Chiều 23/11, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 – Kích hoạt những cơ hội mới do Báo Đầu tư tổ chức, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group nhận định hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam vẫn có những điểm sáng mặc cho những bất ổn của địa chính trị toàn cầu, điều được ông ví von bằng câu thành ngữ "Trong rủi có may".
Ông Dominic Scriven nói: “Thế giới đã kết thúc 30 năm kỳ nghỉ thư giãn của lịch sử thế giới. Điều này là sao? Nghĩa là trong ba thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, Hiệp định tiền tệ Nhật Bản, việc Trung Quốc tham gia vào thương mại thế giới, sự ổn định chính sách tiền tệ ở Mỹ... Nhưng quãng thời gian nghỉ đã hết".
"Người Việt thường có câu 'Trong rủi có may' và tôi nghĩ nó đúng trong thời gian này", Chủ tịch Dragon Capital nói thêm. Ông Dominic Scriven đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia nhiều vào hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu tác động từ việc Trung Quốc đóng cửa.
Đồng thời, ông cũng nhận định hoạt động đầu tư ở Việt Nam đang có sự thay đổi, đa dạng hơn trong các dạng đầu tư và nhà đầu tư.
"Trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi thấy có hai xu hướng. Đó là doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A với doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tôi thấy giao dịch giữa các doanh nghiệp trong nước là một điểm sáng nhờ sự thấu hiểu trong văn hóa, dẫn tới dễ dàng hơn trong giao dịch. Bên cạnh đó, chi phí cho rủi ro trong các giao dịch mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp Việt sẽ thấp hơn, quá trình sáp nhập cũng đơn giản hơn".
Nhận định về tình trạng nguồn tiền trên thế giới hiện đang khan hiếm, ông Dominic Scriven cho rằng việc chính quyền các nước điều chỉnh lãi suất nhằm giảm áp lực lạm phát đã có ảnh hưởng lớn tới lãi suất, tỷ giá. Đặc biệt là tiền USD mà Dragon Capital vay trên thị trường quốc tế.
"Nói về tiền, năm 2008, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu in tiền để đảm bảo chính sách nới lỏng về số lượng. Tuy nhiên, ngân hàng nhà nước Việt Nam và Trung Quốc không làm điều đó. Đây được xem thế mạnh của thị trường chúng ta".
"Trong thời điểm khó khăn kiếm vốn đầu tư, câu hỏi đặt ra là chúng ta làm sao để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư? Tôi thấy cần tăng cường minh bạch trong doanh nghiệp", ông Dominc Scriven nêu giải pháp.
Theo nhà sáng lập Dragon Capital, khu vực kinh tế Đông Nam Á trong nhiều năm qua khá yên tĩnh nhưng đang có xu hướng trỗi dậy và sắp tới đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới.
"Dân số thế giới vừa đạt 8 tỷ người và tính đến năm 2030 sẽ có 1 tỷ người có độ tuổi trên 65, tức là có sự thay đổi về nhân chủng học, điều này sẽ mở ra những cơ hội khác", ông Dominic Scriven nói. Với lượng dân cư tăng lên kéo theo nhiều sự thay đổi, người đứng đầu Dragon Capital chỉ ra trách nhiệm môi trường xã hội, đáp ứng chỉ số ESG sẽ là những vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm, phát triển các công nghệ mới để cải thiện năng lực thích ứng.
Với những xu hướng tương lai, ông Dominic Scriven mong muốn năng suất làm việc của đội ngũ công chức cần được cải thiện hơn.
"Tại sao 15.000 công, viên chức nghỉ việc ở cơ quan nhà nước trong hai năm vừa qua? Điều tôi lo lắng là các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang làm việc với tốc độ rất là nhanh và điều cần đặt ra là làm sao để các cơ quan nhà nước bắt kịp tốc độ làm việc đó? Đặc biệt ở các lĩnh vực mới như số hóa, các lĩnh vực chịu tác động của biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ,… là các lĩnh vực cần bộ máy thực thi mạnh mẽ, được trang bị tốt".
Đại diện Dragon Capital mạnh dạn đưa ra các đề xuất như sau: hệ thống trọng tài để giải quyết tranh chấp về môi trường kinh doanh quốc tế cũng cần được đánh giá lại. Theo nhà sáng lập Dragon Capital, trong nước có Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) rất quan trọng đối với môi trường kinh doanh, giúp can thiệp và cải thiện năng lực cũng như mức độ hấp dẫn của của dịch vụ VIAC.
Các công ty kế toán, kiểm toán cũng cần nâng tiêu chuẩn theo quốc tế và hệ thống kế toán của Mỹ, có thể kể đến IFRS và IAS.
Cần tạo cơ chế chuyển tiền giữa nước ngoài và Việt Nam thuận lợi cho các công ty hoạt động, kinh doanh ở nước ngoài; thay đổi chính sách VISA đối với du khách và người nước ngoài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải chú ý giảm thiểu rủi ro cho đối tác tài chính của mình. Ông Dominic Scriven gợi ý cấu trúc theo kiểu gọi vốn và một nửa là vốn chủ sở hữu.
Các biện pháp phi tài chính để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư như cải thiện năng lực quản trị, quản lý rủi ro, đa dạng hóa về rủi ro, đảm bảo tính minh bạch trong cung cấp thông tin, tính trách nhiệm và tăng cường tinh thần trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp được nhận đầu tư.