Để kích cầu tiêu dùng cũng như tránh việc giá hàng hóa "té nước theo mưa" sau khi tăng lương cơ sở từ 1/7, TP HCM đưa ra nhiều giải pháp bình ổn giá. Trong đó, thay vì tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thường niên trong một tháng, nay sẽ tăng lên ba tháng, với mức giảm giá tới 100%.
Thống kê của Sở Công Thương TP HCM cho biết dự kiến có 3.000 doanh nghiệp tham gia, với 7.000 chương trình khuyến mãi.
Theo lãnh đạo Sở này, năm nay chương trình kích cầu hàng hóa kéo dài xuất phát từ tác động của nền kinh tế tăng trưởng thấp. Ngoài ra, mãi lực tiêu dùng yếu, nguyên liệu đầu vào thế giới giảm nên nhiều hàng hóa cũng đang giảm giá mạnh so với cùng kỳ.
Ngoài khuyến mãi hàng hóa thiết yếu, TP HCM lần đầu tổ chức kích cầu đối với hàng hiệu, hàng cao cấp để kích thích tiêu dùng ở phân khúc khách hàng có thu nhập cao trong nước lẫn du khách quốc tế.
Ghi nhận của VnExpress nửa tháng sau khi diễn ra khuyến mãi, cho thấy hoạt động mua bán nhộn nhịp hơn ở các cửa hàng, siêu thị và chợ truyền thống. Mức giá giảm được chia theo nhiều nhóm hàng khác nhau. Rau củ và đồ thời trang giảm mạnh nhất, lên tới 80%. Tiếp đến là gia vị, bánh kẹo và thực phẩm tươi sống giảm 5-50%. Ngoài ra, nhiều sản phẩm mua 1 tặng 1 (tương đương giảm giá 100% với sản phẩm thứ hai) cũng rầm rộ được đưa ra.
Chị Hòa, ở quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết thường xuyên đi siêu thị, nhưng đây là lần đầu giỏ hàng của chị có tới 2/3 đồ khuyến mãi. "Ngoài các sản phẩm giảm giá vài chục phần trăm, tôi còn mua thêm nhiều món hàng có đính kèm quà tặng phù hợp với nhu cầu mà giá không đổi", chị nói.
Tương tự, chị Hoàng Anh ở thành phố Thủ Đức nhận xét nhiều sản phẩm giá giảm thật chứ không phải "kê lên cao rồi hạ xuống". Do đó, hôm nay chị mua sắm rất nhiều, giá trị đơn hàng tăng 30% so với những lần trước.
Tại hệ thống Satra, Go!, Co.opmart, WinCommerce, MM Mega Market, số lượng chương trình khuyến mãi ghi nhận tăng 20-30% so với năm ngoái. Ngoài giảm giá chung, hàng trăm sản phẩm như dầu ăn, bánh kẹo... được các siêu thị khuyến mãi mua 1 tặng 1. Hàng nghìn sản phẩm như trái cây vùng miền, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng tại đây cũng giảm tới 49%.
Quản lý tại hệ thống các siêu thị trên cho biết năm ngoái giá hàng hóa tăng vọt và tỷ lệ khuyến mãi chỉ chiếm 1/3 các nhóm hàng, nay số lượng hàng khuyến mãi chiếm một nửa.
Theo đại diện Central Retail, việc kinh tế suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua ngày càng yếu nên đây là năm siêu thị chi nhiều nhất cho khuyến mãi kể từ trước đại dịch tới nay. Giám đốc Khối Vận hành hoạt động Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng cũng thông tin hệ thống này tăng 15-25% khoản chi cho các chương trình khuyến mãi.
Ngoài ra, tại các khu chợ truyền thống, nhiều đơn vị cũng bắt đầu tham gia kích cầu. Trong đó, 145 tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) từ ngày 20/6 đã đồng loạt giảm giá 5-10% với rau củ quả, quần áo, giày dép, thực phẩm, thậm chí có mặt hàng giảm đến 50%.
Bà Đàm Vân, Phó ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, cho biết do điều kiện kinh tế khó khăn, để tăng sức mua, tiểu thương đã tham gia khuyến mãi dưới nhiều hình thức. Với mặt hàng rau củ, thực phẩm, mỗi quý tiểu thương sẽ khuyến mãi kéo dài 3 ngày, còn quần áo giày dép giảm giá cả tháng.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng đang tích cực đồng hành với chương trình này. Acecook Việt Nam cho biết từ 1/7-30/9, doanh nghiệp giảm giá hai nhóm sản phẩm bán chạy nhất là phở Đệ Nhất, mì Hảo Hảo là 6-11%. Còn Phó tổng giám đốc Vissan - Phan Văn Dũng - cho biết đang giảm đồng loạt 10-20% trên mỗi loại sản phẩm.
Việc giảm giá trên, theo các doanh nghiệp đang giúp sức mua phục hồi trở lại. Ông Nguyễn Ngọc Thắng cho biết sức mua tại các hệ thống Saigon Co.oop hiện tăng khoảng 20-30% so với thông thường. Giá trị hóa đơn trung bình gần đây tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, hóa đơn mua sắm qua website mua hàng trực tuyến của SGC đang có xu hướng tăng nhanh về số lượng và giá trị.
Chương trình khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" là hoạt động thường niên của thành phố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp TP HCM tổ chức chương trình này.