Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam (Agribank), ông Phạm Đức Ấn cho biết theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hoá chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt.
Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc, khiến xử lý kéo dài. Trong năm 2023, ngân hàng đã xử lý được 12 mảnh đất và hiện vẫn còn 29 mảnh gặp vướng mắc.
Do đó, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bàn giao nguyên trạng cho địa phương những mảnh đất này để sớm triển khai kế hoạch cổ phần hóa mà không chờ xử lý tổng thể khi Luật Đất đai mới được thông qua.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng thì mấu chốt là tăng cường chính sách tài khoản, thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm cũng như tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho dự án.
Ông Ấn cho biết năm 2024, các tổ chức tài chính quốc tế và chuyên gia đã nhận định nền kinh tế thế giới vẫn tiếp đà giảm tốc, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong khi kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên. Đồng thời, những bất ổn đang ngày càng trở nên khó đoán định. Do đó, hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng để hỗ trợ cho tăng trưởng, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Đồng thời, mấu chốt của vấn đề này là tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường.
Thực hiện được những điều trên sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, ông cho biết.
Chủ tịch HĐTV của Agribank kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh trong bối cảnh các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh.
Ngoài ra, ông cho rằng Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại triển khai chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù.
Ông Ấn cũng nêu ra thực trạng do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 khả năng đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn.
Vì vậy, đại diện Agribank đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.