Cặp vợ chồng quê Hà Tĩnh mua nhà ở khu chung cư thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông tháng 11/2020. Căn hộ có diện tích 69 m2, mua lại từ chủ cũ giá 1,25 tỷ đồng. Họ có vốn một nửa, còn lại vay người thân. Khi dọn về ở, họ chỉ đầu tư tủ bếp, nhiều thứ khác vẫn tạm bợ.
Trang, 29 tuổi, cho biết khu này thiết kế không đẹp nhưng có sân chơi trẻ con rộng rãi, nhiều hàng xóm cùng quê nên rất vui vẻ. Vợ chồng cô chưa từng nghĩ đến việc chuyển nhà hoặc chuyển sang ở nhà mặt đất.
Tháng 11/2023, thấy một nhà hàng xóm bán được giá, nhà Trang và các hộ khác cũng quyết định bán. Chỉ chưa đầy một tuần, vợ chồng cô đã chốt được khách mua giá 2,4 tỷ đồng, gần gấp đôi thời điểm mua ba năm trước. "Người hàng xóm bán trước có ba tuần bị hớ cả trăm triệu đồng", Trang chia sẻ.
Gia đình Trang cùng với bốn hộ khác trong 10 căn hộ cùng tầng đã bán nhà.
Mua lại một căn hộ thuộc dự án nhà xã hội đã qua sử dụng bốn năm ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm hè 2022, gia đình anh Phạm Minh muốn an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên biến động công việc khiến vợ chồng anh mất khả năng trả nợ ngân hàng.
Căn hộ của anh là căn góc, hướng đẹp, giá mua 2,6 tỷ đồng có diện tích 70 m2. Hồi tháng 11/2023 thấy được giá, anh quyết định bán được 3,3 tỷ đồng. Nhà chỉ để lại có tủ bếp và ba chiếc điều hòa đã cũ. "Dù rất tiếc, vợ chồng tôi cũng vui vì trong hơn một năm mua ở đây đã lãi được 700 triệu đồng", anh cho biết.
Không chỉ gia đình anh Minh, nhiều chủ hộ ở khu này cho biết thường xuyên phải tiếp điện thoại của những người hỏi mua. Giá căn hộ đều đã tăng từ hơn 2 đến 2,5 lần so với giá mua 5 năm trước.
Lúc đặt cọc mua căn hộ studio 25 m2, giá gần 1,3 tỷ đồng ở một dự án ở Tây Mỗ hồi tháng 8/2023, chị Thu Mây, 30 tuổi, chỉ sợ diện tích nhỏ, thị trường chậm, không thanh khoản được. Nhưng trong xu hướng chung cư Hà Nội tăng giá mạnh, căn hộ nhỏ của chị lại dễ bán. Tròn ba tháng từ ngày mua, chị Mây bán được căn này, bao phí sang tên, chốt lãi hơn 200 triệu đồng.
Năm 2023, giá chung cư ở Hà Nội có xu hướng tăng cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy giá chung cư sơ cấp ở thủ đô tăng gần 15%. Thị trường thứ cấp trong quý IV tăng gần 5% theo năm.
Theo anh Phan Quốc Tuấn, một môi giới chung cư nhiều năm ở Hà Nội, trong khoảng hai tháng cuối năm 2023 xuất hiện một làn sóng các gia đình chớp thời cơ chung cư tăng giá để bán như gia đình chị Trang, anh Minh. Thời điểm này, hầu hết những người mua được nhà từ chủ đầu tư và mua cách đây một năm đều đã có lãi.
"Người mua hầu hết có nhu cầu thực ở. Một số là người ngoại tỉnh mua cho con học Hà Nội hoặc vợ chồng mới cưới mua nhà lần đầu", Tuấn cho biết.
Thống kê của Cục Thuế TP. Hà Nội ghi nhận số giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn trong quý IV năm 2023 tăng mạnh với 23.000 giao dịch, trong đó chung cư là gần 9.700, chiếm hơn 1/3 giao dịch của cả năm.
Số liệu thống kê của CBRE cũng cho thấy số lượng nhà Hà Nội được bán trong hai quý cuối năm tăng hơn 60% so với nửa đầu năm và tăng gấp đôi so với TP HCM.
