Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ triển khai giai đoạn 1 với 500 xe đạp điện, 500 xe đạp thường, tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Dịch vụ xe đạp sẽ được thí điểm ở một số quận của Hà Nội trong 12 tháng
6 quận thí điểm giai đoạn 1 gồm: Ba Đình dự kiến có 340 xe, Tây Hồ 240 xe, Đống Đa 100 xe, Hoàn Kiếm 280 xe, còn lại là Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp thường, 10.000 đồng với xe đạp điện; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 và 120.000 đồng.
Doanh nghiệp cũng có vé tháng, quý và năm, thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên smartphone: Mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng... Trong năm đầu tiên thí điểm, doanh nghiệp xin được miễn phí vỉa hè và thu phí dịch vụ.
Đón nhận thông tin này, có khá nhiều ý kiến khác nhau, ủng hộ có, nghi ngại về sự thành công cũng có.
“Đường phố Việt Nam không phù hợp cho xe đạp, sang đường rất bất tiện. Trừ khi có làn đường dành riêng cho xe đạp may ra!”, bạn đọc Hoàng Lan bình luận.
Tuy nhiên, phản bác lại, bạn đọc Nguyễn Nam phản hồi: “Chưa làm đã bàn lùi! Tôi đã trải nghiệm và rất thích mô hình thuê xe đạp ở TP.HCM. Theo tôi có lẽ không cần phải “thí điểm” mà Hà Nội nên mạnh dạn làm luôn với số lượng lớn”.
Đồng tình, bạn đọc Phương Oanh chia sẻ: “Đề nghị triển khai càng sớm càng tốt vì môi trường, sức khỏe và cũng là sự văn minh nữa. Ai không thích thì tiếp tục đi ô tô, xe máy... Chúng ta nên làm vì lợi ích 5 năm, 10 năm, 20 năm sau và hơn thế nữa”.
Tuy nhiên, một số người cũng cho rằng giá thuê hiện nay chưa hợp lý.
“Giá thuê 60.000 đồng/ngày với xe thường là quá đắt. Ví dụ từ ga Cát Linh đến chỗ làm từ 2 - 4km, thì đi grabbike có mã khuyến mại (2 lượt đi và về) sẽ rẻ hơn thuê xe nguyên 1 ngày. Thiết nghĩ cái này phải lấy ngân sách thành phố ra để hỗ trợ, và chỉ thu phí 10.000 đồng/ngày đối với người Việt, còn khách nước ngoài thì giá cao hơn”.