Kỹ năng sống

Ông Tây thích dọn rác

Từ đó, người đàn ông Mỹ đã nhiều lần giúp họ đẩy xe, cùng đi quét rác lúc rảnh mong giảm tải công việc.

"Đối với tôi, nữ công nhân môi trường như những anh hùng thầm lặng nên muốn có cơ hội được nói lời cảm ơn", James, thầy giáo dạy tiếng Anh, chia sẻ về ý tưởng san sẻ công việc với nhân viên môi trường.

Đúng ngày 20/10, người đàn ông 42 tuổi cùng các tình nguyện viên đeo găng tay, móc kẹp rác bên hông, đẩy xe đi quét và thu gom rác trong nhiều giờ nhằm hỗ trợ 160 nữ lao công ở quận Hoàn Kiếm. Cuối ngày, nhóm gửi tặng hoa và quà đến các chị, khiến người nhận không khỏi xúc động.

"Tôi hy vọng lần tới có thể giúp đỡ hơn 2.000 nữ lao công trên toàn thành phố. Họ xứng đáng được tôn vinh", James nói.

James Joseph Kendall trong một lần hỗ trợ các nữ lao công ở Hà Nội hồi tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

James Joseph Kendall trong một lần hỗ trợ các nữ lao công ở Hà Nội hồi tháng 10. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây chỉ là một trong hàng trăm hoạt động dọn rác được James và các tình nguyện viên triển khai trong 6 năm qua, mong giữ Hà Nội sạch sẽ.

James Joseph Kendall, sinh ra ở Springfield, bang Ohio (Mỹ), từng là nhân viên vật lý trị liệu và massage tại một phòng khám tư nhân. Năm 2011, anh có một tháng đến Hà Nội thăm anh trai là giảng viên đại học. Lần đầu đến đây, chàng trai bị ấn tượng bởi nụ cười rạng rỡ, sự thân thiện của người dân. Năm tiếp theo, anh thử sống và dạy tiếng Anh ở đây ba tháng.

Về nước, hình ảnh Việt Nam cứ quẩn quanh trong đầu, ý định gắn bó với vùng đất mới ngày càng rõ rệt. Năm 2013, James quyết định bán toàn bộ tài sản để sang Việt Nam và được gia đình ủng hộ.

Thích Việt Nam nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải vứt bừa bãi tại các mương, hồ, quanh khu dân cư là điều khiến James trăn trở. Anh nghĩ phải làm điều gì đó và bắt đầu bằng việc dọn rác ở những nơi bẩn nhất. "Mọi người luôn hỏi tôi tại sao chọn dọn rác ở Hà Nội. Nhưng tại sao tôi không thể làm vậy cho thành phố mình trót say lòng?", anh giải thích.

Tháng 5/2016, James tìm đến con mương bốc mùi, nước đen đặc, chất đầy rác thải ở cuối đường Thành Thái, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy để dọn rác. Anh kể, sau khi đeo găng tay, cầm túi nilon cỡ lớn và cùng hơn 10 tình nguyện viên dìm người xuống con mương đầy sình lầy, trực tiếp bốc từng bao rác, nhặt túi nilon - việc anh chưa từng làm khi ở Mỹ.

Nhưng điều James không ngờ là hình ảnh lội xuống dòng nước thải đen ngòm vớt rác trở nên nổi tiếng, anh bắt đầu được mọi người gọi là "ông Tây dọn rác" hay "ông Tây móc cống". Ngoài lời ngợi khen, cảm ơn, không ít người nói anh khùng, làm việc dư thừa, khuyên nên tập trung kiếm tiền nhưng James lắc đầu: "Tôi dọn rác vì thấy bẩn chứ không phải để được chú ý".

Sau lần đó, anh bắt đầu lập một nhóm trên mạng xã hội với tên gọi Keep Hanoi Clean (Giữ sạch Hà Nội), chia sẻ kiến thức bảo vệ môi trường, tổ chức các buổi dọn rác vào cuối tuần. Nhóm tình nguyện ưu tiên làm sạch cống rãnh lộ thiên, mương, ao, hồ, gầm cầu, công viên ô nhiễm nhất ở Hà Nội, sau thu gom và chở đến điểm tập kết theo đúng quy định.

Nhưng tìm địa điểm ô nhiễm, kêu gọi tình nguyện viên không khó bằng việc chuẩn bị dụng cụ nhặt rác chuyên nghiệp vì cần số lượng lớn. "Tôi không thể để mọi người tay không bốc rác. Mọi hoạt động đều cần găng tay, túi nilon, kẹp gắp rác chuyên nghiệp và nhiệm vụ của tôi là trích tiền lương đi dạy để mua đồ khi chưa có nhà tài trợ", anh chia sẻ.

Sau 6 tháng triển khai, nhóm ước tính có khoảng 1.000 người tham gia. Tùy thuộc vào quy mô, James sẽ kêu gọi số lượng tình nguyện viên cho phù hợp, trung bình từ vài chục đến vài trăm người, thậm chí các sự kiện lớn thu hút cả nghìn người tham gia.

