn phải vạch sẵn lộ trình phát triển, tuân thủ kỷ luật, tập trung trong mọi tình huống, đồng thời biết cách kiểm soát cảm xúc để vượt qua căng thẳng, thăng trầm trong "cuộc chiến" hàng ngày.
Chỉ khi hiểu bản thân muốn gì, nên hoặc không nên làm gì, bạn mới có thể chạm đến những mốc son trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Thực tế, người thành công hiếm khi để bản thân phải đối mặt vấn đề nan giải như mơ hồ giữa nhiều lựa chọn, dễ dàng mất phương hướng, quên mục tiêu ban đầu...
Trên CNBC, tác giả Dan Waldschmidt - diễn giả, chiến lược gia trong lĩnh vực kinh doanh từ cộng tác với loạt công ty tỷ USD - cho rằng muốn thành công, mọi người nên từ bỏ 8 điều sau:
Không chịu trách nhiệm hành động của mình
Trong bất cứ lĩnh vực, tình huống nào, bạn phải luôn chuẩn bị tinh thần: những gì mình làm sẽ xảy ra theo hai hướng, tốt hoặc xấu. Dù kết quả ra sao, bạn cần dũng cảm đối diện nó, chấp nhận hậu quả và học cách chịu trách nhiệm, bởi thực tế không thay đổi.
Hãy tin rằng bản thân sẽ nhận kết quả xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Những gì bạn làm đều có thể tạo khác biệt. Làm việc chăm chỉ và nói lời tử tế rất quan trọng. Tương tự, sự trung thực, thẳng thắn, trách nhiệm, công bằng... đều cần thiết. Lối sống là nhân tố quyết định độ giàu có, thành công của mỗi người, do đó, hãy chắc chắn bạn đang làm những điều đúng đắn.
Thể hiện bản thân biết tuốt
Tác giả Dan Waldschmidt khuyên mọi cá nhân học cách lắng nghe, không cắt ngang câu chuyện, lời nói của nhân viên, đối tác, đồng nghiệp hay bất cứ ai. Bên cạnh đó, không đảo mắt, dậm chân hay thái độ khó chịu khi chờ người đang nói dừng lại, bởi hành động ấy thể hiện sự ích kỷ, thiển cận. Có thể bạn sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng khi tỏ ra biết tuốt và kiêu ngạo.
Có một số thứ bạn từng đọc, nghe nói đâu đó hay biết rất rõ, tuy nhiên, cần tôn trọng quan điểm, ý kiến của người khác. Khi bạn ngắt lời, phản bác, thể hiện mình biết tuốt, có thể vô tình hay cố ý khiến người đối diện tổn thương.
"Nếu lắng nghe đủ lâu, bạn sẽ biết một số thông tin thực sự quan trọng có thể giúp bản thân thành công. Hãy chăm chú khoảnh khắc đó", tác giả viết.
Luôn kêu ca, phàn nàn
Không ai thích ở cạnh một người luôn than vãn, phàn nàn. Do đó, hãy ngưng kêu ca, ủ rũ.
Thực tế, suy nghĩ tiêu cực thường có xu hướng lan rộng và đồng nghiệp, người thân, đối tác của bạn rất dễ bị ảnh hưởng. Tệ hơn, nó có thể trở thành vòng lặp bất tận. Điều ấy không tốt cho bạn và người xung quanh, phần nào khiến họ giảm động lực cuộc sống, ít nỗ lực cải thiện bản thân.
Mong đợi cuộc sống công bằng
Ai cũng có thể trải qua tình huống tồi tệ ít nhất một lần trong đời và bạn không phải là người duy nhất. Tuy nhiên, thứ tạo khác biệt là bạn chọn vươn lên, vượt qua cảm giác khổ sở, thất bại đó.
Có một sự thật: rất nhiều điều chúng ta gọi là "không công bằng" ấy lại là kết quả của những quyết định ta đã đưa ra trong quá khứ. Vì vậy, thay vì than vãn "ông trời không công bằng" và ù lỳ, người thành công học cách chấp nhận thực tế, chủ động thay đổi bản thân để dung hòa, trải nghiệm nhiều hơn, rút kinh nghiệm với mong muốn không gặp phải tình huống tương tự một lần nào nữa.
Tự lừa dối bản thân
Tác giả Dan Waldschmidt nhấn mạnh thành công không có nghĩa bạn phải hoàn hảo, tốt đẹp từ đầu đến cuối. Ai cũng có thể mắc lỗi, vấp ngã, chỉ cần thành thật suy ngẫm sai lầm đó, rút kinh nghiệm ở lần sau. Sẽ chẳng ích gì khi tự vuốt ve mình "tốt, đã đạt mục tiêu" hoặc cố phớt lờ, không đề cập sự việc cụ thể bằng cách giả vờ nó không tồn tại. Hành động ấy sẽ ngăn bạn làm những việc có thể giúp bản thân chạm những mốc son.
Những cá nhân trở thành triệu phú không hẳn do họ có ý tưởng tuyệt vời và hoàn thành tốt. Thực tế, thành công thường đến từ từ, khi họ liên tục thực hiện những bước nhỏ, nhích từng chút một. Khi bạn đúng, bạn tiếp tục di chuyển. Khi sai, cần thay đổi hướng đi và tiến lên.
"Sai lầm có thể dẫn bạn tới thành công tương lai", ký giả kết luận.
Đi theo đám đông
Hãy đi con đường riêng và đừng học theo đám đông, nhất là khi bạn hoàn toàn không hiểu định hướng, mục tiêu của họ. Lúc ấy, bạn sẽ rơi vào thế bị động, mơ hồ với lựa chọn của mình và dễ dàng mất phương hướng. Thay vì vậy, hãy tự tạo ra ý tưởng, cống hiến hết mình thực hiện nó.
Đổ lỗi cho người khác
Đây có thể là bài học quan trọng nhất bạn cần tiếp thu. Bạn có thể mắc sai lầm vì cố làm điều gì đó gây chú ý. Bạn có thể tổn thương tập thể hay cá nhân nào đó khi đổ lỗi cho người khác, tạo sự thất vọng, gây nhầm lẫn và hỗn loạn. Cách tốt nhất để khắc phục là chịu trách nhiệm, xin lỗi.
Cần thẳng thắn nói "Tôi xin lỗi" với thái độ chân thành, không nên bào chữa nào hay viện lý do. Khi làm được điều ấy, bạn sẽ giải quyết vấn đề nhanh, chiếm được lòng tin khách hàng và dễ tiếp cận mọi người hơn.
Non nớt
Đừng thể hiện mình non nớt, khóc lóc hay ủ rũ khi gặp trở ngại. Muốn chiến thắng, bạn cần phải cứng rắn, học cách mạnh mẽ, trưởng thành và tự đứng dậy trên đôi chân mình.
(Theo CNBC)