Lý giải nguyên nhân, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Phát triển nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết do nguồn cung hạn chế, trong khi giá bán các dự án mới hầu hết ở phân khúc cao cấp. Phân khúc trung cấp có mức giá bán phù hợp hơn với túi tiền của đại bộ phận người dân lại chiếm tỷ trọng nhỏ, còn phân khúc bình dân hoàn toàn không có trong giỏ hàng.
Nhu cầu nhà ở các thành phố lớn rất cao. Hơn nữa, đợt đầu năm nay thị trường chững lại do lãi suất cao. Những tháng cuối năm lãi suất giảm nên người có nhu cầu và khả năng sẽ mua.
Chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho biết thêm, với các dự án mới mở bán, giá sơ cấp (mua từ chủ đầu tư) luôn cao hơn các dự án đã triển khai trước đó trong cùng khu vực với chất lượng tương đương.
Các dự án nhà ở xã hội được hưởng lợi nhiều từ chính sách nhà nước nên có giá ban đầu khá thấp (thường dưới 20 triệu đồng một m2). Sau 5 năm khi đủ điều kiện chuyển nhượng hợp pháp, họ bắt đầu bán ra chốt lời. Lúc này giá tăng gấp đôi vẫn ở mức dưới 40 triệu một m2, rẻ hơn nhiều các dự án mới mở bán sau này.
Hơn nữa, các chủ đầu tư cũng chỉ thích làm phân khúc trung - cao cấp, không làm phân khúc giá rẻ trung bình, nên sản phẩm thứ cấp của nhà ở xã hội trở thành hàng "hot".
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, câu chuyện chớp thời cơ bán khi chung cư tăng giá khó phân định "khôn hay dại" bởi tùy vào từng nhu cầu của gia đình. Ví dụ nhà có thêm thành viên, đang muốn chuyển nơi ở mới rộng hơn mà căn đang ở được giá thì có thể bán. Hơn nữa, các chung cư cấp thấp theo thời gian sử dụng sẽ dần xuống cấp, dịch vụ, tiện ích không đảm bảo, nếu đang được giá cũng có thể bán để tìm cơ hội chuyển nhà.
Nhà đầu tư Lê Quốc Kiên bổ sung, đây có thể là cơ hội giúp một bộ phận người dân có thêm nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Họ có thể đổi nhà để trả bớt số tiền vay, hoặc đầu tư kinh doanh. Phương án khác là tranh thủ lúc thị trường đất nền đang đóng băng, mua một mảnh đất để dành sau này xây nhà, rồi trích một phần tiền dư thuê chung cư khác có môi trường tốt hơn để ở.
"Một số người đã có thêm ngân sách để có thể chuyển từ chung cư xuống nhà mặt đất", anh Kiên nói.
Sau khi bán được nhà ở Tây Mỗ, Thu Mây đã chuyển sang mua một căn ở cửa ngõ phía Đông thành phố chờ ngày tăng giá. Gia đình anh Minh trả bớt nợ, chuyển ra mua chung cư ngoại thành ở huyện Đan Phượng.
Tại tầng của Huyền Trang, bốn nhà đã bán nhà giờ đây mỗi nhà mỗi ngả. Một gia đình chuyển sang mua đất ở Đông Anh. Hai nhà khác đang đi thuê vì chưa tìm được nhà mới phù hợp với khả năng tài chính, do căn đã bán của họ diện tích bé.
Riêng nhà Trang, xác định khu này mới đi vào sử dụng nên được giá bán. Nếu kéo dài vài năm nữa xuống cấp sẽ bị trượt giá, lúc đó muốn chuyển nơi mới sẽ khó khăn. Số tiền 2,4 tỷ đồng vừa đủ cho gia đình mua một ngôi nhà 34,5 m2, bốn tầng ở Yên Nghĩa (Hà Đông) có đường ôtô, vành đai 4, gần chỗ làm của chồng và trường của con.
"Tôi chọn mua vì có một căn bếp rộng và nhiều nắng", Trang nói. Ngày 26 Tết năm nay họ sẽ về nhà mới. Ở ngôi nhà thứ hai này, cặp vợ chồng trẻ đã đầu tư làm nội thất đồng bộ.
"Dù biết từ chung cư xuống nhà đất sẽ không quen, vợ chồng tôi hy vọng năm tới sẽ bước chuyển mình mới", cô cho hay.