Ngoài đội ngũ trực tiếp dọn rác, nhiều người chủ động nấu cơm, mang hoa quả, nước uống đến tận nơi nhóm đang dọn rác để tiếp sức. Các hoạt động thiện nguyện liên tục nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức vì môi trường.

"Chính tình cảm của người dân cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các tình nguyện viên trở thành động lực để tôi tiếp tục hành trình dọn rác thay vì từ bỏ mỗi khi đối mặt với áp lực về công việc, kinh tế và thời gian cho bản thân", anh chia sẻ và khẳng định việc dọn rác xuất phát từ mong muốn cá nhân, yêu thích Hà Nội, không coi đó là nhiệm vụ, yêu cầu ai đó phải trả công hay biết ơn.

James cùng các tình nguyện viên của Keep Hanoi Clean trong lần dọn rác dưới chân cầu Long Biên năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

James cùng các tình nguyện viên của Keep Hanoi Clean trong lần dọn rác dưới chân cầu Long Biên năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua 6 năm hoạt động, Keep Hanoi Clean có hơn 5.000 thành viên, đa phần trong độ tuổi từ 17 đến 50, 80% là người Việt. Nhóm thu gom hàng trăm nghìn tấn rác thải, tổ chức dọn dẹp tại 103 địa điểm và khu vực trên địa bàn thành phố. Riêng hai năm dịch bệnh, nhóm phát động phong trào dọn rác tại nơi ở đến các tình nguyện viên và nhận được sự hưởng ứng.

Trước những đóng góp trong việc bảo vệ môi trường, James cùng các thành viên của Keep Hanoi Clean vinh dự được trao tặng giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" mùa thứ 9 ở hạng mục "Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2016, cùng một số ghi nhận của UBND TP Hà Nội.

Song hành cùng công việc dọn rác vào các cuối tuần, James hiện là thầy giáo dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Ngoài truyền đạt kiến thức, anh thường xuyên chia sẻ cho trẻ nhỏ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách dọn rác, thu gom, phân loại và tái sử dụng đồ cũ để tránh lãng phí.

Tham gia dưới tư cách tình nguyện viên từ cuối năm 2019, hiện là cán bộ dự án của Doanh nghiệp Xã hội Keep Vietnam Clean, Vũ Thùy Dung, 25 tuổi, nói rằng ý chí cùng sự nhiệt huyết của thủ lĩnh James đã truyền cảm hứng cho cô và nhiều người.

"Sau mỗi dự án, anh James luôn nói lời cảm ơn đến các tình nguyện viên, nhưng tôi lại muốn nói cảm ơn anh. James là một người nước ngoài nhưng không ngại khó khăn lăn xả vào những núi rác bốc mùi, sẵn sàng bỏ tiền sắm sửa dụng cụ dọn dẹp, không tiếc thời gian, công sức để thay đổi Hà Nội tươi đẹp hơn", Dung chia sẻ.

Sống gần mương thối nhiều năm, chị Mai Anh, 40 tuổi, phường Yên Hòa, nhận thấy sự thay đổi từ khi nhóm tình nguyện đến dọn rác. Chị nói, 6 năm trước con mương này bốc mùi hôi thối, bề mặt bị che phủ bởi đủ các túi rác thải lớn nhỏ nên ít người qua lại. Nhưng từ khi được "ông Tây" dọn sạch, người dân sinh sống có ý thức hơn, khu vực này dần thay da đổi thịt.

Nhìn lại chặng đường 6 năm từ thay đổi nhận thức đến hành động, James bày tỏ niềm vui và bất ngờ khi các địa điểm nhóm từng dọn rác giờ trở nên sạch đẹp, nhiều người hình thành thói quen sử dụng sản phẩm tái chế, không dùng đồ nhựa, túi nilon, một số nhóm bảo vệ môi trường tại nhiều tỉnh, thành phố được thành lập.

James Joseph Kendall bày tỏ niềm vui khi thấy sự thay đổi tích cực của môi trường sau 6 năm cùng các tình nguyện viên hoạt động tích cực. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

James Joseph Kendall bày tỏ niềm vui khi thấy sự thay đổi tích cực của môi trường sau 6 năm cùng các tình nguyện viên hoạt động tích cực. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Giờ đây, Keep Hanoi Clean đã đổi tên thành Keep Vietnam Clean với với đội ngũ nhân viên và tình nguyện viên nhiệt huyết với 6 chương trình trọng điểm tập trung vào quản lý rác thải, phát triển không gian xanh, nông nghiệp tái sinh, thời trang bền vững và giáo dục cộng đồng. James đảm nhận vai trò là tình nguyện viên thay vì trưởng nhóm, bởi mong có thêm nhiều thời gian cho gia đình, đặc biệt là người vợ Việt anh vừa tổ chức đám cưới hồi tháng 9 năm nay.

"Nhưng ở cương vị nào, tôi vẫn tiếp tục chung tay, góp sức bảo vệ thành phố, đất nước mà bản thân muốn gắn bó lâu dài", người đàn ông 42 tuổi bày tỏ.

Một số hoạt động dọn rác của anh James cùng các tình nguyện viên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm