Doanh nghiệp

Chủ thương hiệu Mì 3 miền và mì Reeva chen chân vào mảng đồ uống: Ra mắt nửa năm, quảng cáo rầm rộ vẫn... mờ nhạt

Tháng 8/2021, Uniben - chủ thương hiệu Mì 3 miền và mì Reeva đã công bố tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ hai doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ, sau lần điều chỉnh đầu tiên từ 400 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng vào năm 2016. Hiện tại, cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ sở hữu 48,8%, số cổ phần còn lại do các lãnh đạo công ty nắm giữ.

Dù không nổi đình đám như Vifon, Masan Consumer hay Acecook nhưng Uniben cũng gây được tiếng vang và có chỗ đứng nhất định trong ngành, với việc sở hữu 2 thương hiệu "3 Miền" và Reeva. Trong đó, mì 3 Miền là nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt chọn mua nhiều hàng đầu liên tục từ 2015 đến nay với trên 27,5% thị phần, theo KantarWorldPanel. Còn Reeva là thương hiệu mì, phở cao cấp xuất khẩu đến hơn 16 quốc gia trên thế giới.

Động thái tăng vốn điều lệ của Uniben đi cùng với kế hoạch chen chân vào mảng đồ uống. Hồi cuối năm 2020, công ty cho ra mắt thương hiệu nước trái cây JOCO. Đến đầu năm 2021, Uniben tiếp tục giới thiệu thương hiệu thứ hai - trà mật ong thương hiệu Boncha, đồng thời đẩy mạnh quảng cáo, truyền thông cho sản phẩm này.

Chủ thương hiệu Mì 3 miền và mì Reeva chen chân vào mảng đồ uống: Ra mắt nửa năm, quảng cáo rầm rồ vẫn...chìm nghỉm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó tổng giám đốc Uniben chia sẻ về chiến lược phát triển ngành nước giải khát tại sự kiện ra mắt Nước trái cây Joco.

Chủ thương hiệu Mì 3 miền và mì Reeva chen chân vào mảng đồ uống: Ra mắt nửa năm, quảng cáo rầm rồ vẫn...chìm nghỉm - Ảnh 2.

Ba năm trở lại đây, Uniben cũng đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 nhà máy lớn và hiện đại, thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu với các dây chuyền sản xuất khép kín, tự động hóa hoàn toàn, được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Nhật... cùng hệ thống xử lý nước thải thân thiện với môi trường. Khi hoạt động hết công suất, mỗi năm mỗi nhà máy có thể cung cấp trên 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm đạt chất lượng ISO, HACCP... cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Ngành đồ uống tại Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, doanh thu toàn thị trường trong năm 2020 vào khoảng 3.600 tỉ đồng (theo Kantar World Panel) và mỗi năm tăng trung bình mức 2 con số, dự kiến đạt 5.000 tỉ VNĐ vào năm 2022. Tuy nhiên đi cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt của cả doanh nghiệp ngoại và trong nước, với các tên tuổi lớn nhỏ như Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Coca Cola,...

Cộng thêm bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, 2 thương hiệu mới của Uniben vẫn chưa gây được tiếng vang trên thị trường. Dẫu vậy, công ty này cho biết sẽ tiếp tục ra mắt những thương hiệu mới trong thời gian tới.

Nói thêm về Uniben, công ty thành lập từ năm 1992 nhưng những năm đầu tập trung xuất khẩu mì gói cho thị trường Nga và châu Âu. Đến năm 2004, Uniben bắt đầu hướng về thị trường trong nước bằng việc cho ra mắt thương hiệu "3 miền" và sau đó là Reeva vào năm 2012. Tên tuổi của doanh nghiệp còn gắn liền với doanh nhân Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB). Hiện ông Vỹ là Chủ tịch HĐQT của Mareven Food Holdings, nhà sản xuất mì ăn liền lớn tại Nga với nhãn hiệu mì nổi tiếng Rolton.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm