Kỹ năng sống

Lần duy nhất tôi đánh học trò Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã

Một trong những điều làm giáo viên e ngại có lẽ là trong lớp có những học sinh "nổi loạn", chống đối. Để dạy và dỗ được những học sinh đó vào quy củ là cả một quá trình lâu dài và khó khăn.

Nghiêm khắc, cứng rắn tất nhiên cần phải có. Thế nhưng, học sinh có thể tỏ ra nghe lời ở thời điểm đó nhưng trong lòng chưa chắc đã "phục". Cũng có khi, những em cá tính mạnh còn bật lại thầy cô ngay giữa lớp. Đứng trước những tình huống khó xử, cách đối phó mà nhiều giáo viên đồng tình đó chính là thuyết phục học sinh bằng lời lẽ có lý, có tình, bằng tình cảm và phép tắc, khen, chê đúng lúc. Phương pháp nói ra thì đơn giản, nhưng muốn làm được đòi hỏi phải có nỗ lực lớn của những người đứng trên bục giảng.

Lần duy nhất tôi đánh học trò - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã - Ảnh 1.

Thầy giáo Võ Anh Triết.

Hơn 25 năm trong nghề dạy học, tiếp xúc với hàng ngàn học sinh từ 15-18 tuổi, thầy giáo Võ Anh Triết (TP.HCM) từng gặp không ít trường hợp khó xử. Tự nhận mình "may mắn" vì được hầu hết các học trò yêu mến và… sợ, nhưng thầy Triết cũng cho rằng, nguyên nhân có thể vì thầy luôn chứng minh cho học trò của mình thấy rằng một người thầy để ý đến học trò, nghiêm khắc với học trò, chỉnh sửa kịp thời các hành vi không phù hợp của học trò là vì người thầy đó thương và muốn chúng lớn lên là người đàng hoàng tử tế.

"Tôi xem trọng việc xây dựng niềm tin và sự tôn trọng học sinh dành cho mình thông qua việc thực hành tốt nhất các giá trị sống và hướng dẫn học trò cùng làm theo. Ở lớp tôi dạy học trò mình nói cám ơn và xin lỗi trong bất kỳ hoàn cảnh phù hợp.

Bên cạnh việc dạy môn học, tôi tận dụng nhiều nhất có thể các cơ hội mà học trò mình có thể rút ra bài học đạo đức hoặc lẽ phải từ đó. Tôi hướng dẫn học trò cùng thực hiện các dự án thiện nguyện để từ đó lòng trắc ẩn trong các em được thổi cháy lên. Đôi khi tôi vẫn gặp một số học trò có cá tính mạnh và có các hành vi thiếu kiểm soát. Trong những trường hợp đó, tôi nghĩ sự chân thành cùng với sự kiên quyết sẽ có ích" , thầy nói.

Lần duy nhất tôi đánh học trò - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã - Ảnh 2.

Thầy Triết kể, có lần nọ thầy dạy học trò khá thông minh nhưng ngỗ nghịch. Hoàn cảnh gia đình cậu không tốt khi ba mẹ ly hôn, em bị bệnh về não. Cậu theo bạn bè ham chơi, lêu lổng, làm biếng học hành, kể cả môn tiếng Anh của thầy. Thầy khuyến cáo nhiều lần, cậu vẫn không đổi.

"Hôm nọ cậu sử dụng điện thoại trong lớp, không phải lần đầu, tôi quyết định cho cậu nghỉ học. Mẹ cậu đến, chỉ ngồi khóc. Tôi quyết định mạo hiểm, vì tôi biết có nhiều khả năng tôi gặp rắc rối. Nhưng tôi nghĩ đó là cách cuối cùng.

Buổi tối cậu đến lớp, tôi kêu cậu lên bàn giáo viên, tôi kể cho cậu và cả lớp về câu chuyện mẹ cậu ngồi khóc và lo lắng về cuộc đời của cậu. Tôi kể từng câu một, từng ý một, rồi bất ngờ tôi đứng dậy tát cậu thật mạnh. Tôi bảo đây là lần đầu tiên tôi đánh học trò, đây là cái tát tôi thay cha cậu dạy cậu, thay mẹ cậu nhắc nhở cậu, rằng cậu là đứa con bất hiếu.

Cậu đứng yên, nước mắt chảy xuống, rồi cậu vòng tay xin lỗi tôi. Từ đó cậu ngoan hẳn, học hành đàng hoàng, rồi vào đại học. Lâu lâu cậu lại về thăm, lại ôm tôi, lại cám ơn tôi đã tát cậu thật mạnh, và cậu choàng tỉnh. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong 25 năm tôi làm thầy. May mắn cho tôi vì tôi là giáo viên tự do và may mắn hơn nữa là cậu học trò từ thẳm sâu là một người tốt. Tôi không nghĩ đó là giải pháp tốt nhất, nhưng vào thời điểm đó nó là giải pháp duy nhất còn lại" , thầy Triết chia sẻ về ứng xử với học sinh "nổi loạn" của mình.

Một lần khác một cậu học trò lớp 9 nói dối, thầy phân tích và chỉ ra cái sai của cậu. Cậu không thể chối cãi, và bột phát nói câu gì đó hỗn láo. Dù giận tím người, nhưng may thầy Triết kiềm chế được. Thầy nhẹ nhàng bảo học sinh ngồi xuống, nói rằng cậu đã nói hỗn với thầy. Thầy cho học sinh về nhà suy nghĩ. Nếu suy nghĩ kỹ rồi thì hãy viết thư cho thầy và có thể chọn học tiếp hay không.

Buổi học sau cậu vào lớp, đưa cho thầy một lá thư dài ba tờ giấy, trong đó viết rất nhiều và xin lỗi thầy. Từ đó, cậu tích cực hẳn ra. Các bạn trong lớp cũng nhận ra điều đó.

Với một câu chuyện khác, có thể là trường hợp khó nhất vì cậu học trò trong câu chuyện có tình trạng tâm lý thật sự bất ổn. Cậu sống khép kín, vào lớp yên lặng, không nói không cười, về nhà im lặng, không chuyện trò cùng cha mẹ. Cha mẹ cậu thật sự căng thẳng và lo lắng. Hôm nọ, thầy Triết chọn cách trò chuyện trực tiếp với cậu học trò lớp 10, ngay trong giờ học: "Sáng hôm qua, thầy và ba con nói chuyện với nhau hơn một giờ về con. Ba con bảo rất lo lắng, con không nói chuyện, không chia sẻ. Con không cười khi về nhà. Con vào phòng, đóng cửa và ở suốt trong đó. Ba nói chuyện, con chẳng buồn trả lời, chỉ im lặng. Có đúng thế không?".

Nghe thầy nói, cậu học trò im lặng. Thầy Triết kể tiếp rằng đã nói với ba của cậu bé là con anh có phát âm tốt lắm, nhưng học hành đầu óc vẩn vơ: "Hôm qua không đem sách, không chép bài bị tôi quát, vậy mà lát sau tôi kể chuyện tếu nó cười còn hơn các bạn. Nhìn nó cười rạng rỡ và đẹp lắm". Khi đó, cả lớp cười ồ lên.

Tiếp tục đặt câu hỏi cho trò rằng có ghét mình không khi trong lớp gọi cậu nhiều hơn các bạn khác, thầy giáo này chia sẻ sự khác nhau giữa hai thầy trò: "Con biết con và thầy khác nhau gì không? Đừng bảo sự khác biệt đó là thầy là thầy, và con là trò. Không phải. Cả hai chúng ta đều là đàn ông, nhưng con có cha, còn thầy thì không. Thầy từng có cha trước khi thầy hai tuổi. Con may mắn hơn thầy. Con biết không, hôm nay, con có cha, có gia đình, chưa chắc ngày mai con còn họ. Ba con cần nhìn thấy con vui vẻ hơn, học tập tốt hơn, quan tâm tới mọi người nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Con hiểu không?".

Tiếp đó, thầy đề nghị cậu học trò của mình vào lớp tập trung hơn, lắng nghe nhiều hơn. Và "tối nay đi học về, hãy tạo sự khác biệt, bằng cách nói chuyện với ba mẹ, cười nhiều hơn, được chứ?". Cậu học trò đã hứa. Mọi thứ tốt đẹp sau đó, cậu vui vẻ học tập, vui vẻ với gia đình. Cậu vào đại học, tốt nghiệp đại học, thành công trong cuộc sống.

Lần duy nhất tôi đánh học trò - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã - Ảnh 3.

Không nhận mình là người thầy "chuyên trị học trò nổi loạn", thầy Triết nghĩ đơn giản là mình may mắn với nghề. Nói về những vụ việc về thái độ không đúng mực của học sinh đối với giáo viên gần đây, thầy Triết cho rằng, đã không còn cá biệt nữa mà càng ngày càng nhiều.

"Những câu chuyện buồn về mối quan hệ thầy trò xuất hiện trên báo, trên mạng xã hội khiến cho những người làm thầy, trong đó có tôi, cảm thấy đau lòng, rồi nản lòng. Có thể nói, mối quan hệ thầy trò truyền thống đã thay đổi. Những thay đổi đó có hai mặt của nó, tích cực có, tiêu cực có. Nhưng những gì chúng ta nghe thấy phần lớn là tiêu cực" , thầy Triết nói.

Tuy nhiên theo thầy, những em học sinh liên quan trong các sự cố học đường không hẳn là học sinh "cá biệt", vì thật ra khái niệm cá biệt dùng cho các em thường nghiêng về nghĩa tiêu cực. Thông thường tất cả các em đều có hoàn cảnh gia đình khác biệt với bạn bè khiến các em thiếu sự quan tâm của cha mẹ, mất niềm tin vào các giá trị cốt lõi như tình yêu gia đình, sự tôn trọng dành cho người khác… dẫn đến việc các em hằn học với mọi người xung quanh, trong đó có thầy cô của mình. Hậu quả là khi gặp những chuyện không hài lòng hay bức xúc, các em hành động mất tự chủ. Thường thì khi các em đến mức cư xử như vậy, giải pháp nào cũng khó khăn và mơ hồ về hiệu quả.

"Hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học tập là những biện pháp theo quy định, tuy nhiên tôi không tin học sinh bị hạ hạnh kiểm hay nghỉ học một tuần ở nhà sẽ trở thành người khác. Bạn sẽ không thay đổi được gì khi học sinh không buồn vì bị hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học tập. Thậm chí các em đôi khi còn cảm thấy mình "ngầu" nữa. Các biện pháp kỷ luật này không hiệu quả, nếu không muốn nói là vô ích với nhiều học sinh như thế. Cái cần thay đổi là ý thức, và quá trình thay đổi đó không thể diễn ra trong một tuần lễ" , thầy chia sẻ.

Việc giáo viên xúc phạm học sinh theo thầy Triết cũng không đúng, và người giáo viên đó cần nhận ra sai lầm của mình một cách cầu thị nhất thông qua sự quản lý và điều chỉnh của một ban giám hiệu thật sự.

Lần duy nhất tôi đánh học trò - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Các nhà lãnh đạo giáo dục, cụ thể ở mức thấp nhất là ban giám hiệu phải là những người lên tiếng vì lẽ phải, phê phán cái tiêu cực của giáo viên nhưng phải là những người bảo vệ giáo viên của mình. Họ không thể là những người điều hành nhà trường hay ngành giáo dục cơ sở theo phản ứng của số đông trên mạng xã hội, để xoa dịu cơn cuồng nộ của xã hội trước một câu chuyện nào đó mà phần lớn những người tham gia lên tiếng đều không ở trong cuộc và nhìn vấn đề từ một góc nhìn đầy chủ quan và ác ý.

Lần duy nhất tôi đánh học trò - Cái tát mạnh giữa lớp của người thầy kéo đứa trẻ khỏi vực thẳm sa ngã - Ảnh 5.

Trước quan điểm, làm giáo viên vốn dĩ không dễ, nhưng trong thời đại ngày nay lại càng khó khăn gấp bội. Mọi lỗi lầm hầu hết đều quy trách nhiệm về giáo viên, người thầy cũng không còn "quyền" xử lý học sinh vi phạm khiến họ không còn mặn mà làm "giáo viên tâm huyết", thầy Triết cũng thú nhận "cảm thấy lửa nghề trong lòng mình có bớt "cháy" so với ngày xưa".

Tuy nhiên, thầy nói thêm: "Tôi nghĩ người thầy phải biết và đặt ra cho mình những nguyên tắc nghiêm khắc nhất, về kiến thức, về hành vi, về thái độ đối với nghề nghiệp của mình. Học trò tinh ý lắm, chúng biết anh thương chúng, chúng ắt sẽ thương anh.

Rõ ràng gần đây người thầy bị tổn thương nhiều khi họ không được bảo vệ chính đáng bởi đồng nghiệp của họ, nhưng người thầy phải thật sự công bằng, phải thật sự cầu thị, phải thật sự tử tế. Người thầy phải là tấm gương cho học trò mình. Thẳng thắn mà nói, có một số giáo viên xem nghề giáo chỉ là dạy chữ, và biến bản thân thành thợ dạy. Dạy học là một nghệ thuật, không chỉ là cầm phấn đứng trên bục giảng" , thầy Triết chia sẻ về cảm xúc của mình sau 25 năm dạy học.

Thầy Triết cũng nhận định, người thầy ngày nay còn quá nhiều lo toan cuộc sống. Họ không thể vô ưu và tận tuỵ cống hiến khi chưa thể chăm sóc tốt cho gia đình mình. Đó là sự thật. Đừng đòi hỏi người thầy là bậc thánh nhân, vì họ là người bình thường như bao người khác.

"Người thầy hiện tại cũng phải làm quá nhiều việc bên ngoài công tác giảng dạy chuyên môn của họ, nhất là những việc liên quan đến tiền bạc. Khi đề cập tới tiền bạc, trong mắt học trò hình ảnh người thầy ít nhiều khác đi. Hãy cho người thầy cơ hội làm tốt nhất chuyên môn của mình, cho người thầy một mức lương đủ tốt để họ đỡ phải lăn tăn cơm áo gạo tiền nuôi sống gia đình. Khi người thầy bớt lo toan, họ sẽ làm việc tốt hơn" , thầy nói.

Thầy Triết nhấn mạnh, phía phụ huynh cũng nên hiểu rằng, một đứa trẻ không trưởng thành và thành công chỉ nhờ một học bạ toàn điểm giỏi mà chẳng biết chút gì về cuộc sống xung quanh. Và thầy cô chỉ đi cùng trẻ một đoạn đường ngắn trong khi cha mẹ sẽ gắn với con cả cuộc đời. Tương lai con sau này ra sao, không chỉ phó thác cho thầy cô mà thành được.

"Nếu có một lời chúc, xin chúc các đồng nghiệp của mình luôn thật bình an trong cuộc sống và trong nghề nghiệp. Nếu một lúc nào đó thấy buồn hay nản lòng, hãy nghĩ về những ngày làm nghề vui vẻ. Nỗi buồn nào cũng qua. Tôi cũng chúc các thầy cô là lãnh đạo nhà trường, ngành giáo dục, sẽ luôn lên tiếng bảo vệ đồng nghiệp mình bất kỳ khi nào có thể, khi họ không làm sai. Không có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn bị đồng nghiệp của mình chối bỏ những lúc nguy nan, chỉ vì muốn mát lòng những đòi hỏi vô cớ từ số đông trên mạng", thầy Triết chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm