Doanh nghiệp

Chủ tịch HĐQT: OGC sẽ tái khởi động nhiều dự án bất động sản, đang tìm kiếm nguồn vốn trong và ngoài nước

Sáng 29/6 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - Mã: OGC) với sự tham gia của hơn 64% số cổ phần có quyền biểu quyết.

 Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của OGC. (Ảnh: OGC).

Tại buổi họp lãnh đạo OGC đánh giá năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế song giai đoạn khó khăn nhất với doanh nghiệp đã qua.

Trong năm nay và xa hơn, tập đoàn sẽ đẩy mạnh công tác triển khai cấp phép cho các dự án đã có quỹ đất và thủ tục đang ở giai đoạn gần hoàn thiện.

OGC có quỹ đất chưa được khai thác như: Dự án 25 Trần Khánh Dư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn căn hộ với diện tích 5.450 m2; Dự án toà nhà văn phòng hạng A 25 tầng tại số 106 đường 3-2, phường 14, quận 10, TP HCM với diện tích 5.620 m2; Dự án khách sạn StarCity Westlake Hotel số 10 Trấn Vũ, quận Ba Đình, Hà Nội; hay Dự án Khu phức hợp Sài Gòn Airport Plaza,...

Về mặt chiến lược, với sự hay đổi về HĐQT và ban điều hành mới trong năm 2022, bà Lê Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT cho biết ban điều hành mới sẽ quyết tâm khôi phục lại vị thế trước đây doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xác định đây là một hoạt động cốt lõi.

Bà Nga đánh giá hiện OGC không có quá nhiều áp lực với mảng bất động sản khi sở hữu quỹ đất ở vị trí đắc địa và các dự án có nguồn gốc rõ ràng khi đã trải qua một quá trình thẩm định pháp lý nhiều năm qua. Đồng thời, doanh nghiệp hiện không có dư nợ trái phiếu trong khi dư nợ với các đối tác hoặc hợp tác dự án không quá lớn. Do vậy, dù các dự án bị chậm tiến độ nhưng vẫn có khả năng tháo gỡ và xử lý. 

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Một số dự án trọng điểm của tập đoàn trong thời gian tới là dự án ở 25 Trần Khánh Dư, StarCity Westlake số 10 Trấn Vũ, Tổ hợp văn phòng - Trung tâm thương mại Legafashion House tại TP HCM.

Người đứng đầu tập đoàn chia sẻ thêm để phát triển các dự án bất động sản, hiện tập đoàn đang tìm kiếm đối tác về vốn và nợ (ngân hàng, định chế tài chính trong nước và quốc tế),... OGC đang làm việc với các nhà đầu tư trong nước và một số nhà đầu tư quốc tế ở Nhật Bản,...

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tập trung nguồn lực đẩy mạnh hiệu suất kinh doanh mảng khách sạn bằng cách chuyển nhượng các dự án khách sạn StarCity, Sunrise về trực thuộc OGC để quản trị điều hành. Hiện tập đoàn đang sở hữu hai thương hiệu khách sạn 4-5 sao là StarCity và Sunrise với hai khách sạn tại TP Nha Trang.

Bên cạnh đó, chiến lược của tập đoàn là sẽ tìm kiếm và mua thêm các thương hiệu FMCG có lịch sử lâu đời, hiệu quả cao cùng với bánh Givral và Kem Tràng Tiền để xây dựng FMCG thành một ngành kinh doanh cốt lõi.

Chủ tịch OGC nhận định mảng thực phẩm vẫn tiếp tục là một mảng có tỷ suất sinh lời cao và dòng tiền ổn định trong 2023 và các năm tiếp. Song trong thời gian tới mảng bất động sản có thể tạo ra những bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn.

Lợi nhuận quý III sẽ bứt phá nhờ mùa Trung thu

Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.218 tỷ, lãi sau thuế 142 tỷ đồng; tăng lần lượt gần 17% và 141% so với năm 2022. Chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh này chưa tính đến các phương án sắp xếp lại các khoản đầu tư tại các đơn vị thành viên trong tập đoàn.

  Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất.

Cập nhật về tình hình kinh doanh quý II, ông Vũ Xuân Dương - Kế toán trưởng kiêm Người phụ trách quản trị, chia sẻ ở mảng bất động sản, các dự án của công ty vẫn đang ở trong quá trình tái khởi động để triển khai nên chưa ghi nhận lợi nhuận trong nửa đầu năm và dự kiến là cả năm 2023.

Về lĩnh vực khách sạn hiện vẫn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên doanh thu còn hạn chế, cạnh tranh lại gay gắt khiến giá phòng bị giảm rất nhiều. Ông Dương dự kiến mảng này sẽ kỳ vọng nhiều ở khách Trung Quốc - nguồn khách chính sẽ giúp doanh thu tăng trưởng tốt hơn nên nửa đầu năm và năm 2023 vẫn chưa ghi nhận lợi nhuận.

Về mảng sản xuất thực phẩm gồm bánh và kem, trong đó sản phẩm bánh trong mùa Trung thu sẽ đóng góp nhiều lợi nhuận cho OGC nhất và thông thường quý III sẽ là quý có lợi nhuận cao nhất. 

Liên quan tới việc chia cổ tức, năm 2022, công ty có lãi nhưng chưa bù đắp được khoản lỗ luỹ kế của các năm trước. Căn cứ Điều 135 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc chi trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp được lỗ trước đó. Như vậy, công ty vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện chia cổ tức.

Bà Lê Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT nói thêm công ty muốn chia cổ tức thì phải bù đắp hoàn toàn được khoản lỗ luỹ kế hơn 2.700 tỷ đồng - là một bài toán không đơn giản với ban điều hành. Đây là những khoản lỗ kéo dài trong cả quá trình lịch sử của công ty. 

Về dài hạn, Chủ tịch OGC chia sẻ: "Thời gian tới, giá trị cổ phiếu OGC sẽ phản ánh được những tiềm năng của mảng bất động sản và với kế hoạch của ban lãnh đạo thì trong thời gian tới doanh thu và lợi nhuận của công ty sẽ có những bước phát triển mới".

 Diễn biến giá cổ phiếu OGC một năm qua. (Nguồn: TradingView).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm